Chuyện hòa nhập của những người phụ nữ có “H”

GD&TĐ - Trong những ngày tháng 10, dưới cái nắng hanh vàng cùng với CLB Mặt trời của bé chúng tôi tới dự một buổi sinh hoạt chung của nhóm Mái ấm Phúc Thọ và Nhóm Hoa Mười giờ. Họ đều là những người phụ nữ có H. Trong số hơn 50 hội viên thì quá nửa chồng mất vì H. Những tổn thương về tinh thần và sức khỏe đã dần đi qua, vết thương dẫu đã lành theo thời gian nhưng với họ điều may mắn nhất là những đứa con khỏe mạnh, không nhiễm H.

Chuyện hòa nhập của những người phụ nữ có “H”

Gượng dậy từ nỗi đau

Đến với các chị, khi nhìn những niềm vui trong mắt mỗi người chúng tôi ai cũng vui bởi ở đó không có sự ngăn cách mà là sự đồng cảm, chia sẻ.

Vượt qua chặng đường gần 10 năm đối mặt HIV, chị Trần Thị Hoàn, Trưởng nhóm Hoa Mười giờ trải lòng, ngày ấy chồng làm lao động tự do nay đây mai đó, khi về nhà thì bị ốm nặng đưa đi bệnh viện thì bác sĩ thông báo kết quả nhiễm HIV, một tháng sau đó chồng mất.

Mọi việc diễn ra quá nhanh, gia cảnh khó càng thêm khó, con nhỏ nheo nhóc, chồng mất vì H, mình cũng mang bệnh, nhìn ánh mắt mọi người lúc đó chị sụp đổ hoàn toàn. Tuy nhiên, may mắn vẫn mỉm cười với chị là đứa con hoàn toàn khoẻ mạnh. Đây chính là niềm tin và hy vọng cho chị vượt lên chính mình.

Đến nay, sau nhiều năm chị Hoàn đã công khai chuyện mình nhiễm H. Sức khỏe giảm sút, chị chỉ có thể tìm những việc lao động vừa sức như đi phụ xây dựng, làm lao công ở Hà Nội. Có công việc, thu nhập không nhiều nhưng cũng giúp 2 mẹ con chị có cuộc sống ổn định; con cái chịu khó học đã giúp người mẹ trẻ có thêm động lực.

Nhóm Hoa Mười giờ có hơn 30 hội viên thì hầu hết là chồng mất vì H. Họ đều là hộ nghèo nhưng có một may mắn trong số đó phần đông là các con họ được khỏe mạnh, chỉ có 6 cháu bị H. Trong số đó hoàn cảnh nhất là trường hợp 2 mẹ con chị Nguyễn Thị Hoa ở Yên Kỳ (Ba Vì). Chồng mất vì H, hai mẹ con đều nhiễm H.

Nhìn người mẹ dáng nhỏ bé, bước đi xiêu vẹo dắt xe đạp chở đứa con gái năm nay học lớp 6 mà trông như học sinh tiểu học, không ai cầm được nước mắt. Mọi người trong nhóm hoàn cảnh khó khăn nhưng còn có thể xoay xở đi làm thêm, con cái khỏe mạnh. Nhưng với chị Hoa, sức khỏe không có, con gái cũng ốm yếu, thu nhập trông chờ vào ít ruộng và hoa màu. Cuộc sống khó khăn gấp bội.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Hoa vẫn không giấu được nỗi buồn hằn lên trong ánh mắt, khi nói về những ước mơ còn dang dở. 12 năm sống chung với H đã lấy đi tuổi xuân, sức khoẻ, và nỗi khổ tâm của người mẹ về đứa con gái bé nhỏ. 36 tuổi mà trông chị già hơn rất nhiều so với tuổi.

Lấy lại niềm tin vào cuộc sống từ những đứa con

Vượt qua chính mình, sống hoà đồng tại cộng đồng chính là động lực để những người có H sống tốt hơn, tự tin vào bản thân và nỗ lực hơn trong cuộc sống. Một trong số đó có chị Đặng Thị Luyện, Trưởng nhóm Mái ấm Phúc Thọ.

Chị Luyện năm nay 46 tuổi nhưng cũng có thời gian 10 năm sống chung với H. Chị có 3 người con. Khi người chồng phát hiện H, cháu lớn được 10 tuổi, cháu thứ hai được 5 tuổi và con thứ 3 mới được 20 tháng tuổi.

Ban đầu nghe tới bị H chị sợ hãi vô cùng. Chồng mất, chị cũng chỉ muốn tìm tới cái chết. Tuy nhiên, khi xét nghiệm và khám tại Bệnh viện Hà Đông chị được bác sĩ tư vấn về H, hiểu hơn về H. Từ lúc đó nhận thức của chị cũng dần được thay đổi, đồng thời nhận kết quả bé con thứ 3 không nhiễm H đã tạo động lực cho người mẹ sống mạnh mẽ hơn, không để bệnh tật làm cho gục ngã.

Trải lòng về sự quyết tâm công khai mình có H tại cộng đồng, chị Luyện bảo, khi ấy người dân vẫn còn suy nghĩ rất nặng nề và khủng khiếp về H; họ đều xa lánh. Tuy nhiên, bằng chính nỗ lực của bản thân và sự chia sẻ, truyền thông tại cộng đồng về H, người dân ở cụm dân cư đã hiểu hơn về H, bắt đầu có sự mở lòng, cởi mở trở lại với chị và những người bạn cũng bị H ở địa phương, xoá bỏ sự kỳ thị với những người có H.

Tại nhóm sinh hoạt chung, các chị em có H thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin để các chị em cùng hoàn cảnh có thể hiểu được về bệnh, có cách phòng ngừa và điều trị, uống thuốc đúng theo định kỳ. Cứ từng bước như vậy, trong mái ấm các chị dần dần công khai, bước ra ánh sáng, từng bước nỗ lực để sống, để cho mọi người thấy bị H không đáng sợ như mọi người từng nghĩ.

Chị Doãn Thị Điều, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vân Nam (Phúc Thọ - Hà Nội), kiêm Bí thư chi bộ thôn 7 cho biết, tại cụm dân cư người dân đã hiểu rõ hơn về HIV nên không còn sự kỳ thị. Với những người có H trong cộng đồng, Hội Phụ nữ thường xuyên gặp gỡ và trao đổi với các chị để chia sẻ và trang bị kiến thức, hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hộ gia đình chị Luyện là hộ nghèo, thôn xóm cũng đã hỗ trợ rất nhiều trong việc xoá nhà dột nát, dựng nhà cấp 4 giúp gia đình. Trong các chương trình sinh hoạt của cụm dân cư chị Luyện đều nhiệt tình tham gia, ai cũng quý mến chị.

Ở dưới góc độ Trưởng nhóm Mái ấm Phúc Thọ, chị Luyện cũng đã liên kết được các chị em có H tại địa phương, tạo ra một sân chơi mới cho mọi người. Qua đây cũng giúp nhiều chị em tự tin, vươn lên và công khai có H tại khu dân cư mình sinh sống để dần dần hoà nhập hơn với mọi người xung quanh.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ

Mỹ cần chặng đường dài để tạo nguồn nguyên liệu cho nhà máy hạt nhân, thoát phụ thuộc uranium Nga.

Mỹ bắt đầu thoát uranium Nga

GD&TĐ - Mỹ còn một chặng đường dài để thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn cung cấp uranium Nga, tiến tới đảm bảo an ninh năng lượng Mỹ.