Chuyển kể của giáo sư 500kV

Chuyển kể của giáo sư 500kV

Biểu tượng của sức sáng tạo, vượt khó

Kể về công trình đường dây 500kV Bắc - Nam, GS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam không khỏi bồi hồi. Bao nhiêu kỉ niệm, dấu mốc, nhọc nhằn đi kèm vinh quang, sáng tạo, hy sinh và thành quả… mà GS Trần Đình Long đã trải qua trong suốt quá trình từ lúc thi công cho đến khi hoàn thành tuyến đường dây này. Đến nay, công trình vẫn là biểu tượng về niềm tự hào của ngành truyền tải điện.

GS.TSKH Trần Đình Long cho biết, lần đầu tiên ông đưa ra ý tưởng xây dựng đường dây 500kV là vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX. Năm 1978 khi có dịp làm việc với Viện Thiết kế lưới điện Leningrat (Liên Xô) ông đã đưa ra ý tưởng này để thảo luận cùng chuyên gia nước bạn. Thế nhưng điều kiện kinh tế của Việt Nam chưa cho phép làm công trình lớn như vậy. Ý tưởng về một đường dây 500kV thống nhất trong cả nước vẫn luôn được ấp ủ trong ông.

Tình hình thiếu điện trở nên nghiêm trọng ở miền Trung và miền Nam vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, trong khi lượng điện ở miền Bắc lại rất dồi dào từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Lúc này, ý tưởng về xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam lại được đưa ra bàn thảo, tranh luận trong các hội nghị của lãnh đạo Nhà nước, đến các hội nghị khoa học và cả dư luận xã hội.

GS.TSKH Trần Đình Long kể, ông nhiều lần được Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời lên gặp để tính toán khả thi về mặt kỹ thuật và hiệu quả của đường dây 500kV. Sau đó, ông cùng đội ngũ giảng viên Bộ môn Hệ thống điện, Trường Đại học Bách khoa phối hợp với các Công ty Khảo sát Thiết kế Điện 1 và các đơn vị liên quan ngày đêm hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật trình lên Thủ tướng. Từ đó cho đến khi hoàn thành đường dây, là những đêm dài thức trắng miệt mài trên trang giấy với những phép tính cùng những con số, ngày dài liên miên vừa thiết kế vừa thi công, vừa kiểm tra...

Tự sáng tạo để tiết kiệm chi phí

Trong lao động, gian khó thử thách, sức sáng tạo của người Việt Nam lại bộc lộ rõ hơn bao giờ hết, như một phép của “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Quá trình thi công, xây lắp đòi hỏi phải mua sắm nhiều xe máy thiết bị chuyên dùng. Chỉ mua một bộ thiết bị kéo dây của Nhật Bản đã lên đến khoảng 10 triệu USD, nếu mua sắm đủ để phục vụ cho các cung đường thì khoản tiền đầu tư sẽ đội lên rất lớn. 

4 công ty xây lắp được giao nghiên cứu tự chế tạo ra hàng loạt thiết bị tương tự với thiết bị nhập của Nhật Bản để phục vụ công tác thi công kéo dây sau này. Tùy chiều dài và mức độ khó khăn của từng cung đoạn để mỗi công ty xây lắp tự sáng chế lấy số lượng thiết bị cho mình. Sáng kiến này đã giúp rút ngắn thời gian thi công, và tiết kiệm cho ngân sách khoản tiền lớn.

Những người chỉ đạo công trình cùng với đội ngũ những người thợ đường dây và xây lắp điện Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ trong hơn 2 năm với khối lượng thi công xây lắp 1.487 km đường dây kích cỡ chưa hề có trước đây ở nước ta, 5 trạm biến áp 500kV với 18 máy biến áp tự ngẫu 1 pha cỡ lớn, các dàn tụ bù dọc, các cuộn kháng bù ngang, rơ-le và thiết bị điều khiển dùng kỹ thuật số, khoảng 1.500km cáp quang với 20 trạm lặp trên toàn tuyến đường dây… tất cả đều là những thiết bị hiện đại lần đầu tiên được lắp đặt và sử dụng ở Việt Nam.

GS.TSKH Trần Đình Long cho biết, công trình đường dây truyền tải điện 500kV là đặc biệt: Thiết kế đến đâu, thi công đến đó. Việc xây dựng và lắp đặt được triển khai đồng thời trên cả 4 cung đoạn với tiến độ thi công rất nhanh, nên tính từ ngày khởi công và sau 2 năm 6 ngày đã bàn giao cho thí nghiệm hiệu chỉnh toàn bộ 4 cung đoạn. Tuy nhiên, vẫn còn những hạng mục chưa lắp đặt xong như hệ thống cáp quang, khiến cho công việc thí nghiệm hiệu chỉnh thêm khó khăn.

Sau 3 năm đã thu hồi vốn

Đúng 22 giờ 5 phút ngày 20/5/1994, đóng điện xung kích lần đầu tiên vào máy biến áp 500kV ở trạm biến áp 500kV Hòa Bình thành công tốt đẹp - lần đầu tiên ở Việt Nam có điện 500kV. Đến 18 giờ 15 phút ngày 21/5/1994, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đã đóng điện 500kV đưa dòng điện từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tới Hà Tĩnh để tiến hành thí nghiệm các phần tử đường dây và trạm.

Sau khi thí nghiệm thành công ở trạm biến áp 500kV Hòa Bình và đoạn đường dây 500kV Hòa Bình - Hà Tĩnh, các kỹ sư thí nghiệm hiệu chỉnh tiếp tục tiến sâu vào Đà Nẵng, Pleiku với những mốc lịch.

Sau khi đóng điện thành công vào 17 giờ ngày 26/5/1994 vào trạm biến áp Phú Lâm, các kỹ sư tiếp tục kiểm tra đoạn đường dây Phú Lâm - Pleiku từ hệ thống phía Nam, kiểm tra đồng vị pha và thứ tự pha để chuẩn bị điều kiện hòa điện giữa hai hệ thống. Đúng 19 giờ 16 phút ngày 27/5/1994 theo lệnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hệ thống truyền tải điện 500kV đã được hòa thành công tại trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, nối liền hai hệ thống điện Bắc - Nam, đánh dấu một kỷ nguyên mới - thống nhất hệ thống điện toàn quốc.

GS.TSKH Trần Đình Long cho biết, thực tế đã chứng minh công trình này có hiệu quả đầu tư nhanh nhất. Với tính toán trung bình mỗi năm cung cấp cho hệ thống điện miền Trung và miền Nam khoảng 2 tỷ kWh, thay vì phải chạy điện cung cấp tại thời điểm đó bằng dầu diezel thì chỉ sau 3 năm công trình đã thu hồi được hơn 6 nghìn tỷ đồng tiền vốn đầu tư (tương đương khoảng 500 triệu USD). Nhưng cái được quan trọng hơn cả, đó là, giải quyết được tình trạng thừa điện ở miền Bắc, bảo đảm đủ điện cho miền Trung và cung cấp tới hơn 50% nhu cầu điện cho miền Nam phát triển kinh tế và đời sống, đưa kinh tế của các tỉnh miền Nam và TP Hồ Chí Minh phát triển vượt bậc. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ