GS Ngô Đức Thịnh - Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam chia sẻ về thói quen ăn cỗ nhận phần ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, chuyện ăn cỗ nhận phần đã xuất hiện từ khá lâu. Khi đi ăn cỗ, thông thường người ta chỉ ăn những món khó chia và có nước như: cơm, canh, nộm và các món xào. Còn những món khô như thịt lợn, thịt gà, giò, chả… sẽ được mọi người trong mâm chia đều sau bữa ăn để mỗi người đều có phần mang về cho người ở nhà.
|
Ăn cỗ nhận phần là thói quen của người dân ở một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Ảnh minh họa |
Có người nói rằng, thói quen ăn cỗ chia phần xuất phát từ sự nghèo khó. Thời xưa, người dân nghèo khổ. Quanh năm lam lũ, làm lụng vất vả nhưng không bao giờ họ có tiền và tự bỏ tiền ra để mua một miếng ngon cho gia đình. Để có được những món ăn ngon, người ta phải chờ đến cỗ.
“Vì thế, khi đi ăn cỗ, không ai là không nghĩ đến những người khác trong gia đình. Họ chỉ dám ăn rất ít, còn lại họ gói phần mang về cho những người ở nhà -như mẹ tôi ngày xưa cũng vậy” - GS Ngô Đức Thịnh nói.
GS Ngô Đức Thịnh kể: “Mỗi lần mẹ tôi đi ăn cỗ, những đứa trẻ như tôi và cả người lớn trong gia đình đều rất háo hức và mong ngóng. Ai cũng chờ xem, hôm nay mẹ đi ăn cỗ thì sẽ mang về cái gì? Vì thế nào, mẹ tôi cũng mang phần về cho những người ở nhà…
Từ đó trở đi, như một thói quen, khi tôi lớn lên, tôi cũng giống như các thành viên khác trong gia đình, mỗi lần đi ăn cỗ trong làng, hay ăn cỗ quê ngoại, tôi cũng lấy phần mang về cho những người ở nhà”.
Tuy nhiên, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, chuyện ăn cỗ lấy phần không hoàn toàn xuất phát từ sự nghèo khó, mà đó là thói quen thể hiện tính cộng đồng trong văn hóa ăn uống của người Việt nói chung và của người dân đồng bằng Bắc Bộ nói riêng.
“Thời xưa, cuộc sống ở làng có tính cộng đồng rất cao. Hễ một nhà có việc là cả làng tham gia, trên tinh thần vui cùng hưởng, buồn cùng chia. Do đó, việc lấy phần có ý nghĩa biểu tượng của việc san sẻ niềm vui” - GS Thịnh nói.
|
GS Ngô Đức Thịnh. Ảnh Internet |
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, đây là một thói quen tốt. Nó có ý nghĩa thắt chặt các mối quan hệ trong gia đình. Đó cũng là lý do vì sao, ngày nay, mặc dù chuyện ăn uống không còn là vấn đề lớn, tuy nhiên, đám cỗ trong gia đình ông, các con, các cháu vẫn giữ thói quen mua sắm nhiều để sau đó chia phần mang về. Thế nhưng, GS Ngô Đức Thịnh vẫn có lưu ý về thói quen này.
Gs Thịnh cho rằng, việc đi ăn cỗ lấy phần là văn hóa đặc trưng của nhiều tỉnh miền Bắc. Ở Miền Nam, không có hiện tượng này. Ở miền Nam, người ta sẽ ăn thoải mái mà không bao giờ lấy phần mang về. Một số tỉnh miền Bắc và cả miền Trung cũng vậy.
Vì thế, việc ăn cỗ lấy phần sẽ là chuyện bình thường, là hình ảnh đẹp nếu như trong đám cỗ ấy, mâm cỗ ấy, mọi người đều xuất thân từ một vùng hoặc cùng có thói quen lấy phần như nhau.
Khi đi đám cỗ ở địa phương khác, họ không có thói quen nhận phần thì chúng ta cần “nhập gia tùy tục”.