Chuyện kinh hoàng tại trung tâm tài chính Mỹ

Chuyện kinh hoàng  tại trung tâm tài chính Mỹ

Vì vậy không ai có thể tưởng tượng được, nơi đây lại có nhiều người chết nhất thế giới vì đại dịch Covid-19!

Gia đình Ananda Mooliya

New York City đã đối phó cách nào với số người chết quá nhiều trong hơn một tháng, không chỉ chết trong bệnh viện, mà còn chết tại nhà riêng với các triệu chứng “nghi do SARS-CoV-2” nhưng không bao giờ được khẳng định bằng xét nghiệm! Hãy nghe câu chuyện của một gia đình ngay bên trong ngôi nhà của họ. 

Trong những giây phút cuối cùng của cuộc sống, ông Ananda Mooliya, 56 tuổi, nhân viên trạm xe điện ngầm, vẫn khẳng định với vợ và hai con trai là mình khỏe. Người vợ Rajni Attavar, 50 tuổi dọn súp cho chồng. Mooliya chiến đấu đơn độc để giành lại sự sống trên chiếc giường quen thuộc. Ông không chịu xét nghiệm Coronavirus vì thấy nó không cần thiết.

Với sự giúp đỡ của con trai cả Amith, 21 tuổi, người vợ dìu chồng ngồi trên chiếc ghế nhà bếp trong căn hộ của họ ở khu phố Queens nổi tiếng với nhiều người nhập cư. Mồ hôi đổ trên mặt Mooliya và ông phải há hốc miệng để thở. “Tôi lau mặt cho ông ấy rồi tôi gọi tên nhưng không có phản ứng” – bà Attavar kể lại qua nước mắt. 

Bà xịt nước mát trên mặt chồng, Amith kiểm tra mạch đập yếu ớt của người cha trong khi người con út Akshay Mooliya, 16 tuổi gọi số 911. Xe cấp cứu đến trong 10 phút. Các nhân viên cấp cứu dùng máy hô hấp trợ thở nhưng không thành công. Bất lực, họ trùm tấm vải trắng lên xác bệnh nhân và đặt lên sàn nhà bếp. Đó là ngày 8/4, giấy chứng tử ghi rõ. Nguyên nhân chết: “Recent Influenza-Like Illness (Possible COVID-19)” (bệnh giống như cúm mới, có thể là Covid-19).

Chuyện kinh hoàng  tại trung tâm tài chính Mỹ ảnh 1
Ananda Mooliya 56 tuổi, con trai Akshay Mooliya, 16 tuổi; vợ Rajni Atavar, 50 tuổi và con cả Amith Mooliya, 21 tuổi.

Nhiều giờ trôi qua trước khi xác Mooliya được đưa lên xe và đến nhà tang lễ. Gia đình cho biết phải chờ ba tuần mới đến lượt hoả táng. “Tôi là người cuối cùng thấy mặt cha trước khi ông chết. Nhưng tôi không thể nói lời tạm biệt vì ông đã hôn mê. 

Theo truyền thống Hindu của gia đình, xác không được giữ quá 2 ngày sau khi chết, nhưng đến ngày 27/4 cha tôi, một tín đồ ngoan đạo mới được hỏa táng” - Amith, đang học năm thứ ba khoa Hoá tại Đại học Brooklyn College nói. Gia đình không thể dự hỏa táng vì các quy định giãn cách xã hội, cấm tiếp xúc gần và ngăn lây nhiễm chéo. “Tôi thắp một ngọn nến và lồng ảnh cha tôi trong chiếc khung để trên bàn ở nhà” – anh nói – “Chúng tôi cầu nguyện linh hồn ông sớm siêu thoát. Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm cho ông”. 

Bà Attavar buồn bã nói: “Không ngày nào tôi không nhớ đến việc không được nhìn thấy mặt chồng. Tôi không thể ngủ. Ông ấy là một người mạnh mẽ biết chăm sóc gia đình và chưa bao giờ tỏ ra yếu đuối”. Nhưng gia đình biết rằng, sợ lây nhiễm cộng đồng cũng khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh như người thân họ, không có người thân bên cạnh lúc mai táng. “An ủi duy nhất của chúng tôi là ông ấy luôn ở bên cạnh gia đình. Chồng tôi chết tại nhà. Tôi tin là ông mãn nguyện vì không phải ai cũng được chết trong ngôi nhà của mình” – bà nói. May mắn nữa là không có ai trong gia đình Mooliya bị nhiễm SARS-CoV-2. Điều này chứng tỏ chồng bà có thể chỉ là nạn nhân gián tiếp của Covid-19 chứ không nhiễm virus. Nếu nhiễm ông đã lây cho cả gia đình vì không ai được bảo vệ trong thời gian ông bị bệnh.

“Cha tôi không chịu xét nghiệm theo lời khuyên của bác sĩ” – người con cả nói – “Ông chỉ uống thuốc cúm Tylenol giảm sốt và hạ nhiệt bằng nước đá. Cha tôi cả đời làm việc vất vả để nuôi con. Ông chưa bao giờ đi nghỉ dưỡng. Cha tôi là người rất thông minh và biết cách chiến thắng tất cả những trở ngại trên đời. Nhưng ông đã gặp một kết thúc quá buồn”.

Chuyện kinh dị tại các nhà tang lễ

Chuyện kinh hoàng  tại trung tâm tài chính Mỹ ảnh 2

Những hồ sơ lưu giữ thông tin về các nạn nhân Covid-19 và nhân viên Gina Hansen của nhà tang lễ Daniel J. Schaefer ở Brooklyn.

Thời gian chờ đợi thiêu xác quá lâu hiện là chuyện bình thường tại New York khi tổng số tử vong vì SARS-CoV-2 có lúc lên đến 4.000 người mỗi ngày, kỷ lục thế giới. Số người chết vì virus vượt quá khả năng của các bệnh viện, nhà tang lễ, lò hỏa thiêu và nghĩa trang. Những túi xác dễ nhìn thấy ở nhiều nơi tại tâm dịch của thế giới này. Nhiều phòng lạnh nông trại, xe đông lạnh được huy động giữ xác. 

Ngày 28/4, người ta phát hiện 4 xe tải chứa 60 xác chết đang bị phân huỷ đỗ tại một khu phố đông đúc ở bên ngoài một nhà tang lễ ở Brooklyn để chờ hỏa thiêu. Một khách bộ hành thấy dịch vàng chảy lênh láng xuống đường. Lý do, xe không có bộ phận làm lạnh mà xác chết được ướp bằng… nước đá! 

Vào ngày Mooliya chết, có 799 ca tử vong được xem là “có liên quan đến Covid-19” tại bang New York. Dù thành phố đã nâng gấp đôi khả năng ướp lạnh tử thi, nhưng các lò thiêu vẫn không thể làm việc kịp. Kết quả là nhiều xác bị từ chối. Ngày 1/5, một lò thiêu tại khu Brooklyn cho biết đã kín lịch đến giữa tháng 5. Gia đình nào không chờ đợi được phải chuyển sang chôn người xấu số. Hai nhà tang lễ khác cũng rơi vào tình trạng quá tải.

“Trong suốt 43 năm, tôi chưa bao giờ chứng kiến quá nhiều người chết như thế” - Joe Sherman, người chủ thế hệ thứ 4 nhà nguyện Flatbush Memorial Chapel của gia đình Sherman ở Brooklyn nói.

Ông Dan Wright, người điều hành tổ chức nghề nghiệp Teamsters Local 813 gồm chủ và nhân viên các cơ sở tang lễ trong một khu vực nhận định: “Số người chết quá nhiều quá nhanh hoàn toàn nằm ngoài khả năng của chúng tôi. Điều đau lòng hơn là thân nhân không thể tập trung và nói lời tạm biệt với người thân trước khi hỏa táng hay chôn cất.

Richard Moylan, chủ nghĩa trang Green-Wood Cemetery hoạt động từ 1972 ở Brooklyn cho biết, nghĩa trang đã bị đóng cửa do hết chỗ. “Số chôn cất và số hỏa thiêu đều cao khủng khiếp. Mỗi tuần Green-Wood phải thiêu 130 ca so với tối đa là 70 trước kia. Số chôn tăng gấp đôi. Một trong 5 lò hỏa thiêu bị hỏng do phải hoạt động 18 giờ mỗi ngày ở nhiệt độ 1.800 độ F”.

Theo The New York Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ