Cần cởi mở hơn với phim hoạt hình cho trẻ em?

GD&TĐ - Sự việc gần đây kênh truyền hình HTV3 cho chiếu phim hoạt hình "Bảy viên ngọc rồng" có nhiều cảnh hở hang tục, thô tục không phù hợp khiến phụ huynh bức xúc. 

 Cần cởi mở hơn với phim hoạt hình cho trẻ em?

Tuy nhiên, lạ là theo dõi những bình luận bên dưới bài báo, trên các mạng xã hội lại thấy phần đông cho rằng các bậc phụ huynh đã lo xa, không có gì phải lo lắng. Nên chăng, cần cởi mở hơn với phim hoạt hình dành cho trẻ em?

Thử quan sát ý kiến độc giả, rất ít người tỏ ra lo lắng, cho đây là vấn đề lớn. Phản hồi của người dùng mạng theo chiều hướng ngược lại với nỗi lo của phụ huynh. Có nhiều ý kiến, có thể xếp thành ba nhóm: Một số cho là chuyện bình thường, phim chẳng có gì để phải chỉnh sửa. Phim khéo léo lồng vào chi tiết nhầm giáo dục giới tính cho trẻ em. Lập luận rằng "Bảy viên ngọc rồng" có cảnh báo chỉ phù hợp với trẻ 15 tuổi trở lên...

Tại sao một bộ phim phát trên sóng dành cho trẻ em lại thu hút sự quan tâm chú ý của phần đông là người lớn và theo dư luận trái chiều?

Theo dõi, thấy thậm chí có người hỏi giờ phát sóng để có thể đón xem.

Thậm chí người ta còn quay sang trách móc nhà đài khi đã tiếp thu ý kiến của phụ huynh, trót hứa biên tập lại phim cho phù hợp với trẻ em...

Phim hoạt hình từ lâu đã trở thành thú vui giải trí của nhiều người, trẻ em và cả người lớn. Tuy nhiên, phim dành cho người lớn và đối tượng trẻ em rất khác nhau. Nhà sản xuất làm ra nội dung phù hợp phục vụ các đối tượng người xem. Bên cạnh là khác biệt lớn về văn hóa cũng là điều cần biết khi xem phim nước ngoài.

Phụ huynh Việt Nam thường mặc định trong suy nghĩ phim hoạt hình là dành cho trẻ em. Nên rất yên tâm, và càng tin tưởng khi phim phát trên sóng truyền hình, nơi yêu cầu kiểm duyệt nội dung phù hợp là bắt buộc. Cho nên, sự bức xúc, thất vọng khi sự việc xảy ra là dễ hiểu.

Không riêng gì trẻ em, cũng có một bộ phận những người lớn có sở thích xem phim hoạt hình. Thói quen, sở thích bắt nguồn từ lúc nhỏ, không mất đi mà lớn dần theo năm tháng. Có người còn sẵn sàng ngồi hàng giờ cắm cúi với những bộ phim hoạt hình. Nhưng cái đáng nói, khi xem phim dành cho trẻ em lại quên mất bản thân là một người lớn. Chính sự mâu thuẫn này khiến cứ hễ nghe ai phản ánh "điều tiếng" về phim hoạt hình là liền đùng đùng lửa giận, bất chấp sự thật diễn ra, lên tiếng phản đối như chính là người... bị hại, bị mất quyền lợi nhiều nhất (!). Đây cũng không phải lần đầu tiên người ta phản ứng theo kiểu này.

Câu chuyện xung quanh "Bảy viên ngọc rồng" là một ví dụ điển hình mới nhất. Nhưng thật đáng để suy nghĩ. Thay vì là người lớn có trách nhiệm cùng các phụ huynh làm việc có ý nghĩa, góp phần bảo vệ các em, các người lớn này lại lấy suy nghĩ của chính mình để nói thay lời những đứa trẻ còn chưa chín chắn trong nhận thức, hành vi. Rằng các cảnh hở hang, thô tục trên là... bình thường, phù hợp với chúng (!).

Mỗi quốc gia là sự khác biệt về văn hóa, lối sống và cả hệ thống luật pháp. Một sản phẩm văn hóa khi được trình chiếu trên sóng truyền hình tại Việt Nam đương nhiên phải tuân thủ luật lệ. "Bảy viên ngọc rồng" càng không là ngoại lệ. So sánh là quá khập khiễng khi cho rằng phim không cần biên tập, vì đã phù hợp với trẻ em, như tại một số nước.

Một dẫn chứng thuyết phục hơn, ngay tại Mỹ, "Bảy viên ngọc rồng" chiếu trên kênh Cartoon Network cũng phải cắt bỏ nhiều cảnh nóng và bạo lực, biên tập lời thoại và các yếu tố khác cho phù hợp. Cho nên, những ai cho rằng bản phim "Bảy viên ngọc rồng" với nhiều cảnh hở hang, thô tục vừa được phát trên truyền hình là bình thường, phù hợp với trẻ em Việt Nam thì nên suy nghĩ lại.

Có là bình thường nếu chính con em gia đình học tập nhân vật trong phim vén váy phụ nữ ngoài đường? Có sở thích chạm vào vùng kín của người khác, thậm chí là nữ? Thậm chí, chuốc thuốc ngủ một bạn gái, lén lút vào phòng lột trần để định giở trò xằng bậy... như một cảnh trong phim "Bảy viên ngọc rồng" đã được chiếu, với câu thoại thô tục khiến người lớn nghe còn thấy rợn người: "Đợi bọn họ ngủ thiệt say thì... Cái con nhỏ đó mình sẽ sờ đã đời luôn, sờ tới chán mới thôi". Rõ ràng câu trả lời là không. Ai cũng muốn con em phải ngoan ngoãn, có văn hóa, hành xử phù hợp, là người tốt. Thế thì tại sao muốn trẻ xem những hình ảnh không phù hợp với chúng? Cảnh nóng thực sự là muốn dành cho ai?

Những chi tiết thô tục trên rõ ràng cũng chẳng phải những bài học giáo dục giới tính phù hợp. Càng không là phim phù hợp để trẻ em từ 15 tuổi trở lên xem trên truyền hình, lại là ngay trước mắt phụ huynh. Chưa kể, các câu thoại quá thô tục có thể được học sinh bắt chước theo...

Không thiếu những câu chuyện buồn chốn pháp đình do trẻ vị thành niên gây ra, nguyên nhân bắt nguồn từ những văn hóa phẩm xấu trên mạng. Sự lo lắng, lên tiếng của các bậc phụ huynh là chính đáng, cần thiết khi không chỉ mối nguy rình rập con em trên môi trường mạng, nay những văn hóa phẩm không phù hợp còn được đưa công khai lên sóng truyền hình.

Hơn hết, hẳn nhiều người chưa quên, chẳng cần có những chi tiết gây tranh cãi trên, nhiều thế hệ thanh thiếu niên vẫn từng say mê bộ truyện tranh "Bảy viên ngọc rồng" đấy thôi. Một bộ truyện lý thú đã là kỷ niệm thật đẹp, trong sáng của một thời học sinh. Một lần nữa cho thấy, biên tập lại nội dung bộ phim "Bảy viên ngọc rồng" cho phù hợp với trẻ em, thanh thiếu niên càng hợp lý, đúng đắn, cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.