Chuyển giao… quyền lực ở tuyển Việt Nam?

GD&TĐ - Ngay sau thất bại ở AFF Cup 2020, huấn luyện viên Park Hang Seo quyết định thay đổi mang tính “thượng tầng” ở đội tuyển Việt Nam. Ban cán sự được “giải thể” và tước băng đội trưởng của Quế Ngọc Hải.

Quế Ngọc Hải không còn đeo băng đội trưởng đội tuyển Việt Nam.
Quế Ngọc Hải không còn đeo băng đội trưởng đội tuyển Việt Nam.

Những bước đi của ông Park có thể đánh dấu sự chuyển giao quyền lực ở đội tuyển.

“Chất thép” hay “đá láo”?

Ngay trong những ngày đầu năm 2022 và nỗi buồn thất bại tại AFF Cup chưa nguôi ngoai, bóng đá Việt Nam đón nhận thông tin khá bất ngờ về nhân sự đội tuyển quốc gia. Theo đó, trung vệ Quế Ngọc Hải đã bị huấn luyện viên Park Hang Seo tước băng đội trưởng. Lý do được ông thầy người Hàn chia sẻ rằng: “Tôi muốn thay đổi. Quế Ngọc Hải sẽ không còn là đội trưởng của đội tuyển Việt Nam. Tôi muốn cậu ấy tập trung hơn vào chơi bóng”.

Quế Ngọc Hải bị treo giò trong chuyến làm khách của đội tuyển Việt Nam đến sân của Australia vào ngày 27/1, trong khuôn khổ lượt trận thứ 7 vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Do đó, chắc chắn đội tuyển Việt Nam sẽ trình làng một đội trưởng mới thay thế trung vệ sinh năm 1993. Sau đó, thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo trở về sân nhà Mỹ Đình tiếp đón đội tuyển Trung Quốc, trận đấu diễn ra đúng vào mùng 1 Tết Nguyên đán.

Được biết trong buổi tập chiều 3/1, huấn luyện viên Park Hang Seo gọi các đội trưởng, đội phó đội tuyển gồm Ngọc Hải, Xuân Trường, Đức Huy, Duy Mạnh để nói chuyện riêng. Ông gửi lời cảm ơn đến Ngọc Hải và Xuân Trường, Đức Huy đã làm tốt nhiệm vụ là cầu nối giữa Ban huấn luyện và các thành viên khác trong đội suốt những năm qua, đồng thời cho biết, đội tuyển Việt Nam sẽ bầu lại Ban cán sự.

Chỉ có Duy Mạnh giữ lại nhiệm vụ thủ quỹ, thu tiền phạt đối với các trường hợp vi phạm nội quy, quy chế nội bộ của đội tuyển. Theo nhà cầm quân Hàn Quốc, đội tuyển Việt Nam cần một làn gió mới để tiếp thêm động lực, tính cạnh tranh cũng như bộ mặt mới nên cần Ban cán sự mới.

Ngay sau quyết định gây sốc của ông Park, vấn đề Quế Ngọc Hải mất băng đội trưởng đã trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn bóng đá, giữa ý kiến của các chuyên gia.

Nhiều ý kiến cho rằng, Hải là một trong những cầu thủ thi đấu thành công, nổi bật nhất của đội tuyển tại AFF Cup 2020. Lối chơi máu lửa, mạnh mẽ, khả năng phán đoán và chọn vị trí xuất sắc của anh mang lại sự chắc chắn cho hàng phòng ngự, giữ sạch lưới 5/6 trận. Trận đấu duy nhất đội tuyển Việt Nam thủng lưới là bán kết lượt đi, thua Thái Lan 0 - 2. Quế Ngọc Hải còn được website chính thức của AFF Cup bầu chọn là một trong những hậu vệ hay nhất giải.

Tuy nhiên, cầu thủ mang băng đội trưởng đội tuyển Việt Nam đã có những hành động mất kiểm soát trên sân. Điển hình vào phút 18 trận bán kết lượt đi giữa Việt Nam và Thái Lan, huấn luyện viên Alexandre Polking lao từ khu kỹ thuật về phía đường biên, nơi trung vệ Quế Ngọc Hải đang đứng đó. Ông thầy của đội tuyển Thái Lan tức giận khi đội trưởng đội tuyển Việt Nam dường như chủ động sút bóng trúng mặt Supachok Sarachat vừa ngã xuống sân. Trước hành vi nổi nóng này, ông Polking phải nhận thẻ vàng. Quế Ngọc Hải không phải nhận thẻ phạt và theo nhiều chuyên gia, trung vệ sinh năm 1993 có thể phải nhận thẻ đỏ.

Vụ việc vẫn chưa dừng lại, ngày 4/1, chia sẻ trên trên kênh T Sports 7, huấn luyện viên Alexandre Polking cho biết: “Chứng kiến cảnh tượng đó, tôi lao ra và nói trước mặt Quế Ngọc Hải: Cậu bị điên à, cậu đang làm gì vậy? Cậu không thể làm thế với cầu thủ của tôi. Tôi không lạ gì Ngọc Hải vì đã làm việc ở V-League. Sau khi tôi nói chuyện với Ngọc Hải, ngay lập tức các trọng tài chạy nhanh về phía tôi thay vì đội trưởng tuyển Việt Nam. Anh ta phạt tôi thẻ vàng như thể tôi làm điều gì kinh khủng lắm và điều đó làm tôi bất ngờ. Nếu có VAR, Ngọc Hải xứng đáng nhận thẻ đỏ với hành vi như vậy”.

Huấn luyện viên Park Hang Seo đang bắt đầu kế hoạch làm mới đội tuyển Việt Nam.

Huấn luyện viên Park Hang Seo đang bắt đầu kế hoạch làm mới đội tuyển Việt Nam.

Theo một chuyên gia bóng đá Việt Nam nhận định, Quế Ngọc Hải chơi khá ổn định tại AFF Cup 2020. Nhưng ở trận đỉnh cao với Thái Lan, cầu thủ người Nghệ An có 2 tình huống làm mất đi hình ảnh đẹp của bóng đá Việt Nam. Thứ nhất là pha sút bóng vào người đối thủ khi cầu thủ Thái Lan đã nằm sân. Điều đó chứng tỏ Hải bị mất bình tĩnh, trong khi với cương vị đội trưởng, cầu thủ này cần giữ đầu lạnh không nên bị tâm lý và cuốn vào các tiểu xảo hay khiêu khích của đối phương.

Thứ hai là hành động thì thầm, tác động đến Chanathip khi cầu thủ này sắp đá phạt đền vào cuối trận. Thủ quân một đội tuyển cần phải hòa nhã, có khả năng tiếng Anh tốt.

Trên một diễn đàn bóng đá rất nổi tiếng khác, một bạn đọc bình luận: “Quế Ngọc Hải có thừa khả năng và bản lĩnh, nhưng lại thiếu cái đầu lạnh để trở thành một người đội trưởng mẫu mực. Là đàn anh, lẽ ra cầu thủ này phải gương mẫu cho các em nhìn vào, vẫn biết là bênh vực đồng đội là điều cần thiết, nhưng có lẽ bằng lời nói sẽ thuyết phục hơn hành động thể hiện sự nông nổi như vậy.

Theo tôi, ông Park đã có một quyết định chính xác vì đội trưởng không cứ phải là người nhiều tuổi, có kinh nghiệm trận mạc, mà phải là người toàn diện nhất. Như Indonesia có cầu thủ chỉ 20 tuổi nhưng đã đeo băng đội trưởng và đá rất chững chạc. Đây cũng là bài học cho người tiếp theo được giao trọng trách đeo chiếc băng đội trưởng tuyển Việt Nam”.

Trung vệ sinh năm 1993 “va chạm” với huấn luyện viên Polking của Thái Lan ngoài đường biên.
Trung vệ sinh năm 1993 “va chạm” với huấn luyện viên Polking của Thái Lan ngoài đường biên.

Thời cơ vàng của ông Park?

Chuyện thủ quân bị tước băng đội trưởng luôn là vấn đề rất, rất quan trọng với mỗi đội bóng, đặc biệt ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Có nhiều lý do dẫn đến một cuộc “cách mạng”, song nó thường xoay quanh vấn đề, cầu thủ đội trưởng không thể hiện được vai trò lãnh đạo và uy tín, không hoàn thành nhiệm vụ cầu nối giữa ban huấn luyện với các cầu thủ. Hoặc cầu thủ đội trưởng có vấn đề về đạo đức. Và có một lý do khá con người, rất phố biến trên sân cỏ thế giới, huấn luyện viên trưởng không ưa thủ quân đến mức “một nước không thể có hai vua”.

Vấn đề đặt ra, nếu đội tuyển Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup 2020 thì liệu ông Park có quyết định tước băng đội trưởng của Quế Ngọc Hải? Tình huống giả định này được đưa ra nhằm làm rõ hơn về tính thời điểm, cũng như những toan tính của chiến lược gia người Hàn Quốc. Thực tế, không phải đến trận bán kết với Thái Lan thì Hải mới bộc lộ những hành động không đáng có của một cầu thủ mang băng đội trưởng. Dưới thời ông Park, và kể cả trong màu áo câu lạc bộ, cầu thủ quê Nghệ An bộc lộ rất nhiều “tính xấu”, vốn phần nào được dung dưỡng trong môi trường V-League.

Vậy nên, quyết định phế Quế Ngọc Hải sau AFF Cup 2020 có lẽ chỉ là một phần trong kế hoạch tổng thể của ông Park với bóng đá Việt Nam. Quyết định gây sốc đó được tính toán cẩn thận, kỹ lưỡng từ trước chứ không phải đột xuất, hay kiểu “giận cá chém thớt” sau thất bại trước Thái Lan. Chiến lược gia người Hàn trong nhiệm kỳ thứ 3 nhận thấy cần phải thay đổi sau những thất bại ở vòng loại thứ 3 World Cup, lối chơi của đội tuyển không còn biến hóa, đồng thời trước những đòi hỏi rất mạnh mẽ, đúng đắn từ một số ông bầu, nhà chuyên môn.

Đội tuyển thất bại ở AFF Cup 2020 thì việc bầu lại Ban cán sự, tâm điểm là chiếc băng đội trưởng được ông Park đưa ra mang tính thuyết phục hơn, đặc biệt với những người không muốn thay đổi. Điều đó phản ánh nguyện vọng của rất nhiều cầu thủ, đặc biệt nhóm cầu thủ ngôi sao trong đội muốn có sự thay đổi từ vị trí quyền lực trong phòng thay đồ, đến hình ảnh đội trưởng trên sân. Huấn luyện viên Park Hang Seo không thể làm khác được, bởi “ghế huấn luyện viên có 4 chân thì cầu thủ nắm 3 chân”. Ông cần phải quyết định bầu lại Ban cán sự để các thành viên đội tuyển được thể hiện “tiếng nói” của mình bằng lá phiếu.

“Chúng tôi đã nhìn lại hành trình đã qua trong năm 2021. Có rất nhiều thách thức mà chúng tôi phải đối mặt với tư cách là một đội bóng. Có những thách thức chúng tôi có thể vượt qua, nhưng cũng có những vấn đề lại rất khó khăn. Nhiều người chia sẻ rằng, chặng đường đạt được thành công từ năm 2018 đến nay đã không thể duy trì được động lực, khả năng cạnh tranh và niềm đam mê để đạt được thành tích cao hơn. Ban huấn luyện, bao gồm cả tôi và tất cả những người có liên quan đến đội tuyển cần phải đổi mới tư duy của mình, với cùng mục tiêu để hướng tới một năm 2022 thành công” – huấn luyện viên Park Hang Seo chia sẻ sau quyết định giải tán Ban cán sự đội tuyển.

Đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park luôn là tập thể đoàn kết. Điều đó được tạo thành từ nhiều nhóm cầu thủ khác nhau, như nhóm Nghệ An, nhóm Hà Nội và cả nhóm Hoàng Anh Gia Lai... Nhưng sự gắn kết vào một vài thời điểm có thể sẽ rời rạc, đứng trước nguy cơ vỡ nếu những vấn đề bên trong không được giải quyết.

Thế nên, sau AFF Cup 2020 là thời điểm vàng cho huấn luyện viên Park Hang Seo xử lý rốt ráo vấn đề mà chỉ ông và những người trong cuộc biết rõ nhất. Đầu năm 2022, đội tuyển chỉ còn một số trận ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và phải đến cuối năm, đội tuyển quốc gia mới dồn sức cho AFF Cup. Điểm nhấn chính của bóng đá Việt Nam năm nay là SEA Games 31, với đội tuyển U22 quốc gia.

Ông Park đang có trong tay điều kiện thuận lợi để tái cơ cấu đội tuyển quốc gia Việt Nam, bắt đầu từ chiếc băng đội trưởng. Và nếu không có sự đột biến, đội tuyển sẽ khởi đầu năm 2022 với tân đội trưởng, đáp ứng đúng nguyện vọng của đông đảo cầu thủ trong đội.

Huấn luyện viên Park Hang Seo đã triệu tập một loạt nhân tố mới trong đợt tập trung tháng Một này. Trong đó, đáng chú ý nhất là trung vệ Nguyễn Hữu Tuấn của HAGL và tiền vệ Tô Văn Vũ của Bình Dương. Ngoài ra, đội tuyển có sự trở lại của Nguyễn Đức Chiến, Phạm Tuấn Hải và đặc biệt là Đỗ Hùng Dũng. Trong danh sách 30 cầu thủ, ông Park cũng trao cơ hội cho một loạt tài năng trẻ, bao gồm Nguyễn Thanh Bình, Liễu Quang Vinh, Lê Văn Xuân, Nguyễn Trọng Long, Lê Văn Đô, Hồ Thanh Minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ