Chuyện nợ duyên trên chợ nổi

GD&TĐ - Với những chàng trai, cô gái sống đời thương hồ, lấy ghe làm nhà thì chuyện tình cảm của họ cũng lênh đênh, khó định. Ban đầu họ chỉ là những bạn hàng, sau nhiều lần trò chuyện bâng quơ thì yêu nhau từ hồi nào không biết. Đám cưới của họ cũng để lại ấn tượng sâu sắc bởi bữa tiệc được tổ chức ngay trên ghe. 

Tái hiện cảnh đám cưới trên chợ nổi
Tái hiện cảnh đám cưới trên chợ nổi

Những người cùng cảnh ngộ

Bà Lưu Thị Năm (55 tuổi, ngụ khóm 2, phường 1, TX Ngã Năm, Sóc Trăng) tâm sự, ba má của bà ngày xưa cũng theo con nước mà đến với nhau và bà cũng vậy. Trong một chuyến rong ruổi về chợ nổi, ghe bà tình cờ neo đậu gần ghe chàng trai tên Nguyễn Trầm Tới.

Sau những lời hỏi thăm chuyện buôn bán, sau những ánh mắt tình cờ chạm nhau, sau những lần tâm sự bâng quơ… rồi suốt một năm hẹn hò, hai người quyết định đi đến hôn nhân. Cưới xong, cha mẹ cho chiếc ghe 13 tấn làm vốn. Thế là vợ chồng đi các chợ nổi như: Cái Bè, Cái Răng, Ngã Bảy… mua bán trái cây kiếm sống.

Thời đó cuộc sống còn khó khăn nên sinh được đứa con nào là gửi cho ông bà nuôi, rồi tiếp tục đi mua bán. Hiện người con gái lớn của họ nay đã 28 tuổi, sau khi học xong đi làm công ty; con gái thứ hai học xong 12 thì đi lấy chồng; con gái thứ ba học Cao đẳng Y tế về làm tại bệnh viện thị xã; con gái út (20 tuổi) đang là sinh viên năm 2 trường Cao đẳng Sư phạm.

“Thời điểm đó buôn bán đắt lắm chứ không ế ẩm như giờ. Khi ấy ghe cộ đậu kín mít cả dòng sông và đưa hàng hóa qua lại không cần đi đò. Giờ nhiều người đã bỏ ghe lên Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân nên nơi này chỉ còn lại người già và trẻ con. Vợ chồng tôi cũng muốn đi lắm nhưng ngặt nỗi hết tuổi lao động”, bà Năm than thở.

Ngồi lắc lư trên chiếc võng nhìn chiếc ghe đầy ắp bắp cải, bà Năm cho biết bà theo ba mẹ từ lúc còn ẵm ngửa, đến khi lấy chồng, rồi có cháu ngoại, bà vẫn sống trên ghe.

Khi còn con gái, mỗi ngày của bà là chuỗi làm việc không nghỉ; hễ tạm dừng chuyện sắp xếp hàng hóa, bán buôn lại xắn tay lo cơm nước, dọn dẹp thay cha mẹ cho đến tận lúc đi ngủ. Sau gần 30 năm lênh đênh trên sông, vợ chồng sắm được 2 chiếc ghe, chiếc 9 tấn dùng để neo hàng bán còn chiếc 2 tấn chuyên đi chở hàng.

3 giờ sáng thường ngày, vợ chồng bà Năm thức giấc bày hàng hóa lên mũi ghe. “Ngày xưa vui lắm, phải thuê ghe kéo đi chứ không có máy chạy như bây giờ. Giờ, người cố cựu ở đây chắc còn được hơn chục ghe còn phần lớn là ghe ở Cái Răng, Ngã Bảy chạy xuống bán. Hồi trước, chiếc ghe lớn chở bao nhiêu hàng bán cũng không đủ còn giờ ghe nhỏ mà vẫn ế thường xuyên. Lấy 300kg bắp cải mà bán nguyên một đêm với buổi sáng chỉ được mấy chục ký, thay vì ngày trước là 1 – 2 tấn”, bà Năm tâm sự.

Đối diện với ghe bà Năm là ghe bà Nguyễn Thị Sáu (55 tuổi) đang bán dưa hấu. Bà kể, vợ chồng bà gắn bó với chợ nổi Ngã Năm đã 35 năm. Khi còn bé xíu, bà cùng 3 anh chị em theo cha mẹ rong ruổi trên chiếc ghe chỉ có vài tấn đi khắp các chợ nổi để mưu sinh.

Đến năm 20 tuổi, trong một lần lấy hàng, bà gặp một thanh niên đi trên chiếc ghe 16 tấn rồi hai người hẹn hò. Cưới xong, vợ chồng bà lên bờ làm thuê làm mướn để tích lũy vốn. Sau 3 năm dành dụm cộng với khoản tiền vay mượn, vợ chồng bà mua được chiếc ghe 20 tấn. Tính đến nay gia đình bà có 3 thế hệ sống trên ghe.

Ghe bầu ngoài nhiệm vụ bày hàng bán còn là nơi tổ chức đám cưới

Ghe bầu ngoài nhiệm vụ bày hàng bán còn là nơi tổ chức đám cưới

Đãi khách dự cưới trên ghe bầu

Những người phụ nữ thương hồ thường mắc cỡ và e thẹn khi nghe chúng tôi hỏi chuyện tình trên ghe. Thường những đôi trai gái sống kiếp thương hồ ít có dịp ngồi bên nhau nhưng họ thề hẹn và trông đợi vào… duyên số. Đa phần duyên vỡ, nhưng duyên thành cũng không phải là ít.

Ngồi trên chiếc ghe bán dưa, chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (35 tuổi, nhà ở khóm 4, phường 8, TP Cà Mau) cũng neo ghe ở chợ nổi Ngã Năm kể, do gia đình khó khăn, học xong lớp 12, chị đi học may. Tranh thủ thời gian rảnh, bạn học rủ chị ra chợ nổi mua dưa về bán. Trong một lần đi cân hàng, chị tình cờ gặp anh Huỳnh Thanh Thái (35 tuổi, quê ở huyện Giồng Riêng, Kiên Giang) đang đậu ghe bán dưa ở chợ, hai người quen biết nhau từ đó.

Sau một tháng hẹn hò, anh Thái đã sang hỏi cưới chị Tú. Biết được tin anh Thái lấy vợ, ai cũng mừng. Ngày cưới của anh, dân chợ nổi ở Cà Mau ngừng buôn bán. Bạn hàng, bạn ghe đi trên những chiếc ghe có gắn bảng tân hôn uống rượu mừng. Đám cưới khách khứa đến dự không chúc cô dâu chú rể có nhà cao cửa rộng mà chúc họ sớm đóng được ghe lớn hơn.

Nhớ lại kỷ niệm khó quên của đời mình, chị Tú bồi hồi: “Lúc đó ghe của cha mẹ chồng đang chở 20 tấn khoai lang đậu tại phường 7, TP Cà Mau để bán. Lúc tổ chức đám cưới thì ghe của cha mẹ chồng, ghe của người anh thứ hai và thứ ba đậu cặp sát nhau để bày 10 bàn tiệc.

Ghe có gắn bảng và làm cổng đàng hoàng. Người được thuê đến chụp hình nói đó giờ chụp không biết bao nhiêu đám cưới nhưng đây là lần đầu tiên chụp trên ghe…”. Lúc này bà Sáu, cô chị Tú tiếp lời: “Dựng vợ gả chồng dưới sông không chỉ vui mà con hợp tình, hợp đạo. Con cháu mình đã sinh ra và phó thác luôn cho sông nước thì chuyện tình cũng phải trên đây, có như vậy hà bá không giận”.

Sau đám cưới, vợ chồng chị Tú về nhà cha mẹ chồng ở. Một thời gian sau, vợ chồng chị được gia đình chồng cho chiếc ghe 12 tấn để làm phương tiện mưu sinh. Thế là, hai người hết đi An Giang, Sóc Trăng sang Kiên Giang, Trà Vinh hoặc Cần Thơ để mua dưa hấu chở về các chợ nổi bán.

Thuyền nhỏ bán ở chợ nổi Cái Răng không chịu được sóng đánh, nước chảy mạnh nên vợ chồng chạy ghe về chợ nổi Ngã Năm. “Bán ở chợ này cân xô chứ không có lựa cỡ như chợ Cái Răng. Trên đó mỗi lần nước trở là phải thức dậy quay ghe, còn ở đây bán xong, cắm sào là ngủ tới sáng”, chị Tú nói về nguyên nhân rời chợ nổi Cái Răng.

Hiện vợ chồng chị Tú đang sống lênh đênh trên chiếc ghe cùng hai đứa con. Tuy nhiên do không có đăng ký hộ khẩu nên dù đã đến tuổi đi học, con chị cũng chỉ gửi được cho nhà thờ. Vợ chồng chị mong mỏi được lên bờ nhưng có lẽ điều ước ấy khó thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.