Chuyên gia tư vấn sắp xếp nguyện vọng tuyển sinh đại học

GD&TĐ - Theo chia sẻ của các chuyên gia, thí sinh nên đặt nguyện vọng vào ngành mình thích, có sở trường vào vị trí ưu tiên. Đối với các nguyện vọng đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ, kỳ thi riêng…. có thể xếp sau.

Ưu tiên đăng ký nguyện vọng mình thích

Từ 22/7 đến 17h ngày 20/8, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến với số lần không giới hạn.

PGS. TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ảnh Ngô Chuyên.

PGS. TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ảnh Ngô Chuyên.

Theo chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội: “Khi biết kết quả thi THPT, kết quả học bạ, kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy…, các em có thể cân nhắc, xem xét sắp xếp và đăng ký nguyện vọng theo sở thích của mình.

PGS. Điền đặc biệt lưu ý thí sinh các nguyên tắc sắp xếp nguyện vọng như sau: Thứ nhất số lượng nguyện vọng không hạn chế, do đó hãy đặt nguyện vọng của mình yêu thích nhất, ưu tiên theo thứ tự từ trên xuống.

Không nên ưu tiên đưa những ngành chắc chắn đỗ lên nguyện vọng 1 hay 2 bởi nó sẽ làm giảm quyền lợi cho các em. “Hãy ưu tiên những nguyện vọng các em ưa thích, có sở trường và năng lực tốt nhất lên trên”, PGS. Điền nhấn mạnh.

Thứ 2 các em cần căn cứ vào quy chế của các trường, có những trường sẽ đưa ra một số tiêu chí phụ cần lưu ý.

Ví dụ như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ có một số tiêu chí nhất định trong ba năm học THPT khi đăng ký xét tuyển. Do vậy, các em nên lưu ý việc đó để tránh phí hoài cơ hội.

Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần chú ý nếu nguyện vọng phía trên trượt không ảnh hưởng đến các nguyện vọng phía dưới mà chỉ căn cứ vào học lực của các em. Việc này cũng đã nói lên nhiều điều, các em hết sức cân nhắc.

Đồng thời, lúc này các em cũng cần tìm hiểu các kênh tư vấn chuyên sâu từ các chuyên gia, các trường đại học mình dự kiến đăng ký để có thể tìm hiểu về ngành, nghề và đặt nguyện vọng sao cho phù hợp.

Dự báo điểm chuẩn có thể cao hơn năm 2021

Thí sinh nên căn cứ vào sở thích, số điểm, năng lực của bản thân để sắp xếp và đăng ký nguyện vọng. Ảnh minh họa. Ngô Chuyên.

Thí sinh nên căn cứ vào sở thích, số điểm, năng lực của bản thân để sắp xếp và đăng ký nguyện vọng. Ảnh minh họa. Ngô Chuyên.

PGS. TS Hà Văn Huân – Trưởng phòng đạo tạo Trường ĐH Lâm Nghiệp chia sẻ: Thí sinh nên căn cứ vào sở thích, số điểm, năng lực của bản thân để sắp xếp và đăng ký nguyện vọng.

Lý giải điều này, PGS Huân nói: Năng lực của mình vừa phải nhưng đăng ký vào một trường cao thì cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ thấp. Hoặc nếu trúng tuyển sẽ rất vất vả trong quá trình theo học chương trình đào tạo của nhà trường đặt ra. Do đó cần áp dụng cả hai yếu tố năng lực và sở thích để sắp xếp nguyện vọng.

Theo PGS Huân, thí sinh nên đặt nguyện vọng 1 là ngành, trường mình mong muốn. Còn những nguyện vọng đã được tuyển thẳng có thể xếp sau. Đối với những thí sinh trúng tuyển sớm nhưng chưa phải là nguyện vọng vào trường, ngành mình mong muốn nhất thì khi dùng điểm thi THPT để xét tuyển cần cân nhắc thật kỹ để đăng ký, sắp xếp vị trí nguyện vọng sao cho phù hợp với sở thích, năng lực và mong muốn của bản thân. Trong Quy chế tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT ban hành, thí sinh trúng tuyển sớm không bắt buộc phải xác nhận nhập học.

"Năm nay, quy chế tuyển sinh đã được Bộ GD&ĐT thay đổi khá nhiều, như các năm trước thời điểm này các trường trường đã biết trước được số thí sinh đăng ký vào trường, do đó điểm gọi trúng tuyển thấp hơn. Tuy nhiên, năm nay tất cả đều đưa về hệ thống của Bộ GD&ĐT thì điểm chuẩn tôi cảm nhận một số trường sẽ cao hơn" - PGS Huân cho biết.

Năm nay, Bộ GD&ĐT cho thí sinh thời gian đăng ký tương đối dài, đồng thời việc thay đổi nguyện vọng không bị giới hạn, tuy nhiên thí sinh không nên chủ quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ