Chuyện hậu ly hôn

GD&TĐ - Tan vỡ trong hôn nhân là điều không ai muốn. Nhưng một khi cuộc sống chung không hạnh phúc, với nhiều người, ly hôn là sự giải thoát, là lựa chọn tốt nhất. Vượt qua được những đau khổ, oán giận… với người cũ, nhiều cặp sau ly hôn, tỏ ra rất văn minh trong ứng xử, họ xuất hiện cùng nhau, dành cho nhau những lời tốt đẹp, tôn trọng nhau và cùng nhau chăm sóc con cái…

Chuyện hậu ly hôn

Không còn nhau… xin là bạn

Kết hôn 5 năm, hai vợ chồng chị Hà, anh Dũng có một cậu con trai 2 tuổi. Vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt, dần dần cả hai cảm thấy… chán nhau vô cùng.

Sợi dây níu hai người lại để duy trì cuộc hôn nhân là cậu con trai, nhưng khi chợt nhận ra, cuộc sống chung vô vị, ngột ngạt khi tình cảm dành cho nhau đã hết, cả hai quyết định ly hôn và thống nhất sẽ cùng nhau dành cho con những điều tốt đẹp nhất có thể.

Chị Hà tâm sự, những ngày vợ chồng lạnh nhạt với nhau, ở cùng nhà mà chẳng đoái hoài đến nhau, thực sự rất ngột ngạt và ly hôn là giải pháp để đưa cả hai ra khỏi bi kịch đó.

“Tôi là người khá lạc quan, thường nghĩ sau cơn mưa trời lại sáng. Nếu như cứ ngồi gặm nhấm nỗi buồn, cứ oán giận nhau, trách móc, chửi rủa nhau… thì chẳng bao giờ mối quan hệ tốt đẹp hơn.

Tốt nhất, giữ chút gì lại cho nhau để bước qua cái tôi của mình, vì con mà vẫn có thể gặp gỡ chồng cũ, vẫn có thể ăn bữa cơm gia đình, dắt con đi dạo, đi xem phim…”.

Có lẽ thống nhất quan điểm đó, mà hậu ly hôn, chuyện của chị Hà, anh Dũng… thật mà cứ như đùa. Hai vợ chồng sống hai căn hộ khác nhau, mỗi tuần 4 lần, anh Dũng qua chơi với con, ăn cơm cùng hai mẹ con và cô giúp việc. Anh đều đặn đưa tiền cho chị Hà hằng tháng để chăm con.

Những hôm trời mưa gió, anh ở lại ngủ cùng cậu con trai đến sáng hôm sau mới về nhà. Nhiều hôm chị đi công tác, anh ở lại cùng cô giúp việc chăm bé Bon. Trong nhà điện hỏng, quạt khô dầu, máy giặt có vấn đề…, người chị gọi đến đầu tiên là anh. Bố mẹ chị ở quê vào chơi, anh cũng được gọi điện thoại qua ăn cơm như… chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Nhiều bạn bè của chị Hà tới chơi, mỗi lần gặp cảnh hai vợ chồng đang cùng con đi dạo dưới sân chung cư, hay ngồi uống cà phê, ngồi ăn cơm cùng nhau, đều tỏ ra rất bất ngờ. Ai cũng hỏi: Quay lại rồi phải không? Chị Hà đều lắc đầu, rồi giải thích: Không thể quay lại, nhưng nghĩ thông từ lâu nay rồi, nếu không còn yêu nhau, cảm thấy không thể sống chung thì cứ sống riêng, cảm thấy muốn tốt cho con thì cứ qua chơi, đùa vui với con, ăn chung bữa cơm thì có sao đâu.

Cả hai chia tay mà nhẹ nhàng lắm… Mục tiêu vẫn là không để con thiếu thốn tình cảm mẹ cha. Sau này lớn lên, con cũng sẽ hiểu và thông cảm thôi. Mình vẫn luôn động viên anh ấy có bạn gái, có vợ mới đi để cuộc sống đỡ buồn tẻ. Cũng chưa thấy ổng dẫn ai giới thiệu, ly hôn cũng được gần 2 năm rồi đấy…

Tương tự, ly hôn được 3 năm, nhiều người nhìn vào vợ chồng anh Thái, chị Hòa cứ tưởng hai vợ chồng vẫn mặn nồng như thuở nào. Trên facebook, họ vẫn đăng tải một số hình ảnh đi du lịch chung cùng cô con gái 7 tuổi, cùng gia đình nội ngoại.

Dịp Tết, anh Thái vẫn đưa hai mẹ con về quê, cùng đón Tết rồi mới lên nhà nội. Đám cưới bạn bè, họ hàng cả nhà vẫn sánh bước cùng nhau, cười nói râm ran cả một góc.

Bà con lối xóm vẫn chẳng hay biết chuyện gì giữa hai vợ chồng, chỉ có những người trong gia đình mới hiểu được sự tan vỡ của cuộc hôn nhân.

Một vài người biết chuyện ly hôn, cứ lời ra tiếng vào cho rằng, anh chị diễn kịch giỏi. Có người nghi ngờ, chắc do chồng chị làm ăn lớn, hay sợ sau này vỡ nợ, sợ vợ con liên lụy, sợ tịch thu tài sản… nên mới giả ly hôn.

Rồi có người còn đồn đoán, chắc do chồng chị có vấn đề về giới tính nên chị li dị, mà chỉ có lý do ấy, hai người mới có thể là bạn sau ly hôn.

Vô vàn phỏng đoán của nhiều người, nhưng chị Hòa đều không quan tâm. Bởi theo chị, hạnh phúc của cuộc hôn nhân đã không thể níu kéo, chị mới ly hôn. Lý do thì muôn vàn, nguyên nhân vì tại anh, tại chị, tại cả hai bên… Sống chung trong một căn nhà, cả hai có thế giới riêng của mình.

Những công việc thường ngày anh và chị vẫn làm, đó là anh đưa con tới trường, còn chị rước con. Mỗi tuần cả nhà cùng nhau đi ăn tối một lần, cùng đi siêu thị và về thăm quê ngoại 2 tháng mỗi lần, qua thăm ông bà nội 1 tháng một lần…, còn lại gặp gỡ ai, đi với ai cả hai gần như đều có một cam kết ngầm, không can thiệp.

Anh chị nghĩ rằng ly hôn là cách giải thoát cho nhau, nếu một trong hai người đi thêm bước nữa cũng không bị người ta bàn tán nhiều, gây ảnh hưởng đến con gái, đến chuyện kinh doanh và gia đình hai bên.

Ly hôn nhưng những điều khoản vẫn được anh chị thống nhất, khi con gái cần, cả hai đều phải gác chuyện cá nhân sang một bên để cùng con đi chơi, dẫn con về quê…

Hãy mở lòng mình…

Nhiều người sau ly hôn có cảm giác như… được là chính mình, làm ngay những việc yêu thích mà khi có vợ hay chồng không thể làm được, như đi chơi khuya với bạn bè, đi du lịch một mình… Nhiều mối quan hệ mới xuất hiện khiến họ quên đi những chuyện đã qua.

Cũng có nhiều người, sau ly hôn cảm thấy hụt hẫng, trống rỗng và gần như việc oán trách người cũ, coi người cũ như kẻ thù là chuyện hết sức bình thường.

Vì vậy, theo các chuyên gia tâm lý, từ việc oán giận, hận thù, sẽ phát sinh những mâu thuẫn liên quan đến con cái, những bất đồng sau ly hôn vẫn không thể giải quyết được. Oán giận chồng mà đánh đập con, luôn chì chiết, chửi bới, không muốn chồng hay đằng nội quan tâm con, tìm mọi cách bôi nhọ người kia… đều là những việc không nên làm.

Hãy mở lòng mình hơn sau ly hôn, dù rất khó nhưng hãy coi cô ấy, anh ấy như một người bạn, đối xử với mẹ của các con mình, ba của các con mình như một người có thể sẻ chia những vấn đề về con cái. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ lòng khi đối xử tốt với người cũ thay vì hằn học, cố chấp.

Dù lỗi thuộc về ai thì mọi chuyện cũng đã kết thúc, cho nên đừng đổ hết tội cho bạn đời cũ, không nên nói xấu hay có thái độ tiêu cực như lôi kéo con cái về phía mình. Anh ấy hay cô ấy dù không thể là người vợ, người chồng tốt, nhưng chắc chắn là những ông bố bà mẹ tốt. Cho nên hãy bỏ lại quá khứ sang một bên, bắt đầu với những dự định mới và hãy dành cho con bạn những điều tốt đẹp nhất.

Khi hôn nhân tan vỡ, hầu như tình yêu của hai người trong cuộc không còn. Không còn tình cảm, để đối xử với nhau như bạn bè là điều không dễ.

Tuy nhiên, sau giai đoạn khủng hoảng tinh thần, người khôn ngoan sẽ lấy đứa trẻ làm mục tiêu để hàn gắn và xây dựng mối quan hệ bè bạn với người cũ.

“Nếu thực lòng bạn đã buông bỏ mối quan hệ hôn nhân với nửa kia, thì hãy nghĩ về những điều đang đợi bạn phía trước, hãy tôn trọng người cũ, cùng nhau cố gắng để chăm sóc con được tốt nhất, cho đứa trẻ có cảm giác ấm áp của tình thân, tình cảm gia đình, để trẻ trưởng thành mà không bị khiếm khuyết về tình cảm. Đó chính là cách xử sự vô cùng văn minh hậu ly hôn”, thạc sĩ tâm lý Trịnh Xuân Đức nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ