Chuyện ít biết về 'thần đồng' Phù Khê

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Là huyền tôn của anh hùng Nguyễn Trãi, Nguyễn Quỳnh Cư nổi tiếng thông minh và là một trong sáu thần đồng của đất học Kinh Bắc xưa.

Văn miếu Bắc Ninh.
Văn miếu Bắc Ninh.

Nguyễn Quỳnh Cư (1514 - 1568) tự là Châu Đàm, người xã Phù Đàm, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (nay là Phù Khê, Từ Sơn - Bắc Ninh). Khoa thi năm Tân Sửu niên hiệu Quảng Hòa thứ 1 (1541) đời Mạc Phúc Hải, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, sau làm quan đến chức Tham chính, tước Văn Khê bá.

Mới 7 tuổi đã thông kinh sử

Theo gia phả, Nguyễn Quỳnh Cư là huyền tôn (thế hệ thứ 4) của anh hùng Nguyễn Trãi.

Theo gia phả, Nguyễn Quỳnh Cư là huyền tôn (thế hệ thứ 4) của anh hùng Nguyễn Trãi.

Theo TS Lê Viết Nga – nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, các tài liệu và giai thoại để lại về thần đồng Nguyễn Quỳnh Cư khá đa dạng, nhưng ít người được biết, được nghe vì nhiều nguyên nhân chìm lấp của lịch sử thời cuộc.

Khoảng 7 tuổi, Nguyễn Quỳnh Cư đã có trí thông mẫn thiên thành. Tư liệu gia phả họ Nguyễn Phù Khê còn ghi rõ: “Thất tuế thuộc thiện văn - thế hiệu thần đồng”, nghĩa là 7 tuổi đã thuộc làu văn sách, người đương thời đã suy tôn là thần đồng.

Truyện kể rằng, một hôm có vị quan về quê hưu trí, ra xem đánh cá ở ao trước làng, thấy cậu bé Cư mặt mũi khôi ngô, dáng điệu thanh tú hơn người, bèn hỏi: Nay tiểu nhi đã học sách gì? Quỳnh Cư từ tốn trả lời: Thưa đại nhân, tiểu nhi đang học sách đại học ạ! Vị quan nói: Vậy ta sẽ ra một vế đối, nếu ứng khẩu đối đáp trôi chảy ta sẽ thưởng con cá to nhất và cả tiền nữa: “Bạch ngư phủ thủy điện” (cá trắng nổi mặt nước). Tiểu sinh xin đối ngay: “Hoàng điểu chỉ kỳ ngung” (chim vàng đậu góc gò).

Nghe xong vị quan giật mình, tấm tắc khen ngợi: Bé mà văn sách và đối hay như vậy, ta sẽ thưởng ngay. Ông liền sai người nhà tìm mua một con cá thật to để thưởng cho Quỳnh Cư. Nhưng cũng từ đó, ông quan này luôn tỏ vẻ ưu tư và thầm nghĩ: “Cậu bé Cư này rồi sẽ đỗ khôi khoa, danh giá nổi tiếng khắp vùng, sẽ lẫn át tiếng tăm con cháu họ ta, nên ta phải có cách triệt hạ”.

Thế rồi một hôm, vị quan đó đã sai gia nhân đến tận nhà gọi Quỳnh Cư đến nhà mình và nói có việc hệ trọng cần truyền dạy. Quỳnh Cư vô tư đâu ngờ thâm ý của vị quan, nên đã đến nhà ông ta ngay. Vừa tới cổng, vị quan đã xởi lởi gọi Quỳnh Cư vào nhà nói rằng để thưởng tiền cho. Quỳnh Cư khiêm tốn chối từ và xin cảm tạ quan.

Vị quan sẵng giọng: Không được từ chối, ta đã ban thưởng thì phải nhận. Từ trước đến nay trong vùng này làm gì có ai dám từ chối lệnh ta, huống hồ đây là lộc của ta ưu ái ban cho. Quỳnh Cư sợ hãi nhưng không thể khước từ lần nữa, nên miễn cưỡng phải vào.

Quan nói: Này bé Cư, tiền ta để ở góc hòm gỗ, ta thưởng cho thì cứ thò tay vào mà lấy, ta đỡ chắc nắp hòm rồi. Vừa thò tay sâu vào góc đáy hòm thì bỗng nghe “sầm” một tiếng. Bàn tay trái đau tê tái vì bị dập năm ngón, nhưng Quỳnh Cư vẫn cắn răng chịu đựng. Viên quan lại còn vờ trách: Ô sao chậm chạp thế, ta tưởng cậu đã rút tay sau khi lấy được tiền rồi? Thôi không sao, đắp thuốc rồi buộc lại sẽ khỏi ngay. Tại cậu chậm chạp như rùa ấy chứ đâu phải tại ta.

Cậu bé Cư bình thản nói: Quan lớn muốn triệt tôi nhưng không được đâu, năm ngón tay trái tôi tuy bị dập nát nhưng còn tay phải nguyên lành nên vẫn viết được. Chào quan lớn tiểu sinh xin vãn hồi!

Một khoa tiến sĩ mọi nhà vui

Nhà thờ dòng họ Nguyễn đất Phù Khê.

Nhà thờ dòng họ Nguyễn đất Phù Khê.

Sau lần đó, Quỳnh Cư càng nung nấu ý chí sôi kinh nấu sử. Lúc đầu cậu học thân phụ. Khi thân phụ qua đời, Quỳnh Cư thụ giáo thầy đồ Đàm Liêm. Thầy Liêm thấy trò Cư là người thông minh hiếm có, học một biết mười nên càng quý mến.

Có lần thầy làm bài thơ thất ngôn tứ tuyệt về trò Cư: “Phù Đàm Nguyễn tộc phát anh tài/ Mạch đức nền văn rực ánh mai/ Cái tiếng thần đồng năm trước ấy/ Vẫn còn thắm mãi chẳng hề phai”.

Quả nhiên, đến khoa thi năm Tân Sửu thứ 9 (1541) đời Mạc Quảng Hòa, nhà Mạc mở khoa thi Hội, lấy các vị Nguyễn Kỳ, Phạm Công Sâm, Nguyễn Thế Lậc đỗ tiến sĩ cập đệ; Ngô Quang cùng bốn người đỗ tiến sĩ xuất thân; Phạm Nguyện cùng 23 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Trong khoa thi này, Nguyễn Quỳnh Cư đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” chép như sau: “Nguyễn Quỳnh Cư, người xã Phù Khê, huyện Đông Ngàn - Viễn tổ của Nguyễn Hồ. Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa 1 (1541), đời Mạc Phúc Hải; đỗ năm 28 tuổi. Làm quan đến chức Tham chính, tước Văn khê bá”.

Các sách và tư liệu đăng khoa, như Kinh Bắc xứ cao khoa hiển hoạn, văn bia Văn miếu Quốc Tử Giám, Văn miếu Bắc Ninh… đều ghi chép rất cụ thể về Nguyễn Quỳnh Cư như sau: Nguyễn Quỳnh Cư người xã Phù Đàm, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn - Viễn tổ của Nguyễn Hồ - Nguyễn Trọng Đột, huyền tôn của Nguyễn Trãi. Từ năm 7 tuổi đã thuộc nhiều văn sách và biết làm câu đối, được gọi là thần đồng. Năm 28 tuổi dự khoa thi Hội đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Sau khi Nguyễn Quỳnh Cư thi đậu đại khoa, lấy danh nghĩa là nhạc phụ, cụ đồ họ Đàm Liêm đã làm đôi câu đối để tặng, nội dung: “Thất tuế thần đồng kim cổ lãm/ Nhất gia tiến sĩ quốc gia hoan” - Tạm dịch: “Bảy tuổi thần đồng xưa nay hiếm/ Một khoa tiến sĩ mọi nhà vui”.

TS Lê Viết Nga cho biết, Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Cư là một trong hơn mười vị đại khoa của Phù Khê - quê hương có truyền thống khoa bảng vẻ vang ở vùng đất Đông Ngàn xưa. Nguyễn Quỳnh Cư - nhà khoa bảng nổi tiếng thông minh, học giỏi - được mệnh danh là thần đồng, sau đỗ đại khoa đã ghi danh vào lịch sử.

Tuy nhiên, cuộc đời làm quan của Nguyễn Quỳnh Cư không có tư liệu chép lại, hoặc chép không rõ ràng nên người nay gần như không biết gì nhiều.

Hậu duệ của Nguyễn Trãi

Bia tiến sĩ Văn miếu Bắc Ninh.

Bia tiến sĩ Văn miếu Bắc Ninh.

Kinh Bắc xưa đứng đầu cả nước về số người đỗ đại khoa với nhiều đặc điểm độc đáo, như: Người đỗ đầu kì thi đầu tiên Lê Văn Thịnh, Trạng nguyên khai khoa Nguyễn Quán Quang, Tiến sĩ trẻ nhất nước (15 tuổi) Nguyễn Nhân Thiếp, Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, một làng đoạt đủ Tam khôi - làng Tam Sơn)…

Về chi tiết Nguyễn Quỳnh Cư là huyền tôn (thế hệ thứ 4) của Nguyễn Trãi từng bị nhiều người nghi ngờ. Tuy nhiên, cả trong gia phả lẫn một số nguồn sử liệu đều khẳng định khá rõ.

Sau vụ án Lệ Chi Viên, dòng họ Nguyễn Trãi ở Chi Ngại, Nhị Khê gần như bị thảm sát hết. Trong các phả hệ ghi lại số ít thoát nạn là: Nguyễn Phi Hùng con Nguyễn Phi Khanh là em thứ ba của Nguyễn Trãi chạy về Phù Khê, Nguyễn Phù con Nguyễn Trãi chạy lên Cao Bằng, bà họ Lê vợ thứ năm của Nguyễn Trãi mang thai chạy về Phương Quất.

Năm 1464 khi vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi, con cháu Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi mới phục hưng trở lại. Theo phả các chi họ, từ cụ Nguyễn Phi Khanh đến các đời sau, đời nào cũng có người đỗ đạt làm quan giúp nước. Thống kê ở năm chi họ là: Dự Quần, Canh Hoạch, Thuỵ Phú, Phù Khê, Xuân Dục, từ nửa thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20 có 11 tiến sĩ nho học, một Quận công…

Trong đó, họ Nguyễn ở Phù Khê có tới 6 người đỗ đại khoa. Trong đó, nổi tiếng có Nguyễn Hồ (1664 - ?) - cháu huyền tôn của Nguyễn Quỳnh Cư, chú của Nguyễn Trọng Đột. Năm 25 tuổi ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn niên hiệu Chính Hòa thứ 9 (1668) đời Lê Hi Tông và làm quan tới chức Tham chính sứ Thanh Hoa.

Nguyễn Hồ có ba người con trai đều thi đỗ và làm quan, trong đó có Nguyễn Hán nổi danh văn hay chữ tốt, làm Quốc Tử Giám giáo thụ. Khi Nguyễn Hồ mất đã được vua ngự bút - danh quán thiên hạ, nên sau đó dân trong vùng có câu: Nguyễn Hồ, Nguyễn Hán/ Danh quán thiên hạ.

Nguyễn Trọng Đột (1695 - 1777) là cháu họ của Tiến sĩ Nguyễn Hồ. Ông đỗ cử nhân từ khi chưa đầy 20 tuổi, năm 54 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) đời Lê Hiển Tông. Sau đó ông làm quan đến chức Hàn lâm viện thị chế, tước Lĩnh Nam Bá.

Ông từng đứng lên tổ chức bảo vệ ba tổng khi địa phương có sự biến. Vì thế khi vinh quy bái tổ, hay về hưu hoặc lúc tạ thế, chức sắc và dân chúng cả ba tổng đều đến đông đủ, đưa đón trọng thể. Bởi vậy, ngày nay ở Phù Khê vẫn còn bài thơ: Có ông tiến sĩ thần tam tổng/ Có cụ thơm quân tước một nhà/ Con cháu công hầu xây sử ký/ Mát tai nam tử đấy ai mà.

Hơn năm thế kỷ hồi sinh phát triển, dòng họ Nguyễn Trãi qua biết bao thăng trầm, có lúc tưởng như đã tuyệt diệt. Tuy nhiên, dòng họ Nguyễn từ những mầm non đơn độc giữa phong ba bão tố, vẫn tồn tại phát triển đến ngày nay. Các thế hệ con cháu nối tiếp nhau kế thừa xứng đáng truyền thống yêu nước, hiếu học, bình dị, cận dân, lo trước vui sau giữ nếp nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ