Bộ sách kể chuyện Điện Biên Phủ

GD&TĐ - 17 tác phẩm kể chuyện Điện Biên Phủ vừa được NXB Kim Đồng giới thiệu nhân kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).

Lần đầu tiên, cuốn 'Ký họa trong chiến hào' được xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Kim Đồng.
Lần đầu tiên, cuốn 'Ký họa trong chiến hào' được xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Kim Đồng.

Có thể thấy, mỗi ấn phẩm như một mảnh ghép đưa bạn đọc đến với bức tranh toàn cảnh về chiến dịch lịch sử này.

Tư liệu quý giá

Lần đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam, cuốn “Ký họa trong chiến hào” thực sự là một trong những tư liệu quý giá góp phần giúp thế hệ hôm nay cảm nhận được những khoảng khắc lịch sử đặc biệt xảy ra cách đây 70 năm của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tác giả của cuốn nhật ký chiến tranh này là họa sĩ Phạm Thanh Tâm – nhân chứng của sự kiện. Anh là người trực tiếp tham gia chiến dịch lúc mới tuổi đôi mươi với vai trò là phóng viên chiến trường kiêm họa sĩ.

“Ký họa trong chiến hào” đã được Nxb Asia Ink ấn hành từ năm 2005 bằng tiếng Anh, với tên gọi: “Drawing Under Fire: War diary of a young Vietnamese artist”. Asia Ink cho rằng những bức ký họa này là “tư liệu hiếm hoi còn sót lại từ chiến trường. Những hình ảnh mong manh trên những trang sổ tay khiến ta cảm nhận được tài hoa phác họa cái đẹp của một họa sĩ trẻ trung trong một trận chiến mà nhà báo Bernard B. Fall gọi là ‘một góc địa ngục’”.

Ấn bản tiếng Việt của NXB Kim Đồng gồm toàn bộ phần nhật ký được đánh máy lại từ bản chép cuốn nhật ký năm 1954 của họa sĩ Phạm Thanh Tâm cũng như sử dụng tư liệu thiết kế và hình ảnh do Nxb Asia Ink cung cấp.

Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên – Tổng biên tập NXB Kim Đồng, “Ký họa trong chiến hào” là một tư liệu lịch sử quý giá với cách thể hiện độc đáo và đầy cảm xúc về Chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Chúng tôi tin rằng, cuốn sách sẽ giúp bạn đọc trẻ tuổi hiểu hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc, về lòng dũng cảm, sức chịu đựng gian khổ của những người lính bộ đội cụ Hồ, từ đó thêm trân trọng và biết ơn những hi sinh của cha ông vì nền độc lập của dân tộc”, bà Liên nhấn mạnh.

Cùng với đó, dịp này còn được gặp lại những tựa sách quen thuộc nhưng mang diện mạo mới giúp độc giả trẻ hứng thú tìm đọc và dễ ghi nhớ các sự kiện, nhân vật lịch sử. Đó là “Kể chuyện Điện Biên Phủ” của nhà văn Hữu Mai thêm phần hấp dẫn độc giả nhỏ tuổi từ lời kể ngắn gọn, dí dỏm đến những bức tranh minh họa màu công phu, sinh động của họa sĩ Nguyễn Thế Phương.

Hay bộ sách “Những anh hùng trẻ tuổi” gồm 3 cuốn sách khắc họa chân dung, chiến công và sự hi sinh anh dũng của các anh hùng: Phan Đình Giót – lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn - lấy thân mình làm giá súng để đồng đội nhằm thẳng quân thù mà bắn và Tô Vĩnh Diện – anh hùng “thà hi sinh, quyết bảo vệ pháo”.

Còn với “Những ký ức Điện Biên” là tập truyện ngắn tuyển chọn những tác phẩm hay viết về Điện Biên của các tác giả: Nguyễn Đình Thi, Chu Phác, Vũ Cao, Hồ Phương, Hải Hồ, Vũ Sắc, Cao Tiến Lê, Lê Đình Trung và Du An.

Truyện dài 'Mùa ban thay áo' là góc nhìn của người trẻ về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Ảnh: Kim Đồng.

Truyện dài 'Mùa ban thay áo' là góc nhìn của người trẻ về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Ảnh: Kim Đồng.

Góc nhìn của người trẻ

Trong bộ 17 tác phẩm kể chuyện về Điện Biên có tập truyện dài được viết bởi tác giả trẻ Phan Đức Lộc. Đó là cuốn “Mùa ban thay áo” lần giở về ký ức thanh xuân của một nữ dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ:

“Bà ơi, hoa ban nở rồi!

Tiếng đứa cháu gái tíu tít vọng vào. Tôi run run với tay mở nhẹ cánh cửa sổ. Ngoài sân, cây ban già đang bung xòe những chùm hoa trắng muốt như muốn được viết lại những kỉ niệm vời xa. Tôi gọi nó là cây ban lỗi mùa. Bởi lẽ, ban là loài hoa của tháng Ba dịu êm. Nhưng chẳng hiểu tại sao, cứ mỗi độ cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, khi mùa hoa ban đã rã cánh từ lâu, như thể lỡ hẹn với thiên nhiên, ban này mới bắt đầu bung nở…”.

Đó là dòng ký ức thấm đẫm hoài bão, ước mơ và cả tinh thần sẵn sàng hiến dâng cả tuổi trẻ cho quê hương, đất nước. Góc nhìn ấy rất đỗi dịu dàng, nhẹ nhàng, thắm sắc hoa ban nhưng ẩn sâu trong đó là những luận giải sắc sảo của người trẻ về chiến tranh: “Chiến tranh mang hình dáng lưỡi hái tử thần, là nỗi khiếp sợ kinh hồn của nhiều người. Tôi từng nghe phong thanh đâu đó có chàng trai chặt chân mình tàn phế để trốn nghĩa vụ. Có người lật đật bỏ xứ biệt tích, biệt tăm. Nhưng tôi muốn đối mặt với nó, lao xuyên qua nó.

(…) Đúng cái hôm sinh nhật tròn mười lăm tuổi, tôi đã thức cả đêm ròng bên ngọn đèn dầu leo lét, nắn nót viết lá đơn tình nguyện!”

“Mùa ban thay áo” là đứa con tinh thần được Phan Đức Lộc thai nghén sau 6 năm sinh sống và làm việc tại Điện Biên. Với tác giả, đó là sự thúc giục của “hạt ban nhỏ đang thao thức cựa mình”.

Dịp này, NXB Kim Đồng còn tái bản các ấn phẩm: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” - Trung tướng Phạm Hồng Cư kể lại; “Người lính Điện Biên kể chuyện” - hồi ức của nhà giáo Đỗ Ca Sơn; “Chuyện ở Đồi A1” của tác giả Nguyễn Tân; “Phía núi bên kia” - tiểu thuyết thiếu nhi của nhà văn Xuân Sách; “Người người lớp lớp” – cuốn tiểu thuyết đầu tiên về Chiến dịch Điện Biên Phủ của nhà văn Trần Dần; “Lá cờ chuẩn đỏ thắm” – tập truyện của nhà văn Hồ Phương; “Người thợ chữa đồng hồ tại đường hầm số 1” – tập truyện ngắn của nhà văn Hữu Mai; “Điện Biên Chiến thắng, Điện Biên” - thơ tuyển chọn; “Điện Biên Phủ của chúng em” - tập truyện ký tuyển chọn.

Ngoài ra, cuốn sách “70 câu hỏi - đáp về chiến thắng Điện Biên Phủ” được Nxb Kim Đồng ấn hành dịp này là cẩm nang bổ ích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ