Vừa tiếp chuyện chúng tôi, Cường vừa liên tục nghe điện thoại các mối báo hàng |
(GD&TĐ) - Nghề phá dỡ cơ khí máy móc thì không lạ. Chỉ tính riêng mấy tỉnh quanh Hà Nội thậm chí đã hình thành hẳn những làng nghề phế liệu có tên tuổi như ở Hà Tây (cũ), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… Nhưng chuyên về phá dỡ ô tô cũ lấy phế liệu chỉ có lẽ chỉ mình thôn Thuyền của xã Tân Dĩnh (thành phố Bắc Giang). Nghề “đồng nát” đúng nghĩa, nhưng mang lại cơ nghiệp đáng mơ ước cho khối người dân nơi đây
Giàu như đồng nát
Ở làng “đồng nát” (chẳng phải chúng tôi tự tiện gọi thế, mà do người dân tự gọi thế, khi hỏi thăm đường về làng Thuyền), không ai không biết đến ông Nguyễn Khắc Nhuận. Chẳng phải chỉ vì ông là trưởng thôn, mà bởi điều quan trọng hơn: Ông chính là người tiên phong mang cái nghề phá rỡ xe cũ lấy phế liệu về làng.
Nhà ông Nhuận giờ là một trong những cơ ngơi bề thế nhất thôn. Thế nhưng, từ lâu ông đã thôi nghề, phần vì không còn phải lo lắng về kinh tế, phần vì tuổi cũng đã cao. Nhưng tìm gặp ông lại không dễ. Uy tín của người khai phá nghề, mở đường làm giàu cho người dân đã khiến người dân tin tưởng bầu ông làm trưởng thôn.
Công việc chẳng nhiều, nhưng với sự nhiệt tình, ông luôn bận rộn kiểm tra tình hình an ninh trật tự trong thôn vốn khá phức tạp với hàng chục xưởng phá dỡ máy móc và hơn hai trăm công nhân luôn hoạt động hết công suất; rồi chuyện giữ vệ sinh môi trường làng nghề….
Chưa kể, chẳng biết từ bao giờ, ông đã thành cố vấn không chuyên của các hộ kinh doanh nơi đây. Có gì khó khăn là người ta tìm đến ông nhờ giúp, chắc chắn sẽ được giúp một cách nhiệt tình và… miễn phí.
Những câu chuyện gian khó ngày đầu vật lộn với nghề, ông kể như chuyện của ai chứ chẳng liên quan đến mình. Ông bảo, đói thì đầu gối phải bò, cứ lăn lộn mãi với nhôm đồng sắt vụn, rồi thấy hàng sửa xe người ta vứt cái xe nát bên đường, vào hỏi mua, về giã ra bán chẳng ngờ lại có lãi.
Thế là lại lên đường tìm những chiếc xe bỏ đi khác. Dần tạo dựng được hệ thống mối lái và đầu ra. Một người làm được, người khác cũng học theo, cứ thế thành làng nghề
“Bây giờ già cả rồi, không còn lặn lội đi được nữa nên mình nghỉ. Hơn nữa, để cánh trẻ có cửa sống nữa chứ, mối lái mình nắm hết chúng nó làm ăn vào đâu. Được cái thôn Thuyền giờ nổi tiếng rồi, ngồi một chỗ cũng có khách tìm đến, chỉ có nguồn hàng là vẫn phải đi săn thôi. Nhưng mà cũng đầy, nước mình, đâu chả có xe nát hay xe sắp nát”, ông Nhuận cười sảng khoái.
“Thượng vàng, hạ cám” đều ra tiền
Không có món đồ gì là bỏ đi ở làng "mổ" xe này |
Khác hẳn với hình dung ban đầu của chúng tôi trước khi đến làng “đồng nát” này: Có những cái xe mang về là phế liệu thật, nhưng có những cái vẫn có thể chạy, chỉ là quá cũ mà thôi, chủ cũ không muốn dùng nữa, sợ sửa chữa thì tiền cá quá tiền cơm, thế là thanh lý. Các hộ phá dỡ xe ở thôn Thuyền cũng có chân rết khắp nơi để nhặt nhạnh thông tin, đâu có xe cũ nát bán là có mặt ngay.
Dẫn chúng tôi đi thăm các hộ làm nghề trong thôn, ông Nhuận chỉ một chiếc xe phủ bạt để góc đường vào thôn: Cái này mới đưa về hôm nọ, tự lái về chứ không phải kéo về đâu. Đâu như họ mua 50 triệu, sửa chữa lại cũng bán sang tay 60 triệu, lãi dăm triệu là ít.
Nhưng nếu rã đồ ra bán thì còn lãi hơn nữa, vài ba chục là ít. Hỏi những ai cần đồ quá đát ấy? Ông Nhuận lại cười khà khà: Cánh thợ cần phụ tùng thay thế cho những chiếc xe cũ như thế, rồi cánh nhảy đồ thay phụ tùng, đa dạng lắm.
Nhưng với những cái xe còn chạy được như thế này không phải cứ mua về là dỡ ra ngay đâu. Không có khách đặt thì để đấy chờ, lâu quá thì sửa sơ rồi mang bán sang tay để khỏi đọng vốn; chứ nếu dỡ ra mà không có đầu ra, bán theo kiểu phế liệu như những cái xe nát thì có mà méo mặt.
Đón chúng tôi vào thăm xưởng gia đình, anh Cường nói như hét để ít tiếng búa, tiếng khoan phá inh tai của nhóm thợ đang miệt mài lấy búa tạ, kìm, kéorã một chiếc xe tải cũ rích: Chắc các anh cũng biết làng có nghề này là nhờ bác Nhuận đây.
Nhưng thực tế anh em cũng làm ăn khá hơn mới mấy năm nay, khi mà Nhà nước quy định chặt hơn về thời gian lưu hành xe, xe nát là phải bỏ, nhất là xe công nông thì cấm hẳn.
Nguồn hàng đấy. Hồi đầu mới cấm công nông, anh em chúng tôi làm không có thời gian nghỉ, có ngày lôi về cả chục chiếc để dỡ phế liệu. Chẳng có cái gì là bỏ đi cả. Kim loại rỉ nát thì bán sắt vụn, còn nguyên tấm thì bán cho đội gò hàn, sửa chữa đóng thùng xe. Máy móc, khung gầm, nhíp… cho đến cái ốc vít cũng tái sử dụng được.
ho nên rã ra như thế này chúng tôi cũng phải phân loại luôn phụ tùng để khách đến chọn cho tiện. Ngay cái lốp, đừng tưởng vứt đi. Anh đi thuyền trên sông trên biển, thấy người ta hay treo hai bên mạn những lốp xe chống va đập đấy, mua ở những chỗ như thế này chứ ở đâu.
Khi chúng tôi đang trò chuyện, một chiếc xe tải nhẹ 500kg ghé vào, vần mấy chiếc thùng phi lên rồi vào ghi giấy với người nhà anh Cường. Anh khoát tay: Cánh gom dầu nhớt thải đấy. Về tái chế lại thành dầu bôi trơn hay gì gì đấy chả biết, miễn bán ra tiền là được rồi. Không có gì là bỏ đi cả đâu.
Câu chuyện liên tục bị cắt ngang bởi những cú điện thoại của Cường. Thông tin báo về có hai chiếc xe Honda Civic đời 1990 ở một cửa hàng sửa xe cũ bên Gia Lâm (Hà Nội).
Hơn 10 phút trao đi đổi lại, ông chủ trẻ này gọn lỏn: “Xong, chú đặt cọc đi 30 phút nữa anh đưa xe kéo lên và trả nốt. Vì anh lấy búa đập xem có thứ gì dùng được không”.
Cáo lỗi với chúng tôi vì việc gấp, Cường không quên dặn với, nửa thật nửa đùa: Có mối nào các bác cứ mách em. Kể cả xe tăng tàu chiến, máy bay hỏng mà bán, em cũng chơi tuốt”.
Việt Dũng