Và khi người phụ nữ bất lực, họ lo nhất là các con của họ sẽ phải khổ nên họ có ý định đưa con cùng tự tử để thoát khỏi bế tắc”, thạc sĩ Võ Xuân Hòa lý giải.
Thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ mẹ ôm con cùng tự tử như vụ mẹ ôm con 2 tuổi nhảy sông tự tử ở Thanh Hóa, nữ Y tá ở Phú Thọ ôm con nhảy sông, mẹ giết con 4 tháng tuổi rồi tự sát ở Bình Dương, 3 mẹ con chết trong tư thế treo cổ tự tử ở Bình Phước... rất nhiều chuyện đau lòng xảy ra cho thấy hiện tượng tự tử ở phụ nữ có con đang ở mức báo động.
Điều này cũng cho thấy kỹ năng đối mặt, xử lý khủng hoảng tâm lý cũng như phòng tránh tự tử ở người Việt rất thấp.
Thạc sĩ Võ Xuân Hòa, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) đã dành thời gian chia sẻ với VietNamNet về kỹ năng phòng tránh, ngăn chặn những trường hợp mẹ ôm con cùng tự tử. Anh Hòa tốt nghiệp thạc sĩ Công tác xã hội tại Học viện xã hội châu Á (ASI) năm 2005.
Anh Hòa đã có nhiều năm làm nghiên cứu, đào tạo trong chăm sóc sức khỏe tâm thần. Anh cũng đang làm tham vấn cho những người gặp các vấn đề về hôn nhân, gia đình, trầm cảm, lo âu....
Sợ không ai chăm sóc cho con
- Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ mẹ ôm con cùng tự tử khiến dư luận xót xa. Ai cũng biết rằng mẹ là người yêu con nhất trên đời, tại sao những người phụ nữ này lại can tâm tước đi quyền sống của con mình?
Do họ có suy nghĩ sai lầm về sự gắn bó và tình yêu thương. Người mẹ nào cũng gắn bó với các con của mình, họ rất đau khổ, cô đơn và rất khó rời xa các con. Do đó họ muốn các con luôn bên mình trong mọi hoàn cảnh.
Người mẹ là người yêu thương con mình nhất và trong khi nghĩ quẩn họ thường sai lầm khi nghĩ rằng nếu không có mình trên cõi đời thì sẽ không có ai chăm sóc cho con. Và khi người phụ nữ bất lực, họ lo nhất là các con của họ sẽ phải khổ nên họ có ý định đưa con cùng tự tử để thoát khỏi bế tắc.
- Cảm quan cho thấy ở người trưởng thành, phụ nữ tự tử nhiều hơn nam giới?
Đúng, ở người trưởng thành thì tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm và có ý định tự tử cao hơn nam giới. Tỷ lệ phụ nữ tự tử ở tuổi từ 16-26 là cao nhất, khoảng 12% số phụ nữ tự tử.
- Tại sao phụ nữ lại dễ nghĩ quẩn hơn nam giới, thưa anh?
Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (như bị thất nghiệp, nghèo đói, chồng bị nghiện ma túy, bị bệnh hiểm nghèo…), phụ nữ đang nuôi con nhỏ, phụ nữ đang mang thai thường tự ti và dễ bị trầm cảm.
Những nhóm phụ nữ này thường không có nhiều mối quan hệ xã hội. Họ không có người thân, đồng nghiệp hoặc bạn bè để chia sẻ, hỗ trợ nên dễ bị rơi vào khủng hoảng.
Sự bất bình đẳng giới trong xã hội, với lối nghĩ phụ nữ phải nuôi con, phải làm việc gia đình, trong khi phụ nữ vẫn phải đảm nhận các công việc kiếm sống hàng ngày đã làm cho khối lượng công việc của phụ nữ phải đảm nhận nhiều hơn nam giới.
Đặc biệt, trong thời kỳ mang thai, trong thời gian nuôi con nhỏ, phải làm việc quá sức, thức khuya kéo dài dễ làm cho phụ nữ bị trầm cảm và khủng hoảng tâm lý, nếu không được chồng và người thân trong gia đình giúp đỡ thì họ sẽ thấy bất lực và buồn chán….
Sự kỳ thị cũng gây ra áp lực đối với phụ nữ. Phụ nữ thường chịu “ngậm đắng, nuốt cay” và “đóng cửa bảo nhau” để cho gia đình được êm ấm” . Họ sợ nói ra những khó khăn, thất bại sẽ bị chê cười, bị kỳ thị nên các mỗi lo âu, buồn chán cứ thế mà tăng lên.
Tâm lý và sức chịu đựng của phụ nữ cũng khác với nam giới. Nam giới dễ tham gia các hoạt động giao lưu xã hội và tính cách, sức chịu đựng của nam giới cũng cao hơn.
Nghiên cứu chỉ ra rằng để một đứa trẻ hoặc một người phụ nữ phát triển và có cuộc sống bình thường thì họ cần ít nhất một người yêu thương họ. Nếu họ không cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm thì trẻ em và phụ nữ dễ rơi vào buồn chán, dẫn đến những suy nghĩ và hành động tiêu cực.
- Anh có nói rõ hơn về những trạng thái tâm lý, hoàn cảnh dễ khiến phụ nữ xuất hiện ý định tự tử?
Phụ nữ tự tử chủ yếu do hoàn cảnh và cuộc sống khó khăn, bế tắc, áp lực công việc, mâu thuẫn gia đình. Những yếu tố đó làm cho những người có sức chịu đựng yếu bị rối loạn tâm thần và nếu không được phát hiện, cứu chữa kịp thời sẽ dẫn đến các hành vi nguy hiểm cho bản thân.
Trên thế giới, 90% số người tự tử do bị các rối loạn tâm thần. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là gần 70%. Ở Việt Nam chưa có số liệu cụ thể, nhưng đa số người tự tự có biểu hiện các dấu hiệu rối loạn tâm thần, phổ biến như trầm cảm, buồn chán, cảm giác tội lỗi, hoặc do hoang tưởng, ảo giác sai khiến…
Có hơn 300 dạng rối loạn tâm thần khác nhau, rất khó nhận biết ở giai đoạn đầu, nên bệnh tình cứ âm ỉ, kéo dài theo thời gian mà người bệnh và người thân của họ không biết để giúp đỡ, chữa trị. Bệnh có thể diễn tiến theo từng cơn, từng đợt, nếu gặp phải các vấn đề khó khăn, bế tắc mà sức chịu đựng của người bệnh thấp thì họ nghĩ tới hành vi tự tử.
- Có ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn đến các vụ tự tử không dừng lại ở những sự việc nhỏ nhặt mà nó là cả một quá trình người tự tử bị áp lực tâm lý lâu dài. Với người có ý định tự tử thì cái ý định ấy đã được nuôi dưỡng rất là lâu, sau đó thêm 1 sự kiện, nó gọi là các cú hích thì dẫn người ta đến hành vi tự tử. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
Từ những sự việc nhỏ nhặt hoặc xích mích nhỏ ban đầu, nếu không được hóa giải thì nó tích tụ lại và đến một ngưỡng nào đó thì chỉ thêm 1 chút khó khăn, thách thức nữa là vượt quá khả năng chịu đựng của con người.
Đặc biệt là với phụ nữ và thanh thiếu niên. Do vậy, mỗi người hãy quan tâm giải quyết các xích mích, các sự vụ nhỏ nhặt để cuộc sống yên vui hơn, để khi bắt đầu một ngày mới có năng lượng và niềm tin yêu mới.
Đối với những người tự thấy mình đang vướng mắc vào các vấn đề khó khăn, hãy cởi mở, chia sẻ với người thân để cùng tháo gỡ, mọi vấn đề đều có cách giải quyết và ở mọi người đều có điểm tốt và có mong muốn giúp đỡ lẫn nhau.
Những người tự tử thường là người yếu đuối, sức chịu đựng và ứng phó với các cú sốc trong cuộc sống thấp.
Cầu Vạn Hà ở Thanh Hóa, nơi người mẹ trẻ 23 tuổi ôm con trai 2 tuổi nhảy cầu tự tử trong sự ngỡ ngàng của nhiều người vừa xảy ra hôm 19/10 vừa qua.
Chia sẻ để vượt qua bế tắc
- Việc ngăn ngừa tự tử cần bắt đầu từ khâu phát hiện sớm những dấu hiệu của người có ý định tự tử để kịp thời ngăn chặn và cứu giúp. Những dấu hiệu ấy là gì, thưa anh?
Người có ý định tự tử thường không chủ động yêu cầu sự giúp đỡ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không cần sự giúp đỡ. Hầu hết những người có ý định tự tử đều không muốn chết, họ bị rơi vào bế tắc, trầm cảm nặng và chỉ mong muốn được thoát ra khỏi sự bế tắc, đau đớn, trầm cảm đó mà thôi.
Nếu chúng ta quan tâm và đi sâu tìm hiểu thì sẽ thấy những khó khăn, những bế tắc (đang bị thất nghiệp, đang bị nợ nần, đang bị chồng và gia đình xa lánh...) hoặc những lời nói và hành vi của họ đề cập đến cái chết, cực đoan.
Ngoài ra, người có ý định tự tử thường có các biểu hiện sau:
- Nói về tự tử, về cái chết: Người có ý định tự tử thường nói về tự tử, về cái chết hoặc sự trừng phạt bản thân, ví dụ: "thà chết đi cho khuất mắt, chết khỏi khổ; chẳng còn gì quan trọng nữa..."
- Chuẩn bị các phương tiện để tự tử: Họ tìm kiếm, chuẩn bị dao, kiếm, thuốc ngủ, dây hoặc thường lui tới những nơi có thể tự tử như hành lang nhà cao tầng, cầu, sông, hồ...
- Quan tâm tới cái chết: Thể hiện sự quan tâm bất thường về cái chết, như làm thơ, viết nhật ký, tự truyện có đề cập đến cái chết và sự ra đi của mình. Tìm đọc các sách, báo, phim ảnh về cái chết.
- Không còn hy vọng về tương lai: Bày tỏ sự vô vọng, tế tắc, mất niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai. Trong lời nói, thư từ, email, facebook của người có ý định tự tử thường thể hiện sự vô vọng, không thiết sống.
- Căm ghét, đày đọa bản thân: Có cảm giác tội lỗi, xấu hổ, vô giá trị hoặc chán ghét bản thân. Họ thường nói về tội lỗi hoặc gánh nặng của bản thân mình đối với những người xung quanh. Ví dụ: “không có tôi thì anh sẽ sướng hơn…”.
- Sắp xếp tư trang, và các việc riêng: Sắp xếp lại tư trang, cho đi các đồ vật có giá trị hoặc liên lạc với các thành viên gia đình và bạn bè, như nhờ ai đó giúp gửi lời nhắn tới gia đình, tới người thân…
- Nói lời tạm biệt: Có thể bất ngờ tới thăm hoặc gọi điện cho người thân và bạn bè và nói những lời vĩnh biệt hoặc nhắn gửi, ám chỉ sự chia tay, như “nếu không còn gặp lại thì...”.
- Rút lui khỏi người thân, bạn bè: Trong thời gian trầm cảm, bế tắc, người có ý định tự tử thường sống khép mình, tự cô lập mình với người thân, bạn bè.
- Có hành vi khác thường: Từ ăn, ngủ thất thường, có các xích mích, xung đột với mọi người xung quanh; sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích nhiều hơn bình thường; có lối sống buông thả và coi thường rủi ro như: phóng xe trên đường, không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, không sợ chết;…
- Đột ngột thay đổi tâm tính: Có thể thay đổi tâm tính từ lo âu, trầm cảm sang điềm tĩnh, vui vẻ, thoải mái. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy người này đã có giải pháp vượt qua bế tắc, nhưng đa số là họ thay đổi tâm tính vì đã đưa ra quyết định tự tử rồi. Họ bình thản chờ cơ hội để thực hiện. Vì vậy, cần phải theo dõi, hỗ trợ để ngăn ngừa họ thực hiện ý định tự tử.
- Khi phát hiện ra những dấu hiệu này thì người thân nên làm gì, thưa anh?
Người phát hiện ra nên chia sẻ thông tin đó với những người có liên quan để cùng hỗ trợ: Chồng con, bố mẹ, anh chị em, họ hàng, các bạn bè, cơ quan nơi làm việc, cán bộ lao động xã hội, cán bộ hội phụ nữ.
Đặc biệt, nếu tình trạng tinh thần không được cải thiện thì cần đưa họ tới gặp các chuyên gia tư tham vấn tâm lý - xã hội (qua các đường dây tham vấn hoặc tới các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần).
Tốt nhất là giúp họ tìm ra nguyên nhân gây ra sự căng thẳng, trầm cảm; và giúp họ giải tỏa, tránh xa các yếu tố gây căng thẳng bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện cho họ tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động thể dục thể thao, học thiền…
Trong cuộc sống hàng ngày, những thành viên trong gia đình, họ hàng, cơ quan cần quan tâm tới nhau, động viên và hỗ trợ nhau vượt qua những vấn đề khó khăn, xích mích nhỏ để tạo niềm tin, tình yêu cuộc sống ở mỗi thành viên.
Cuộc sống hiện đại, con người bị cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền, và đôi khi cũng bị cuốn theo những thứ hình thức bề ngoài như nhà lầu, xe hơi, điện thoại, trang sức, nước hoa… tạo cho chúng ta thêm nhiều áp lực.
Bố mẹ, gia đình, giáo viên và các nhân viên CTXH cần truyền thông để thanh thiếu niên và những người yếu thế biết được sự khác nhau giữa hạnh phúc và thành đạt.
Chúng ta có thể tìm thấy niềm vui, hạnh phúc ở trong mọi hoàn cảnh, không cần phải có nhà lầu, xe hơi, điện thoại, nước hoa,… mới có hạnh phúc. Sự thành đạt trong công việc, sự giàu cũng chưa phải là hạnh phúc.
- Để giúp đỡ những người có ý định tự tử vượt qua bế tắc, chỉ cần sự sẻ chia hay còn cần kỹ năng đặc biệt nào khác?
Nếu bạn biết một ai đó đang có ý định tự tử, xin bạn đừng ngần ngại đưa chủ đề tự tử ra nói chuyện một cách cởi mở với họ và giúp họ vượt qua bế tắc, lấy lại cần bằng cuộc sống.
Hãy nói một cách chân thành cho họ hiểu bạn rất quan tâm tới họ và họ không cô đơn.
Lắng nghe họ và khuyến khích họ nói ra, trút bỏ những nỗi đau, sự giận dữ. Hãy điềm tĩnh, chấp thuận những lời họ nói mà không phán xét, không tranh luận đúng sai về những gì họ đang nói.
Tạo niềm tin, hy vọng cho họ để họ nhận ra rằng căng thẳng, trầm cảm chỉ là tạm thời, xung quanh họ còn nhiều sự giúp đỡ, còn nhiều người thân, nhiều việc quan trọng với họ, và cuộc sống của họ rất có ý nghĩa.
Tìm sự giúp đỡ, hỗ trợ từ gia đình, bạn bè của họ; liên lạc với các chuyên gia tâm lý, nhân viên CTXH, nhân viên y tế để họ có các biện pháp trị liệu phù hợp.
Hãy chủ động và tự tin vào khả năng giúp đỡ, cứu chữa của bạn sẽ ngăn chặn được tự tử, chủ động gọi điện hoặc tới thăm người có ý định tự tử để giúp đỡ họ.
Khuyến khích họ thay đổi lối sống lành mạnh, lạc quan, như lôi kéo họ vào các hoạt động thể dục thể thao, ăn, ngủ điều độ, không sử dụng các chất kích thích.
Cung cấp cho họ những thông tin, địa chỉ cần thiết để khi gặp khó khăn bế tắc họ có thể liên lạc tìm kiếm sự giúp đỡ.
Di chuyển họ tránh xa những đồ vật có thể giúp tự tử như dao, kéo, nhà cao tầng, thuốc ngủ…
Tiếp tục theo dõi, giúp đỡ họ kể cả khi họ nói không còn ý nghĩ tự tử nữa. Họ rất cần sự gần gũi, giúp đỡ của mọi người xung quanh để cần bằng cuộc sống.
Theo tổ chức WHO, trên thế giới trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 người chết vì tự tử, mỗi năm có hơn 1 triệu người chết vì tự tử. Và cứ khoảng 20 người có ý định tự tử thì có một người chết vì tự tử. 19/20 người có ý định tự tử được phát hiện và cứu chữa kịp thời nên thoát chết.