Chuyên nghiệp hóa quản trị tài sản trí tuệ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cơ hội mở ra để các trường đại học tăng cường đầu tư cho tổ chức chuyên trách về Sở hữu trí tuệ trong nhà trường...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 1/1/2023, cùng nhiều quyết định của Bộ GD&ĐT liên quan đến quản lý SHTT thời gian qua đã góp phần đưa hoạt động này trong các trường đại học ngày càng đi vào nền nếp.

Đến nay có thêm nhiều trường đại học triển khai xây dựng quy chế, thành lập bộ phận chuyên trách về SHTT, có chính sách bắt buộc tác giả thực hiện đăng ký SHTT với các đề tài; hỗ trợ về kinh phí đăng ký; ưu tiên đầu tư cho đề tài có đăng ký bảo hộ SHTT… Nhờ đó, nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu đã nâng cao nhận thức trong lĩnh vực này; không ít sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ, chuyển giao, mang lại lợi ích cho tác giả, nhà trường và xã hội.

Tuy vậy, còn nhiều giảng viên chưa thực sự làm tốt việc đăng ký và bảo hộ quyền SHTT. Theo đại diện Hội Sáng chế Việt Nam, từ năm 1981 đến 2023 có hơn 2.600 bằng sáng chế cùng khoảng 2.800 bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Trong đó, tỷ lệ các bằng sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích đến từ cơ sở giáo dục chỉ chiếm 4%. Mặc dù, số bài báo nghiên cứu quốc tế của các trường đại học tăng mạnh những năm gần đây nhưng đa số tác giả chưa quan tâm đăng ký SHTT các giải pháp, quy trình, sáng kiến liên quan.

Có nhiều nguyên nhân khiến giảng viên chưa mặn mà với SHTT như: Nhà trường chưa bắt buộc đăng ký SHTT ở mỗi đề tài khoa học; Việc mô tả bản chất kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích khá phức tạp; Quy trình để sản phẩm được công nhận quyền SHTT mất nhiều thời gian; Một số đề tài đăng ký SHTT rồi nhưng vẫn bị sao chép, xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe khiến tác giả nản lòng; Chi phí đăng ký cao…

Đáng chú ý, nhiều trường chưa có quy chế quản trị tài sản trí tuệ, chưa thành lập tổ chức có chức năng về SHTT và chuyển giao công nghệ để hỗ trợ, tư vấn cho giảng viên trong việc đăng ký, xác lập quyền SHTT và chuyển giao công nghệ.

Thông tin từ một đề tài nghiên cứu do PGS.TS Lâm Quang Vinh (Đại học Quốc gia TPHCM) làm chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2023 cho thấy tại Việt Nam nói chung và các trường đại học nói riêng, hoạt động SHTT tuy đã triển khai nhưng còn khá sơ khai. Riêng tại TPHCM thống kê trên 60 trường đại học (bao gồm học viện, phân hiệu, cơ sở 2), mới chỉ có khoảng 17 trường ban hành quy chế quản trị tài sản trí tuệ.

Ở một số trường có thành lập tổ chức chuyên trách SHTT thì đa phần kiêm nhiệm. Rất hiếm đơn vị như Đại học Quốc gia TPHCM thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm SHTT và Chuyển giao công nghệ với toàn bộ nhân sự cơ hữu được chuyên trách toàn thời gian cho hoạt động này.

SHTT ngày càng đóng vai trò quan trọng, không chỉ góp phần khẳng định chất lượng, thương hiệu trường đại học, mà còn mang lại giá trị lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Để tạo ra giá trị mới dựa trên tài sản trí tuệ giảng viên, nhà trường cần tăng cường bắt tay với các doanh nghiệp, đặt ra yêu cầu thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Làm được việc này các đơn vị buộc phải có tổ chức, nhân lực chuyên môn về SHTT và chuyển giao công nghệ để giúp giảng viên giải quyết vấn đề phát sinh.

Hiện, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ do Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) quản lý có các dự án nâng cao năng lực SHTT cho trường đại học, tổ chức lớp đào tạo chuyên sâu, tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp về SHTT.

Đồng thời, Cục SHTT đang cùng WIPO (Tổ chức SHTT thế giới) triển khai Dự án khởi tạo môi trường SHTT nhằm tạo ra hệ sinh thái SHTT, xây dựng mạng lưới các tổ chức SHTT của viện nghiên cứu, trường đại học, giúp hoạt động này phát triển mạnh mẽ. Đây là cơ hội để các trường đại học tăng cường đầu tư cho tổ chức chuyên trách về SHTT trong nhà trường, tiến tới chuyên nghiệp hóa mô hình quản trị tài sản trí tuệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ