Mặc dù hầu như tất cả các bậc cha mẹ đều quan tâm đến con và chỉ muốn đem đến điều tốt nhất cho con nhưng cũng không thể phủ nhận rằng thình thoảng họ vẫn mắc sai lầm.
Trong một bài viết mới đây đăng trên trang Fatherly, chuyên gia tâm lý gia đình Mike Leary đã chỉ ra một số lỗi chung của phần lớn các bậc cha mẹ. Một số lỗi trong đó khá nhỏ nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn nếu không được sửa chữa kịp thời. Tuy không có cha mẹ nào hoàn hảo nhưng hẳn là ai cũng muốn chỉ một thay đổi nhỏ của mình sẽ đem lại những điều tích cực cho con.
Dưới đây là 8 sai lầm của cha mẹ khi chăm sóc, nuôi dạy con cái theo góc nhìn của chuyên gia tâm lý Mike Leary.
1. Hay chỉ trích
Nhiều người tin rằng việc xem xét kỹ lưỡng hay nhìn thẳng vào sự thật có thể tạo động lực giúp trẻ làm việc chăm chỉ để đạt tới thành công. Nhưng không phải lúc nào điều này cũng chính xác. Những đứa trẻ không cần thiết phải nhận sự trừng phạt như thế từ phía cha mẹ.
Leary cho rằng: "Những đứa trẻ được nuôi dạy theo cách này sẽ nhìn nhận mọi thứ theo hướng cầu toàn và khi có một lỗi lầm xảy ra, chúng sẽ tự ti về bản thân, xem mình là người vô giá trị, nổi cáu và trong một số trường hợp còn tự làm hại chính mình - tự tử".
2. Không điều chỉnh chế độ ăn uống, hấp thụ của trẻ
Vì nhiều lý do, bố mẹ nên để tâm tới việc trẻ ăn gì và ăn bao nhiêu. Trẻ thường có xu hướng thích ăn một số món hay không ăn một vài thực phẩm và kết quả là sẽ bị thiếu hụt vitamin, chất khoáng so với nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Cha mẹ không nên lơ là điều này nhưng cũng không cần thiết phải lo lắng thái quá.
Chuyên gia tâm lý Leary khuyên cha mẹ hãy thường xuyên hỏi con: "Con ăn no chưa?" để dần dần, bé hiểu được nhu cầu của mình. Khi bé đã nhận thức được rồi, bố mẹ chỉ cần cho con ăn theo nhu cầu của con.
3. Cho con quá nhiều lựa chọn
Trẻ con đơn giản hơn bạn nghĩ. Chúng sẽ rất vui nếu bạn cho chúng một điều gì đó nhưng cho chúng quá nhiều lại là điều không tốt. Theo Leary, "nhiều cha mẹ nghĩ rằng cần cho con tự lựa chọn nhưng trên thực tế, trẻ có thể bị quá tải khi phải chọn lựa quá nhiều".
4. Không giới hạn thời gian con xem tivi, máy tính, điện thoại...
Tác hại của điều này đã khá rõ ràng và hầu như cha mẹ nào cũng nắm được, có thể không biết hết nhưng đủ để hiểu rằng việc cho trẻ xem tivi, máy tính, điện thoại... quá nhiều là không tốt. Trong quá trình làm việc của mình, Leary từng phải điều trị cho những bệnh nhân mà "trong gia đình đó, mẹ và con trai nói chuyện với nhau qua tin nhắn. Họ không có sự kết nối trực tiếp dù ở trong một nhà".
5. Không trả lời các câu hỏi của con
Những đứa trẻ thường tò mò, điều này có nghĩa là bố mẹ phải trả lời rất nhiều câu hỏi của chúng. Việc tương tác này không chỉ giúp mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái thêm khăng khít mà còn khiến đứa trẻ hiểu được rằng bố mẹ coi trọng điều chúng nói. Đây cũng giống như một bài tập tốt cho não bộ và giúp đứa trẻ giảm căng thẳng sau một ngày dài.
"Trẻ sẽ ngủ ngon hơn và cảm thấy được yêu thương khi cha mẹ luôn quan tâm tới những điều diễn ra trong cuộc sống của trẻ", Leary cho biết.
6. Né tránh một số chủ đề "nhạy cảm"
Trong khi nhiều bố mẹ ngại nói chuyện với con về các chủ đề "nhạy cảm" như quan hệ tình dục, trẻ con được sinh ra như thế nào... thì chuyên gia tâm lý Leary lại cho rằng, việc làm này là hoàn toàn sai lầm. Bố mẹ không cần chờ đợi đến khi con trưởng thành mới nói. Leary từng có một bệnh nhân là cô bé 13 tuổi mang bầu. Nguyên nhân chính là do bé thiếu hiểu biết về sex và không biết cách tự bảo vệ mình.
7. Không để con có cơ hội buồn chán
Nhiều cha mẹ mắc phải lỗi này vì họ không biết rằng việc liên tục kích thích hệ thần kinh sẽ ảnh hưởng như thế nào tới trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ. Bố mẹ thường nghĩ rằng khi trẻ nói, con đang buồn chán thì có nghĩa là bố mẹ phải tìm cách giúp con giải trí ngay lập tức. Còn trên thực tế, Leary khuyên cha mẹ hãy để trẻ tự giải quyết vấn đề của mình và chỉ cần nhắc con: "Hãy nói với bố mẹ nếu con cần giúp đỡ".
8. Không đọc sách cho con
Không ít cha mẹ bỏ qua việc đọc sách cho con khi con còn nhỏ. Sai lầm này đã khiến trẻ không được phát triển một số kỹ năng nên có. Việc đọc sách giúp trí tưởng tượng của bé phát triển, tăng khả năng ngôn ngữ và sự sáng tạo.