Người dân thôn Ninh Ích xây giếng xong, lo sợ bỏ hoang vì nhận được kết luận nước ngầm nhiễm vi sinh hàng chục nghìn lần của Sở TNMT. Ảnh: Nhiệt Băng
Sự việc xảy ra từ ngày 1.3 đến nay và chính quyền đã nhiều lần vận động, giải thích, thuyết phục nhưng người dân cương quyết không "thả" xe.
"Di dời nhà máy chúng tôi mới thả xe"
Chiếc xe bị "tạm giam" án ngữ kề QL 1A, trước nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Ních Ích trong tình trạng kê đá chặn bánh, bó buộc tứ phía không khác gì người bị thương hay xác ướp. Trên thùng xe còn nguyên rác thải kèm dòng chữ "xe chở rác độc hại". Bên cạnh chiếc xe là tấm băng rôn bằng bạt ghi dòng chữ bi thiết: "Xin cứu người dân thôn Ninh Ích. Yêu cầu di dời nhà máy. Xe chở rác nguy hại cấm vào. Xin hãy trả lại môi trường xanh - sạch - đẹp cho thôn Ninh Ích".
Cả ngày lẫn đêm, người dân thay nhau túc trực "canh giữ" chiếc xe. Bà Nguyễn Thị Lan (trú đội 9, thôn Ninh Ích) nói đây không phải là lần đầu tiên người dân "bắt" xe mà từ năm 2015, họ đã "bắt" 3 xe chở rác thải độc hại từ Bình Dương vào nhà máy rồi. Lý do là từ khi nhà máy xử lý rác thải công nghiệp nguy hại của Cty CP Môi trường Khánh Hòa đi vào hoạt động thử nghiệm, họ phải sống chung với khói khét và hôi thối.
"Chính quyền không giải quyết được, buộc dân chúng tôi phải "tự giải quyết", bao vây "bắt tạm giam" chiếc xe. Cty phải dừng hoạt động nhà máy chúng tôi mới "thả" xe. Chúng tôi giữ rác trên chiếc xe chứ không giữ xe. Cty Môi trường Khánh Hòa đổ rác xuống chúng tôi mới cho xe đi" - bà Lan nóng mặt.
Ông Nguyễn Quốc Chí - Chủ tịch UBND xã Ninh An cho biết, Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp và nguy hại của Cty CP Môi trường Khánh Hòa chưa hoạt động chính thức mà chỉ mới thử nghiệm. Tuy nhiên, người dân lo sợ về lâu dài sẽ gây ô nhiễm nên họ cương quyết yêu cầu di dời nhà máy, chặn xe không cho đi. "Đến nay, từ tỉnh đến xã đã 7 lần đối thoại rồi mà... không ăn thua, không thống nhất được gì" - ông Chí nói.
Theo ông Chí, tại thôn Ninh Ích hiện có 5 nguồn thải lớn gồm Nghĩa địa Ninh An (khoảng 20ha); bãi rác Hòn Rọ (khoảng 3,1ha), Nhà máy trộn bê tông của Công ty TNHH Việt Đức, chi nhánh công TNHH Sao Mai Anh tại Ninh Hòa, Cty CP Môi trường Khánh Hòa, bên cạnh đó còn có nhiều cơ sở khác đang hoạt động tại khu vực (xưởng chế biến hạt điều, kho dữ trữ lương thực…) nên vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây đã có "tiền sử".
Người dân thôn Ninh Ích bất bình vì sao thứ gì dơ bẩn, ô nhiễm lại đặt cả ở thôn này mà không "chia sẻ" đi chỗ khác bớt. "Chúng tôi như tấm bia đỡ "đạn" ô nhiễm hay sao. Đời con đời cháu chúng tôi sẽ ra sao. Rất nhiều người trong thôn này đang mắc đủ thứ bệnh, nào ung thư dạ dày, đường ruột đến viêm xoang... Chúng tôi khẩn thiết tỉnh Khánh Hòa phải có giải pháp khắc phục chứ không thể để tình trạng ô nhiễm mãi "tra tấn" chúng tôi như thế được" - bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Ninh Ích) bức xúc nói.
"Ngã ngửa"... với kết luận nước ngầm nhiễm vi sinh hàng chục nghìn lần
Trên cơ sở phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường của người dân thôn Ních Ích, ngày 4.12.2015, Sở TNMT tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành điều tra, thu thập và phân tích số liệu các thành phần môi trường có liên quan đến chất lượng nguồn nước mặt, nước ngầm và không khí tại thôn này.
Kết quả khiến nhiều người dân té ngửa, hoang mang: Phần lớn các mẫu nước ngầm trong khu vực đều bị ô nhiễm vi sinh (E.coli,Colifom) rất nặng, giá trị đo được vượt quá với mức cho phép hàng chục nghìn lần. Cả thôn chỉ có mẫu nước giếng tại nhà ông Ngô Bảy (phía Đông QL1A) và giếng khoan của Cty CP Môi trường Khánh Hòa là không bị ô nhiễm vi sinh.
Độ cứng của nước ngầm trong khu vực hầu hết nằm trong giới hạn cho phép, riêng mẫu nước thu từ giếng khoan ông Nguyễn Hữu Đỏ (gần nghĩa địa Ninh An) cao đột biến, vượt giới hạn cho phép 7,6 lần.
Ngoài ra, thông số Clorua có 4 mẫu đạt chuẩn, 4 mẫu vượt giới hạn quy định từ 1,05 lần đến 7 lần. Các thông số về hữu cơ như COD, Sunfat, tổng chất rắn hòa tan (TS) tại 7 vị trí điều đạt quy chuẩn, riêng mẫu nước tại giếng khoan tại nhà ông Nguyễn Hữu Đỏ vượt quy chuẩn (trong đó COD vượt 1,95 lần, Sunfat vượt 1,76 lần, TS vượt 2,6 lần. Đặc biệt, hàm lượng sắt (Fe) vượt quy chuẩn tại hầu hết các vị trí, nhất là nước mưa chảy tràn từ bãi nguyên liệu của Cty Sao Mai Anh vượt quy chuẩn đến 81,7 lần.
Theo Sở TNMT, sự tích tụ lâu dài các chất hữu cơ do hoạt động trồng trọt, chăn nuôi trong khu vực, nước rỉ từ bãi rác Hòn Rọ, bãi nguyên liệu Cty Sao Mai Anh và các huyệt mộ trong nghĩa địa… từ các năm trước là nguyên nhân chính gây ra sự ô nhiễm của nguồn nước ngầm nông trong khu vực.
Sau khi thông tin trên được công bố, người dân lo sợ, không ai dám dùng nguồn nước ngầm mà chuyển qua dùng nước máy. Tuy nhiên, nhiều người dân bức xúc cho rằng giá nước máy 8.000 đồng/m3 là quá cao, trong khi họ quanh năm chỉ biết bám víu đôi ba sào ruộng để sống. Trả lời vấn đề này, các ngành chức năng của tỉnh Khánh Hòa cho rằng giá nước như vậy là áp dụng mức giá nước sinh hoạt chung trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở TNMT cho rằng, ảnh hưởng khí thải lò đốt của nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại (quy mô 100 tấn/năm) đến người dân gần khu vực dự án là không đáng kể. Lý do, khu dân cư gần nhất cách dự án khoảng 800m về hướng Đông, không nằm cùng hướng phát tán khi thải.
Tuy nhiên, người dân thôn Ninh Ích không đồng tình. Họ phản ánh, nhà máy này cách đường chim bay chỉ vài trăm mét. "Vấn đề này những ngày tới đoàn kiểm tra liên ngành của Sở TNMT, thị xã Ninh Hòa và xã Ninh An sẽ tiến hành đo đạc lại mới biết rõ được chứ chưa thể kết luận" - ông Nguyễn Quốc Chí - Chủ tịch UBND xã Ninh An cho hay.
Clip chiếc xe tải chở rác thải nguy hại bị người dân thôn Ninh Ích, xã Ninh An "bắt tạm giam" hơn 1 tháng trời:
Người dân thôn Ninh Ích xây giếng xong, lo sợ bỏ hoang vì nhận được kết luận nước ngầm nhiễm vi sinh hàng chục nghìn lần của Sở TNMT. Ảnh: Nhiệt Băng |
Chiếc xe tải chở rác thải độc hại bị người dân "bắt tạm giam" đặt trước nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Ninh Ích, đặt bên QL1A. Ảnh: Nhiệt Băng |
Khu nghĩa địa Ninh An với diện tích hàng chục ha đặt phía trên thôn Ninh Ích. Ảnh: Nhiệt Băng |
Bãi rác Hòn Rọ và Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại đặt kề nhau. Ảnh: Nhiệt Băng |