Chuyên gia World Bank: Việt Nam đạt thành tựu ấn tượng trong giáo dục

GD&TĐ - Nhân dịp công bố kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA 2018, bà Keiko Inoue, Trưởng nhóm Chương trình phát triển Giáo dục, Y tế và Việc làm của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã có những đánh giá tích cực về giáo dục phổ thông Việt Nam, đồng thời hy vọng WB được là một đối tác đáng tin cậy, đồng hành với Việt Nam trong hành trình tiếp tục cải thiện hệ thống giáo dục.

Bà Keiko Inoue, Trưởng nhóm Chương trình phát triển Giáo dục, Y tế và Việc làm của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam
Bà Keiko Inoue, Trưởng nhóm Chương trình phát triển Giáo dục, Y tế và Việc làm của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Đổi mới trong đánh giá

- Theo quan điểm của bà, giá trị của của việc tham gia các kỳ đánh giá PISA nói riêng và các đánh giá học sinh, sinh viên quốc tế nói chung đối với một quốc gia như Việt Nam là gì?

- Một hệ thống đánh giá học sinh hiệu quả có thể góp phần cải thiện chất lượng giáo dục cho mọi người. Điều này là do các hệ thống như vậy cung cấp thông tin có chất lượng cao, kịp thời cho các bên liên quan và các nhà hoạch định chính sách để có những điều chỉnh thường xuyên cho hệ thống giáo dục. Nhưng điều này có được cũng là do ngày càng có nhiều bằng chứng về các lợi ích của giáo dục đối với các quốc gia và sự phát triển kinh tế của các quốc gia.

Ví dụ, việc tăng một điểm trên thang chuẩn trong một số đánh giá quốc tế có thể làm GDP bình quân đầu người hàng năm tăng thêm đến 2%.

Đổi mới đánh giá học sinh cũng là một trong những đổi mới giáo dục ít tốn kém nhất. Mặc dù đánh giá học sinh có chi phí thấp, nhưng khi được thực hiện tốt, có thể giúp xác định được điểm mạnh và điểm yếu của một hệ thống giáo dục, từ đó có thể mang lại lợi ích cho tất cả học sinh.

Thành tựu gây ấn tượng đặc biệt

- Ở góc nhìn của mình, bà đánh giá như thế nào về giáo dục phổ thông Việt Nam trong những năm gần đây?

- Việt Nam đạt được tỷ lệ học sinh đi học cao trong giáo dục phổ thông và cũng đã tiến hành những cải cách quan trọng để cải thiện chất lượng giáo dục. Điều này được phản ánh trong Chỉ số vốn nhân lực của Ngân hàng Thế giới về Việt Nam.

Số năm đi học được điều chỉnh ở Việt Nam, tức là số năm học khi tính đến yếu tố trẻ em thực sự học được bao nhiêu, là 10,2 năm. Đây là con số đứng thứ hai chỉ sau

Singapore trong số các nước ASEAN và thứ 41 trong số 157 quốc gia được đưa vào Chỉ số vốn nhân lực. Đây là một thành tựu gây ấn tượng đặc biệt so với các nước phát triển kinh tế tương tự.

Hy vọng được là đối tác đáng tin cậy

- Các ưu tiên của Ngân hàng Thế giới trong việc hỗ trợ ngành Giáo dục Việt Nam hiện tại và trong tương lai là gì, bà có thể chia sẻ?

- Từ năm 1993 đến nay, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ đầu tư hơn 1,7 tỷ USD cho ngành Giáo dục Việt Nam. Ưu tiên hiện tại của chúng tôi là hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ để hướng tới một chương trình giáo dục phát triển năng lực trong giáo dục phổ thông, và từ đó biên soạn sách giáo khoa, đổi mới đánh giá và đào tạo giáo viên cho phù hợp với chương trình mới.

Chúng tôi cũng tập trung vào việc cải thiện giáo dục đại học, gồm cả các trường đại học và các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề, để cung cấp các cơ hội phát triển kỹ năng chất lượng cao hơn và hiệu quả hơn, phù hợp với các tín hiệu về nhu cầu từ thị trường lao động. Đồng thời, hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ để giúp giáo dục và đào tạo trở nên công bằng và dễ tiếp cận hơn với mọi người, bao gồm cả các nhóm dân tộc thiểu số, cũng như bảo đảm rằng có một cơ chế nâng cao kỹ năng lao động toàn diện để bắt kịp sự thay đổi của nền kinh tế.

Chúng tôi hy vọng được là một đối tác đáng tin cậy, đồng hành với Việt Nam trong hành trình tiếp tục cải thiện hệ thống giáo dục của đất nước.

- Xin cảm ơn bà!

             Chuẩn bị tinh thần đón nhận những khác biệt mới
Ngày 3/12/2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA 2018 tại 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo thông tin tóm tắt về kết quả PISA 2018 trên bảng kết quả của OECD công bố: Lĩnh vực Đọc hiểu, Việt Nam có điểm số cao thứ 13/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia; lĩnh vực Toán học, Việt Nam có điểm số cao thứ 24/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia; lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đạt điểm số cao thứ 4/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Tuy nhiên, năm nay, OECD chưa đưa kết quả của Việt Nam vào bảng so sánh. Lý do của việc này đã được Bộ GD&ĐT giải thích.
Bà Lê Thị Mỹ Hà - Giám đốc quốc gia PISA Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) - cho biết: Việt Nam tiếp tục triển khai PISA chu kỳ 2021, sẽ tiến hành khảo sát thử nghiệm vào năm 2020 và khảo sát chính thức vào 2021. OECD đề nghị nên chuyển sang thi trên máy tính để thực hiện cùng với các nước khác, vì chu kỳ 2021 hầu hết các quốc gia đã chuyển sang thi trên máy tính. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Mỹ Hà, tham gia thi PISA trên máy tính cần bảo đảm rất nhiều yếu tố đi cùng như: Đầu tư máy móc, trang thiết bị bảo đảm chuẩn yêu cầu kỹ thuật của OECD, dịch các bộ công cụ và tài liệu khảo sát thi trên máy tính, tập huấn cán bộ tham gia khảo sát. Đặc biệt, hiện nay, giáo viên và học sinh đang sử dụng hình thức kiểm tra, thi trên giấy trong nhà trường Việt Nam; chuyển sang hình thức thi trên máy tính sẽ là thách thức lớn với học sinh Việt Nam ở cả thành phố cũng như vùng nông thôn, vùng sâu xa về sử dụng công nghệ, tốc độ làm bài. “Theo tôi nghĩ, nếu tham gia trên máy tính, chúng ta chuẩn bị tinh thần đón nhận những khác biệt mới” – bà Lê Thị Mỹ Hà chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ