Có chứng kiến những buổi tập của các cán bộ, chiến sĩ Cục C69 với những chú cảnh khuyển mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả mà họ phải trải qua.
Để đào tạo được những chú chó thông minh, hiểu nghiệp vụ, các cán bộ, chiến sĩ ở đây không chỉ phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt mà thậm chí cả máu.
Tai nạn nghề nghiệp thường xảy ra khi các cán bộ, chiến sĩ đóng giả là địch. Lúc đó, yêu cầu đặt ra cho chú cảnh khuyển tham gia huấn luyện là phải biết tấn công tội phạm, lao vào cắn đối tượng.
"Tôi đây cũng đã từng bị chó cắn thương tích và phải vào bệnh viện điều trị suốt một tuần. Các cán bộ chiến sĩ ở đây vẫn thường đùa nhau rằng, chưa bị chó cắn thì chưa phải là… lính chó.
Có lần tôi tham gia đóng địch trong buổi huấn luyện cho một chú chó Đức mới mang về. Vì chưa có kinh nghiệm và kỷ luật nên khi có khẩu lệnh tấn công tội phạm, chú chó này đã lao đến cắn vào đùi tôi. Giờ mà vạch đùi tôi lên thì có cả một chùm sẹo" - Đại tá Lê Xuân Phong, Trưởng phòng đào tạo huấn luyện chó nghiệp vụ kể lại.
Trước khi đưa vào huấn luyện, mỗi chú cảnh khuyển phải có độ tuổi ít nhất từ 1 đến 2 năm. Khi các chú chó đã đảm bảo được các tiêu chuẩn về thần kinh cũng như thể chất, trọng lượng, không bị dị hình, dị tật thì mới được đưa vào huấn luyện. Trước khi đưa vào huấn luyện còn có cả một hội đồng giám định.
Việc giám định này còn căn cứ vào yêu cầu của từng chuyên khoa. Chẳng hạn huấn luyện chó chuyên làm công tác bảo vệ, truy tìm tấn công tội phạm thì phải chọn giống chó to, khỏe, hung dữ, thể chất chắc. Huấn luyện đối với chó giám biệt mùi hơi phục vụ các vụ án hình sự thì phải chọn những con nhanh nhẹn, thần kinh cân bằng, linh hoạt...
Quá trình huấn luyện một con chó bình thường trở thành chó nghiệp vụ là quãng thời gian rất dài và gian nan. Nguồn chó thường được thu mua từ các cơ sở hợp đồng bên ngoài và làm công tác sinh sản phát triển giống ngay tại đơn vị.
Nếu là chó của đơn vị nhân giống sinh sản ra, đủ độ tuổi từ 2 đến 3 tháng sẽ đưa tới nhà của các cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm nuôi. Việc này sẽ giúp bồi dưỡng phẩm chất năng lực cho chó nghiệp vụ. Khi đủ độ tuổi lại tuyển trở lại đơn vị để đưa vào huấn luyện.
Những cán bộ, chiến sĩ bám trụ với nghề huấn luyện chó nghiệp vụ thường phải là những người thực sự có lòng đam mê và tinh thần cống hiến.
Bởi lẽ, ngoài những khó khăn, hiểm nguy trên thao trường, nhiều chiến sĩ đã không tránh khỏi tâm lý e dè, mặc cảm vì ngày ngày chỉ loanh quanh bên chó. Nhiều người bỏ nghề cũng chỉ bởi lo bạn bè, người thân, thậm chí là lo gia đình người yêu biết mình chỉ là người huấn luyện chó.
Nhiều người chia sẻ, họ không dám nói ra cái nghề mà mình đang theo đuổi. Ngoài những vất vả và tự ti ấy thì yếu tố về kinh tế cũng là điều mà nhiều người phải quan tâm hàng đầu.
Với đặc thù công việc vất vả và đầy hiểm nguy, nhưng hầu như các cán bộ, chiến sĩ ở đây không có thu nhập gì ngoài mức lương quy định.
Còn nhớ, vào đầu tháng 6/2014, theo một nguồn tin cho biết tại địa bàn biên giới tỉnh Sơn La phát hiện hai nhóm đối tượng gồm hàng chục tên vận chuyển ma túy với số lượng lớn, có vũ trang.
Sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Bộ Công an phối hợp với lãnh đạo Công an tỉnh Sơn La đã thành lập chuyên án để điều tra, khám phá.
Chuyên án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ ngày 3 đến 16/6. Lãnh đạo Bộ Công an đã cử 8 cán bộ, chiến sĩ Cục C69 sử dụng 15 chó nghiệp vụ tham gia phối hợp với Công an tỉnh Sơn La, Cục C47, C51 để đấu tranh chuyên án.
Kết thúc giai đoạn 1 đã bắt được 2 đối tượng và thu giữ 47 bánh heroin. Giai đoạn 2 của chuyên án tiếp tục diễn ra từ ngày 16 đến 20/7. Lần này Cục C69 được cử 9 cán bộ cùng với 6 chó nghiệp vụ kết hợp với các lực lượng khác tham gia phá án.
Nhớ lại lần đánh án đó, Trung tá Lê Sĩ Hà, Phó trưởng phòng sử dụng chó nghiệp vụ vẫn không giấu được sự bùi ngùi. Bởi trong lần ra quân ấy, chú chó Zôn mà anh trực tiếp huấn luyện đã "hy sinh":
"Đợt ra quân thứ hai, điểm phục kích là địa bàn giáp Mộc Châu, Lai Châu, Vân Hồ. Tôi cùng với 8 cán bộ khác đã sử dụng 6 chó nghiệp vụ tấn công.
Tại điểm phục kích đã có loa yêu cầu quy hàng và bắn chỉ thiên nhưng các đối tượng vẫn chống trả rất quyết liệt, dùng súng bắn xối xả vào trinh sát đang làm nhiệm vụ. Trước tình thế đó bắt buộc phải thả chó nghiệp vụ ra tấn công đối tượng.
Sau khi nghe tôi hô: "Chó nghiệp vụ tấn công" thì lần lượt 6 chó được thả theo thứ tự và phi về phía đối tượng. Con Zôn khi ấy là con chó được chính tay tôi thả ra đầu tiên.
Khoảng cách từ chỗ trinh sát tới chỗ đối tượng ẩn nập chỉ khoảng 50m. Sau khi Zôn lao vào cắn và khống chế một đối tượng thì đã bị một đối tượng khác bắn vào cổ và chết ngay tại chỗ".
Kết quả, 5 đối tượng bị bắt, hai đối tượng chết ngay tại chỗ, 3 đối tượng còn lại bị thương. Tại hiện trường, Cơ quan Công an thu được 108 bánh heroin, 2 khẩu súng cacbin, 2 khẩu AK, 1 súng ngắn và 70 viên đạn…
Cũng vào thời điểm đó, ngày 26/6/2014, trên địa bàn xã Thu Cúc, huyện Xuân Sơn (Phú Thọ) xảy ra vụ sập mỏ đá, vùi lấp 2 người và 1 chiếc máy xúc.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Cục C69 đã được Bộ Công an chỉ đạo cử 6 cán bộ cùng 3 chó nghiệp vụ xuống hiện trường để tham gia công tác cứu nạn.
Qua quá trình sử dụng chó nghiệp vụ rà soát toàn bộ khu vực quanh nơi xảy ra vụ sập hầm đã phát hiện nơi có thi thể của hai nạn nhân xấu số.
Hiện nay, Cục C69 đang tập trung huấn luyện chó theo 4 chuyên khoa: Chó chuyên giám biệt mùi hơi, chó tìm kiếm cứu nạn; chó tìm kiếm ma túy, thuốc nổ và chó truy lùng, tấn công.
Đối với những huấn luyện viên đặc biệt này, họ phải miệt mài tập luyện bất kể thời tiết nóng hay lạnh, ngày hay đêm. Bởi với đặc thù nghề nghiệp, nếu không được tập luyện và rèn luyện kỹ năng thường xuyên thì sẽ không thể có những chú cảnh khuyển tinh thông, đáp ứng tốt yêu cầu nghiệp vụ.