Chuyến hành hương xa xỉ nhất thế giới

GD&TĐ - Năm 1324, người giàu nhất mọi thời đại - Quốc vương Mansa Musa lên đường tới Mecca, thánh địa Hồi giáo ở Trung Đông.

Nhà vua giàu nhất châu Phi - Mansa Musa. Ảnh: Internet
Nhà vua giàu nhất châu Phi - Mansa Musa. Ảnh: Internet

Để cả thế giới biết mình giàu nhất, vua Musa cho mang theo hàng chục tấn vàng, đi đến đâu ban phát đến đó. Sau khi trở về, ông không chỉ cho xây nhà thờ lớn mà còn mở các trung tâm học thuật, biến Mali thành “thánh địa giáo dục” hội tụ nhân tài.

Nhà vua giàu nhất

Năm 2022, Elon Musk (1971) chiếm đầu bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới với tổng tài sản trị giá 219 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu so sánh số tiền này với khối tài sản kếch xù của Musa Đệ nhất (1280 – 1337), hoàng đế Mali (Tây Phi) thế kỷ XIV, Musk hãy còn thua kém rất xa.

Theo tư liệu sử học Mali, vua Musa cai trị vương quốc từ năm 1312 – 1337. Nhờ khai thác vàng và muối, ông giàu “nứt đố đổ vách”, số tiền tích lũy ước tính lên đến 400 tỷ USD ngày nay, tức là gần gấp đôi tỷ phú Musk.

Đương thời, Musa cũng nổi danh là nhà vua giàu có nhất. Thông qua xâm lược các vùng lân cận, ước tính mỗi năm, ông bắt bớ và khiến khoảng 6 nghìn người trở thành nô lệ. Những nô lệ này là nguồn lực lao động và phục dịch khổng lồ, giúp Musa ngày càng giàu hơn.

Về tín ngưỡng, vua Musa là tín đồ Hồi giáo. Năm 1324, ông thực hiện chuyến hành hương đến Mecca chấn động toàn Bắc Phi và Trung Đông. Đoàn tùy tùng của ông bao gồm 60 nghìn người, tất cả đều mặc trang phục được may bằng gấm và lụa Ba Tư thượng hạng.

Trong số này, có 12 nghìn là nô lệ, mỗi người phụ trách mang 1 thỏi vàng nặng 1,8kg. Ngoài vàng thỏi, Musa còn sắp xếp thêm rất nhiều cây trượng bằng vàng và vàng vụn. Ông cũng cho đem theo đầy đủ thức ăn, nước uống, vật dụng cần thiết, sẵn sàng cho chuyến đi dài gần 6.440 km.

Nhiệm vụ chuyên chở vàng vụn được giao cho gần 80 con lạc đà, mỗi con phải “cõng” từ 23 – 136kg. Trên đường đi, vua Musa hào phóng phát vàng vụn cho dân chúng các nước và tiêu pha, phô trương sự giàu có tột bậc. Mục đích của ông là khiến cả thế giới biết, quốc gia của mình thịnh vượng đến vô hạn.

Đoàn tùy tùng hành hương của Musa đông 60 nghìn người, đi đến đâu phát vàng đến đó. Ảnh: Internet

Đoàn tùy tùng hành hương của Musa đông 60 nghìn người, đi đến đâu phát vàng đến đó. Ảnh: Internet

Hỗn loạn Ai Cập

Trên đường hành hương, vua Musa phải đi qua Cairo, kinh đô Ai Cập. Ông đến đây vào giữa tháng 7, cho dựng trại bên ngoài kim tự tháp Giza 3 ngày, nghe ngóng động tĩnh rồi mới băng qua sông Nile. Khi tìm hiểu lễ nghi Ai Cập, vua Musa được biết phải quỳ trước pharaon. Tuy vô cùng bất mãn, ông chấp nhận thực hiện vì “nhập gia tùy tục”.

Pharaon tại vị của Ai Cập lúc này là Mamluk sultan al-Nasir Muhammad (1285 – 1341). Ông thấy được sự miễn cưỡng trong cung cách quỳ chào của Musa nên cũng khá khó xử. Dù vậy, đôi bên vẫn thực hiện đủ nghi thức và trao đổi quà tặng. Với “vàng đầy tay”, vua Musa và đoàn tùy tùng tha hồ tận hưởng cuộc sống như trên thiên đường ở Cairo.

Thời gian vua Musa lưu lại Cairo dài 3 tháng. Trong suốt 3 tháng này, ông hào phóng đến mức hoang phí. Ngoài tiêu pha không tiếc, ông còn phát vàng vụn cho dân chúng, đặc biệt tặng rất nhiều cho người nghèo. Bách tính Ai Cập vô cùng hồ hởi. Bất cứ ai, bất kể địa vị, chỉ cần trình diện trước mặt Musa là được thưởng vàng. Không ai ngờ được, món lợi “trên trời rơi xuống” này lại tiềm ẩn hiểm họa kinh tế khôn lường nhất.

Như hầu hết các nền văn minh cổ - trung đại, Ai Cập cũng dùng vàng làm tiền tệ. Họ sử dụng đơn vị deben đo trọng lượng (1 deben = 85g). Thông thường 1 deben vàng có thể mua 1 bao lúa mỳ, 50 deben thì đủ mua 1 con bò.

Nhờ vàng vua Musa cho, ai ai cũng dư dả mua bán, đổi chác. Kết quả, vàng mất giá, thương trường hỗn loạn. Nền kinh tế Ai Cập bị ảnh hưởng trầm trọng, mỗi ngày một suy sụp. Phải 12 năm sau, giá trị của vàng mới hồi phục, kéo theo sự ổn định và phát triển của kinh tế.

Dưới thời vua Musa, Mali là “thánh địa giáo dục” nổi tiếng nhất Bắc Phi và Trung Đông. Ảnh: Internet

Dưới thời vua Musa, Mali là “thánh địa giáo dục” nổi tiếng nhất Bắc Phi và Trung Đông. Ảnh: Internet

“Khi về bủng beo”

Sau nghỉ ngơi 3 tháng ở Ai Cập, vua Musa tiếp tục hành hương. Trên đường, ông vẫn “tiêu pha không cần nghĩ” và tặng vàng vụn cho người dân các nước. Tất nhiên, vàng nhiều bao nhiêu, phung phí mãi cũng phải hết. Trên đường trở về từ Mecca, ông lại phải đi qua Cairo và lần này, cả nhà vua lẫn đoàn tùy tùng đều trong tình trạng… đói gần chết.

Vì hết vàng, vua Musa buộc phải vay mượn và bán những gì đã mua, mắc nợ rất nhiều thương gia. May cho ông là pharaon Al-Nasir ghi nhớ sự hào phóng trước đó, đáp trả bằng thái độ thịnh tình và tặng thêm nhiều quà cáp. Nhờ chúng, vua Musa thuận lợi trở về vương quốc.

Quay lại Mali, vua Musa cho xây dựng nhà thờ khổng lồ tại Gao. Ông đặc biệt quan tâm phát triển giáo dục, mở 3 trung tâm học thuật lớn tại Timbuktu. Dưới triều đại Musa, thiên văn, toán học và văn học phát triển mạnh mẽ. Học giả từ khắp châu Phi và Trung Đông nô nức đổ về đây, khiến giáo dục ngày càng mở rộng và phát triển hơn.

Dù trải qua nhiều biến động lịch sử, Timbuktu duy trì phát triển giáo dục. Ngày nay, nó lừng danh “thành phố học thuật”, có mật độ trường học và thư viện dày hàng đầu toàn cầu.

Theo ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ