Chuyên gia nói gì về khả năng tiếp tục giãn cách hay không của Hà Nội sau ngày 6/9?

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, với tình tình dịch bệnh như hiện nay, Hà Nội cần đánh giá các yếu tố kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định nếu tiếp tục giãn cách thì sẽ theo nguyên tắc nào, nới lỏng thì sẽ nới lỏng ra sao.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ổ dịch đường Lê Trọng Tấn là ổ dịch mới nhất ở Hà Nội

Tính từ ngày 29/4 đến sáng nay 31/8, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 3298 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1547 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1751 ca.

Trong thời gian qua, Hà Nội đã ghi nhận một số ổ dịch có diễn biến tương đối phức tạp.

Đáng chú ý, ổ dịch Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) từ ngày 23/8 tới sáng nay 31/8, trong 30 ca Covid-19 vừa phát hiện ở Hà Nội, có 23 ca ở phường Thanh Xuân Trung, nâng số ca nhiễm ở khu vực nóng nhất Hà Nội lên 371 ca bệnh.

Ổ dịch ở Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân (Hà Nội), bùng phát với hàng trăm ca bệnh khiến nhiều người lo lắng về tình trạng dịch bệnh Covid-19 xảy ra tại Hà Nội.

Đáng nói, nhiều người dân chưa nhận thức đúng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, thiếu sự hợp tác với chính quyền trong công tác phòng chống dịch. Dù đang trong thời gian thực hiện Chỉ thị 17 của thành phố nhưng tại Thanh Xuân Trung còn có hiện tượng chặt ngoài lỏng trong.

Hàng loạt các ca F0 đang ngồi chờ xe đón đi cách ly tập trung tại ngõ 328 Nguyễn Trãi (Hà Nội). Ảnh: Báo Tin tức.
Hàng loạt các ca F0 đang ngồi chờ xe đón đi cách ly tập trung tại ngõ 328 Nguyễn Trãi (Hà Nội). Ảnh: Báo Tin tức.

Một số ổ dịch khác tại Hà Nội cũng được Sở Y tế Hà Nội thống kê trong đợt dịch thứ 4 là Văn Miếu (từ 30/7) Văn Chương (từ 17/7), chung cư HH4C Linh Đàm (từ 8/8), ngõ 24 Kim Đồng (từ 24/8). Mới nhất, ổ dịch tại chợ Ngọc Hà được phát hiện từ ngày 28/8.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội thông tin, ổ dịch đường Lê Trọng Tấn là ổ dịch mới nhất ở Hà Nội. 

Ổ dịch này được phát hiện từ khi chị N.T.H (40 tuổi), chủ cửa hàng tự chọn D&H ở số 218 Lê Trọng Tấn, nhận kết quả dương tính.

CDC Hà Nội lưu ý, người dân cần phối hợp khai báo trung thực ngay khi có các triệu chứng nhiễm bệnh. Nếu khai báo muộn, khó có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm.

Các biểu hiện triệu chứng nhiễm bệnh cần được khai báo sớm như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác...

Những người có triệu chứng này cần liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí. Hoặc người dân liên hệ theo hotline: 0969 082 115; 0949 396 115 để được tư vấn.

Ngoài ra, những người không có các biểu hiện triệu chứng nêu trên nhưng có hoạt động hay đặc thù công việc phải đi lại, tiếp xúc nhiều cũng phải thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện đúng khuyến cáo 5K.

Chị H được Sở Y tế Hà Nội công bố nhiễm Covid-19 vào sáng 30/8. Cùng thời điểm, Sở cũng công bố chị P.L.C (25 tuổi, cùng ở phố Lê Trọng Tấn, nhà cách cửa hàng D&H 50m) là người mua hàng, có tiếp xúc chị H. Theo khai báo dịch tễ, chị P.L.C có biểu hiện triệu chứng nhẹ (có cảm giác cảm cúm, ho nhẹ) từ ngày 25/8 nhưng đến 28/8, khi các triệu chứng rõ rệt hơn, chị mới khai báo cho ban quản lý toà nhà và Trạm Y tế.

Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm rất lớn tại cửa hàng bách hoá D&H số 218 Lê Trọng Tấn

Thông tin trên báo chí, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn phức tạp, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, đặc biệt là việc hình thành các chùm ca bệnh, các ổ dịch trên địa bàn.

Hiện nay, khu vực ổ dịch trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung mới trải qua gần 10 ngày, và ít nhất phải sau 14 ngày mới có thể ổn định được tình hình.

Theo ông Tuấn, hiện nay, một số khu vực "ổ dịch" trên địa bàn thành phố đã giảm mức độ nguy hiểm như khu Văn Chương, Văn Miếu (quận Đống Đa).

Tuy nhiên, một số khu vực như chùm ca bệnh ở Lê Trọng Tấn (Khương Mai, Thanh Xuân) lại tiềm ẩn yếu tố phức tạp.

Theo thông báo từ Sở Y tế Hà Nội, liên quan đến bệnh nhân N.T.H (sinh năm 1981), chủ cửa hàng bách hóa D&H ở số 218 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, tính đến trưa 31/8, liên quan đến địa chỉ này đã có 7 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, gồm: Bệnh nhân H, chồng và con của bệnh nhân; 1 nhân viên tại cửa hàng tạp hóa, 3 trường hợp mua hàng gồm hai mẹ con ở Lê Trọng Tấn và 1 người ở Định Công (Hoàng Mai).

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cảnh báo nguy cơ lây nhiễm rất lớn tại cửa hàng bách hoá D&H trên. CDC Hà Nội nhận định, bệnh nhân H bán hàng thực phẩm thiết yếu, nên tại đây có rất đông người đến mua hàng. Thêm vào đó, cửa hàng này không có lắp đặt lớp kính chắn giọt bắn giữa người mua hàng và người thanh toán. Khi thanh toán có rất đông người và thủ tục thanh toán lâu, không có sự giãn cách tối thiểu 2m. Thậm chí, khi có triệu chứng bệnh, bệnh nhân H vẫn bán hàng, vì vậy, khả năng lây lan cho người đến mua hàng là rất cao.

Cơ quan chức năng phong toả cửa hàng tự chọn D&H ở 218 Lê Trọng Tấn. Ảnh: V.Thu.
Cơ quan chức năng phong toả cửa hàng tự chọn D&H ở 218 Lê Trọng Tấn. Ảnh: V.Thu.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh, người dân cần phải phối hợp, khai báo kịp thời với cơ quan chức năng khi có bất cứ biểu hiện bất thường với sức khỏe. Thời gian qua, nhiều ca dương tính được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt trong cộng đồng, nhưng chỉ khi triệu chứng nặng hơn, phải đến cơ sở y tế lấy mẫu xét nghiệm thì họ mới chịu khai báo.

Hà Nội có lẽ phải duy trì giãn cách xã hội thêm ít nhất là 7 ngày, hoặc cũng có thể dài hơn

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn khá căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Nếu không bóc tách triệt để được các F0 ở cộng đồng thì rất nguy hiểm. Việc thực hiện giãn cách xã hội, cách ly giữa người với người phải được thực hiện nghiêm túc.

Theo ông Tuấn, Hà Nội có lẽ phải duy trì giãn cách xã hội thêm ít nhất là 7 ngày, hoặc cũng có thể dài hơn để đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Bây giờ nếu không giãn cách nữa thì không thể phòng, chống dịch bệnh. Tất nhiên, việc này Thành ủy và UBND thành phố sẽ quyết định, xem xét dựa trên cả yếu tố phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, kết quả 15 ngày đầu giãn cách có ý nghĩa quan trọng, nhưng 15 ngày tiếp theo có ý nghĩa quan trọng, quyết định hơn.
Nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và toàn thể người dân Thủ đô lúc này là chấp hành nguyên tắc cách ly thực chất, hiệu quả, “ai ở đâu ở yên đấy”.

Đánh giá về các ổ dịch trên địa bàn Hà Nội, thông tin trên báo chí, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, nhận định việc các ổ dịch trên liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 phần nào thể hiện sự tuân thủ 5K bên trong khu vực đó chưa tốt. Lúc này, vai trò của chính quyền cơ sở là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có những sự thay đổi nhất định trong vấn đề tiêm chủng và quá trình cách ly, điều trị.

Theo PGS Hùng thì nếu đẩy nhanh được tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tương tự TP Hồ Chí Minh, Hà Nội sẽ có cơ hội chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vắc xin còn hạn chế, thành phố cần tập trung tiêm chủng cho nhóm người cao tuổi, mắc bệnh nền.

Trước đó, đánh giá về những biện pháp Hà Nội đang áp dụng phòng chống dịch Covid-19, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Hà Nội không để dịch bùng lên là rất thành công. Điều đó thể hiện nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Gần 50 “vùng xanh” đã được thiết lập tại phường Mai Động và Đại Kim (quận Hoàng Mai). Ảnh: thanglong.chinhphu.vn.
Gần 50 “vùng xanh” đã được thiết lập tại phường Mai Động và Đại Kim (quận Hoàng Mai). Ảnh: thanglong.chinhphu.vn.

"Ngay lập tức không thể đưa số ca bệnh trở về 0 nhưng thành phố đã hạn chế, cắt đứt được nguồn lây. Bên cạnh đó, Hà Nội đã khẩn trương triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng có chỉ định, để sàng lọc, qua đó phát hiện một số ca F0. Đặc biệt, qua xét nghiệm rộng, sớm các trường hợp sốt, thành phố đã phát hiện nhiều vùng nguy cơ ở các địa phương. Đây là cách làm hiệu quả của Hà Nội và cho thấy năng lực tốt của y tế cơ sở", PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá.

Cùng với kiểm soát chặt chẽ người ra đường tại chốt kiểm dịch trên các tuyến đường, Hà Nội đã và đang triển khai hiệu quả các “vùng xanh”, trong đó phát huy được vai trò của tự quản, giám sát được người ra vào từng ngõ, ngách.

Thông tin thêm trên báo chí, ông Phu cho rằng việc có tiếp tục giãn cách xã hội ở Hà Nội hay không phải đánh giá trên nhiều nguy cơ và xét trên nhiều bình diện chứ không phải nhìn vào số ca bệnh. Ví dụ, các ca bệnh ở Thanh Xuân Trung thì cũng chỉ nằm ở trong một khu vực nhỏ, chứ không phải ở khắp thành phố.

Hà Nội cần đánh giá các yếu tố như số ca bệnh, tính chất phức tạp của các ổ dịch, sự đáp ứng của thành phố trước tình hình dịch bệnh, kể cả các yếu tố bên trong và ngoài thành phố. Mọi biện pháp cần phải đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.