Chuyện học nơi địa đầu Tổ quốc

Chuyện học nơi địa đầu Tổ quốc

(GD&TĐ) - Hà Giang là một tỉnh thuộc cực bắc của Tổ quốc, địa bàn đi lại khó khăn, phức tạp với 274 km đường biên. Người dân tộc thiểu số chiếm 89%, với 22 tộc người, đông nhất là người Mông (31%). Trong đó có những huyện vùng cao, đường sá đi lại cực kỳ vất vả là Quản Bạ, Xín Mần, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn, Hoàng Su Phì. Thế nhưng, nếu những năm 80 ở tỉnh này, trẻ em từ 6-14 tuổi huy động ra lớp chỉ đạt khoảng 30%, do vậy có tới 80% dân số mù  chữ thì đến năm 1999 Hà Giang đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ. Đặc biệt, đến nay, tỉ  lệ trẻ đi học đã tăng cao, nhiều điểm vùng sâu, vùng xa đạt gần 97%. Đó là những năm qua, với cố gắng của tỉnh còn nghèo, được sự quan tâm của các ngành, các cấp, những con người gắn bó với GD Hà Giang đã và đang bám trụ, hết mình đem ánh sáng văn hóa cho con em các dân tộc.

Một lớp học ở Hà Giang
Một lớp học ở Hà Giang
Gồng mình làm GD vùng khó

Hoàng Su Phì  ẩn hiện trong làn sương khói mờ. Đây là huyện vùng cao biên giới, nằm ở phía tây tỉnh Hà  Giang, tiếp giáp với Trung Quốc hơn 30km đường biên, với diện tích 79.955 ha, dân số gần 60.000 người gồm 14 dân tộc anh em. Do kiến tạo của địa hình nên Hoàng Su Phì bị chia cắt mạng bởi nhiều núi đá cao và khe suối. Toàn huyện có tổng số 60 trường học, trong đó, mầm non chiếm đông nhất với 21 trường, THCS 15 trường, tiểu học 11 trường. Cái khó nhất đối với GD vùng này chính là giải quyết bài toán CSVC. Toàn huyện có 689 phòng học thì có tới 238 phòng học tạm, nhà ở công vụ của GV cũng có 126 phòng là nhà tạm, chưa được kiên cố hóa 100%. Đến thăm trường THCS Phố Lồ với 422 HS (Tiểu học 288HS), thuộc địa bàn xã biên giới, với 12 thôn bản vẫn chưa đủ điều kiện để tách ra khỏi khối Tiểu học. Toàn trường có một điểm trường chính và ba điểm trường lẻ. Riêng HS THCS được về học ở trường chính. CSVC có 25 phòng học nhưng diện kiên cố có 14 phòng, số còn lại thuộc bán kiên cố và 7 phòng học tạm. Ngôi trường này vẫn chưa có phòng thư viện và thí nghiệm. Những bộ thiết bị dạy là học của trường có nhưng rơi vào tình trạng không đồng bộ vì đã sử dụng quá nhiều năm, hư hỏng, thất thoát.

Đường đến huyện Mèo Vạc, địa hình bị chia cắt bởi núi non hiểm trở. Những đồng nghiệp làm báo lâu năm của Hà Giang dù đã lường trước được đường đi khó khăn đến nhường nào, đã thực hiện nhiều chuyến đi công tác, song có người vẫn bị choáng bởi đường nhiều cua đổ đèo. Chính vì thế, có đoạn đường lái xe chỉ đi với tốc độ 20km/giờ. Chẳng khác Hoàng Su Phì là mấy, Mèo Vạc, Đồng Văn, Xín Mần... cũng có chung bài toán khó giải về CSVC trường học. Cảnh phòng học tạm làm bằng tranh tre vách nứa vẫn hiện hữu trong bức tranh GD tổng thể. Từ trung tâm của huyện Xín Mần, vào Pà Vầy Sủ, rồi ngược con đường ngoằn nghèo bên sườn núi, chúng tôi cũng đến được bản Khấu Sỉn. Không khó để nhận ra lớp học, vì màu vàng đặc trưng của đất nện, tiếng đánh vần ê a của trẻ em đồng bào Mông. Lớp học có 4 phòng, trong đó 2 phòng dành cho lớp 2 và lớp 3, hai phòng còn lại là chỗ ở của 3 cô giáo, được lợp bằng tấm lợp xi măng. Cả ngôi trường này có ba cô là cô Tuyết, cô Thanh dạy lớp 3, và cô Cúc dạy lớp 2.

Ở điểm trường tiểu học Khấu Sỉn- Xín Mần chưa có điện nên lớp học phải để nhiều chỗ trống lấy ánh sáng tự nhiên cho HS có được ánh sáng học bài. Do đó, hễ trời cứ động mưa là hắt đầy nước vào lớp. Nhưng khổ nhất vẫn là mùa đông, những cơn gió lạnh buốt thổi vào khiến cả cô và trò tím tái vì rét. Lớp học mầm non của Khấu Sỉn, cách các lớp tiểu học không xa. Nói là lớp nhưng được ghép bằng những tấm phên nứa do gia đình phụ huynh đóng góp đan, giúp dựng phòng học cho con em…vv. Nhờ thầy, cô giáo thay phiên nhau từ Pà Vầy Sủ lên cắm tại 7 bản khác của xã nên từ một xã trước đây từng liệt vào danh sách trắng về GD của Xín Mần, nay các lớp học đã phủ kín các bản. Bản thân các thầy cô, vẫn sống trong những căn nhà chật chội, chưa được kiên cố hóa 100%. Vậy mà, chính từ những vùng đất ấy, mầm xanh GD vẫn đang đâm chồi, nảy lộc. Chỉ tính riêng huyện Hoàng Su Phì, năm học trước có tới 868 HS trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ quốc gia, 969 em trúng tuyển vào các trường chuyên nghiệp của tỉnh.

Duy trì  sĩ số bằng nội trú dân nuôi

Với  đặc thù địa hình miền núi giao thông đi lại khó  khăn, dân cư sống thưa thớt, điều kiện kinh tế  chưa thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện để giúp ngành GD phát triển, do đó, nhiều địa phương, trong đó có Hà Giang đã chọn mô hình nội trú dân nuôi. Chính vì thế, trong câu chuyện kể, Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Giang đã nhấn mạnh: Áp dụng mô hình này, vừa giúp GD Hà Giang duy trì sĩ số, giảm mức thấp nhất HS bỏ trường, bỏ lớp; mặt khác HS được tập trung ăn ở gần trường học sẽ tạo điều kiện cho các em ganh đua trong học tập, để nâng cao dần chất lượng. Hiện nay, mô hình trường, lớp nội trú dân nuôi đang tiếp tục được Hà Giang nhân rộng và phát triển. Đây chính là một trong những giải pháp quan trọng giúp GD Hà Giang duy trì được sĩ số HS ra lớp gần 100%, nâng dần chất lượng GD toàn tỉnh.

Mỗi huyện, người dân tổ chức nhiều hình thức đóng góp khác nhau đã tạo nên một hệ thống các trường nội trú dân nuôi. Trong các trường này, người dân cùng nhau đầu tư xây dựng nhà ở, tổ chức nuôi ăn cho học sinh để các em yên tâm ở lại trường học tập. Nhiều năm qua, mô hình này đã đóng góp một phần quan trọng trong việc duy trì sĩ số học sinh. Đồng Văn nổi tiếng với hình thức tổ chức lớp học nội trú dân nuôi được cụ thể hoá ra bằng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã. Phụ huynh HS thay phiên nhau tới điểm trường để nấu ăn cho HS các lớp. Cách làm này đã tỏ ra khá hiệu quả trong việc huy động các em tới trường và sĩ số học sinh cũng được duy trì ổn định, chất lượng giáo dục được nâng lên đáng kể do các em có nhiều thời gian dành cho việc học hành.

Tại huyện  Đồng Văn, hình thức tổ chức lớp học nội trú  dân nuôi được cụ thể hoá ra bằng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các xã. Theo đó, mỗi hộ, bất kể có con em theo học hay không, đều phải nộp một khoản lương thực qui ra ngô, nguồn sống chính của cư dân cao nguyên đá. Từ đó, các xóm trong mỗi thôn bản lần lượt thay nhau tới điểm trường chính (nơi tập trung học sinh) để nấu ăn cho các em.

GD Hà  Giang còn nổi tiếng trong chuyện mở lớp bổ túc- cách đi tắt khi làm phổ cập.

Để  đảm bảo được đủ số lượng GV cho cả lớp phổ thông lẫn bổ túc, Giám đốc Sở GD Hà Giang Lương Văn Soòng cho biết: Chúng tôi thực hiện việc luân chuyển giáo viên từ vùng thấp lên vùng cao. Huyện vùng thấp nào đã hoàn thành phổ cấp THCS trước thì điều chuyển một số GV lên tăng cường cho các huyện vùng cao đang làm phổ cập một thời gian.

Tình người cắm bản

 
Ở đồn biên phòng Lũng Cú ai cũng nhắc đến tên cô giáo Vũ Hồng Duyên người Vị Xuyên, đẹp người đẹp nết. Tốt nghiệp ĐHSP Thái Nguyên, Duyên đã về và tự gắn kết mình với các em HS Lũng Cú. Duyên tâm sự: Dạy học ở miền núi cao nhiều khi đi vận động HS ra lớp phải cuốc bộ cả ngày trên các mỏm núi cao. Nhìn thì thấy nhà, tưởng gần lắm nhưng để đến được nhà HS chí ít cũng đi nửa ngày đường. Với lòng yêu nghề, quyết tâm gieo chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, giờ đây cô Duyên được bà con quanh vùng coi như người nhà, được mời ăn cùng mâm với những người đàn ông Mông, dù tục lệ phụ nữ Mông phải ăn riêng mâm vẫn còn.

Trưởng phòng GD huyện Xín Mần kể, xã Pà Vầy Sủ có  29 GV. Ngày lên với GD Xín Mần, tất cả họ đều còn rất trẻ, chưa lập gia đình. Nhưng đến nay, nhiều thầy, cô giáo đã nên vợ, nên chồng với tâm nguyện gắn bó suốt đời mình với Pà Vầy Sủ, đặc biệt có 3 đôi vợ chồng đã quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất gian khó này. Như vợ chồng thầy Thèn Văn Tính. Thầy Tính đã xung phong lên Pà Vầy Sủ từ năm 1994. Cô Diễm cũng là giáo viên ở dưới xuôi lên. Giờ đây họ coi nơi đây như quê hương thứ hai để gắn kết cuộc đời mình với nghề dạy học. Vợ chồng thầy Đào Văn Chí và cô Đào Thị Hiệp cùng quê Chiêm Hóa, Tuyên Quang, xung phong lên Pà Vầy Sủ. Cô Hiệp dạy ở Trung tâm còn thầy Chí dạy trong lớp cắm bản Tả Lử Thận. Mang tiếng hai vợ chồng cùng dạy một xã, nhưng chỉ cuối tuần gia đình họ mới được đoàn tụ bởi lớp cắm bản ở vùng sâu, đi lại khó khăn.

Hệ thống các trường PTDT nội trú huyện cũng là một trong số lực lượng nòng cốt đem lại chất lượng GD cho Hà Giang thay da đổi thịt. Như trường PTDT nội trú huyện Xín Mần tự hào với hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đã có 6.304 học sinh thuộc 11 dân tộc Tày, Mông, Dao, Nùng, Kinh, La Chí, Phù Lá, Pà Thẻn, Hoa, Mường, Sán Dìu về đây học tập. Nhiều em từ mái trường này đã trưởng thành và trở thành cán bộ chủ chốt của xã, huyện, tỉnh... một số trở thành giáo viên và đã quay lại trường tiếp tục sự nghiệp “trồng người”.

Vũ Kiệt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ