Đà Nẵng:

Chuyện 'khó' ở những ngôi trường nhiều tuổi

GD&TĐ - Tại TP Đà Nẵng, nhiều ngôi trường có tuổi đời trên 100 năm đang bị xuống cấp nghiêm trọng. 

Hệ thống tường bao phía ngoài các dãy phòng học của Trường Tiểu học Phù Đổng bị bong tróc nhiều đoạn.
Hệ thống tường bao phía ngoài các dãy phòng học của Trường Tiểu học Phù Đổng bị bong tróc nhiều đoạn.

Tình trạng này đang đe dọa đến sự an toàn cho học sinh, giáo viên.

Vừa dạy học vừa hứng nước mưa

Bà Trương Thị Nhã Trúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng, quận Hải Châu xác nhận ngôi trường có tuổi đời 130 năm. Hiện công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống tường xây của ngôi trường đã mục nát trước mưa nắng, thời gian.

“Tất cả các mảng tường ở các phòng học đều không thể khoan tường để bắt vít, treo thêm quạt hay lắp điều hòa được. Chỉ cần đưa máy khoan vào là cả một mảng tường rơi xuống lả tả. Phòng học ở tất cả các dãy nhà đều bị thấm dột. Ở một số đoạn tường tại các phòng học, phần vữa ở ngoài đã bị rớt xuống, nhìn thấy được cả đoạn khung sắt hoen rỉ ở phía bên trong tường”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng chia sẻ.

Trường Tiểu học Phù Đổng (đường Yên Bái) được xây dựng từ thời Pháp. Bằng mắt thường cũng có thể thấy được ngôi trường đã xuống cấp nghiêm trọng qua một thời gian dài sử dụng. Phần tường bao phía ngoài các dãy phòng học có nhiều mảng bong tróc toàn bộ vôi vữa, để lộ cả phần gạch xây bên trong. Nhà trường đã phải gia cố bằng tôn để hạn chế nước mưa thấm vào tường. Hệ thống cửa sổ, cửa thông gió bằng gỗ đã mục nát.

Rất nhiều mảng la phông ở Trường Tiểu học Phù Đổng chỉ chực rớt xuống.

Rất nhiều mảng la phông ở Trường Tiểu học Phù Đổng chỉ chực rớt xuống.

Ghi nhận cũng cho thấy ở Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu) tình trạng xuống cấp cũng ở mức độ nghiêm trọng.

“Nhà trường có một khối nhà 2 tầng không được đổ bê tông mà chỉ lợp tôn. Do thời gian khai thác quá lâu, tôn đã bị mục nhiều chỗ nên chỉ cần trời mưa lớn một chút là bị mưa dột. Tường cũng bị thấm rất nhiều do nước tràn từ la phông xuống rồi chảy xuống cả sàn lớp học”, ông Nguyễn Hỷ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Không riêng gì khối phòng học lợp tôn xuống cấp, khối phòng học được đổ bê tông của Trường Tiểu học Duy Tân cũng bị thấm dột nặng sau gần 20 năm đưa vào sử dụng. “Như mái tôn thủng thì khi trời mưa dột còn hứng được chứ sàn nứt thì nước mưa nó cứ chảy quanh rồi thấm xuống cả sàn lớp học”, lãnh đạo nhà trường nói.

Cửa sổ, cửa chắn gió bằng gỗ của Trường Tiểu học Phù Đổng đã bị mục nát.

Cửa sổ, cửa chắn gió bằng gỗ của Trường Tiểu học Phù Đổng đã bị mục nát.

Cần cải tạo, xây mới khẩn cấp

Ông Nguyễn Hỷ cho biết, sau chuyến khảo sát thực tế tại trường của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Ngô Thị Kim Yến, UBND quận Liên Chiểu đã cấp kinh phí để nhà trường sửa chữa một số hạng mục nhằm duy trì việc dạy, học trong khi chờ triển khai xây dựng mới.

“Khối nhà phòng học lợp tôn đang được triển khai sửa chữa, thay thế tôn mới, làm lại la phông. Để không ảnh hưởng đến việc dạy học, nhà trường chọn phương án thi công vào những ngày cuối tuần, khi học sinh nghỉ học”, ông Hỷ cho biết.

Ngoài Trường Tiểu học Duy Tân, cơ sở vật chất của Trường Mầm non Tuổi Ngọc, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu cũng đã xuống cấp rất nhiều.

Tại cơ sở chính, nhiều phòng học sàn nhà bị bong tróc, phòng học ẩm thấp vì tường bị thấm dột. Đặc biệt, trận mưa lớn vào giữa tháng 10 đã nhấn chìm toàn bộ tài sản tầng 1, thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi, đồ dùng cá nhân của trẻ mới trang bị đầu năm học bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại hơn 800 triệu đồng.

Tại buổi làm việc với đoàn lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, UBND quận Hải Châu đã kiến nghị thành phố dành nguồn lực đầu tư xây dựng mới cho Trường Tiểu học Phù Đổng.

Quận Hải Châu cũng cam kết sẽ xây dựng lại đúng theo truyền thống và phong cách kiến trúc của ngôi trường có hơn 130 tuổi này. Lãnh đạo UBND quận Hải Châu khẳng định, việc đầu tư xây dựng mới cho Trường Tiểu học Phù Đổng là rất cấp thiết, bởi nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng nặng, đe dọa đến sự an toàn cho học sinh.

Trước đó, UBND quận đã khảo sát thực tế hiện trạng của nhà trường và yêu cầu nhà trường sửa chữa nhỏ để đảm bảo an toàn cho học sinh. Ở những phòng học không đảm bảo an toàn, nhà trường không tổ chức dạy, học để tránh nguy hiểm.

Ông Lê Tự Gia Thạnh – Chủ tịch UBND quận Hải Châu đề xuất 2 phương án triển khai. Đó là đầu tư xây mới toàn bộ các khối phòng học, sân vườn, tiểu cảnh với dự toán khoảng 88 tỷ đồng.

Trong trường hợp nếu khó khăn về ngân sách, thành phố có thể đầu tư hai khối nhà học với dự toán khoảng 56 tỷ đồng để bảo đảm việc dạy – học được an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ