Khánh thành Bệnh viện Điều trị Covid-19 quy mô 500 giường tại Hà Nội

GD&TĐ - Sau hơn một tháng “thần tốc” xây dựng, bệnh viện dã chiến tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đã dần hoàn thiện để đưa vào sử dụng, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy kịch.

Ảnh: Vietnam+.
Ảnh: Vietnam+.

Chiều 31/8, Bộ Y tế đã tổ chức khánh thành Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 với quy mô 500 giường tại quận Hoàng Mai, Hà Nội (trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).

Bệnh viện với vai trò là một trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, sẽ là nơi tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch và chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị người bệnh Covid-19 cho các cơ sở y tế trong khu vực.

Bắt đầu được khởi công xây dựng từ ngày 24/7, Bệnh viện dã chiến tại quận Hoàng Mai quy mô 3,5ha do Bệnh viện Đại học Y làm chủ đầu tư. Nơi đây sẽ được dùng để điều trị những bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch.

Bệnh viện được chia thành 3 khu: Ngôi nhà màu xanh là khu hành chính của bệnh viện, bảo đảm không nhiễm khuẩn; nhà màu vàng là khu dinh dưỡng - nghỉ ngơi - xét nghiệm, test định kỳ - kho vật tư thiết bị y tế; nhà màu đỏ dành cho bệnh nhân nặng điều trị ICU (hồi sức tích cực). Ngoài ra, còn có khu đệm gồm 69 nhà tắm khử khuẩn với nhiều không gian xanh.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 hiện tiếp tục gia tăng nhanh chóng trên thế giới và trong khu vực. Trong nước, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân, từ ngày 19/7 đến nay, đã ghi nhận hơn 400.000 ca mắc Covid-19.

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Y tế đã có những biện pháp quyết liệt triển khai trên mọi mặt trận, từ phòng bệnh, xét nghiệm phát hiện đến các biện pháp cách ly, điều trị kịp thời, phù hợp.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3616/QĐ-BYT ngày 29/7/2021 để thiết lập 12 Trung tâm hồi sức tích cực trên toàn quốc. “Mục tiêu thành lập những trung tâm này là nâng cao năng lực điều trị Covid-19, nhất là các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch, giảm tối đa số ca tử vong”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, trong một tháng qua, các bệnh viện tuyến trung ương cùng lực lượng tinh nhuệ và trang thiết bị hiện đại, đồng bộ đã đưa vào hoạt động 6 trung tâm hồi sức tích cực có quy mô lớn tại thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm hồi sức tích cực khác tại các điểm nóng: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, các trung tâm hồi sức đều đã có những tín hiệu tích cực khi hàng nghìn bệnh nhân đã hồi phục và chuyển nhẹ. Các đơn vị này đang tiếp tục chuẩn bị phương án mở rộng công suất giường trong trường hợp cần thiết, đồng thời, giúp đỡ các bệnh viện ở tầng dưới đào tạo và thực hành điều trị để hạn chế số ca trở nặng, giảm áp lực cho tuyến trên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, ngoài việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện cho bệnh viện dã chiến này, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ở cơ sở chính (phố Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa) cũng cần cung cấp đầy đủ dịch vụ y tế toàn diện, bình đẳng, nhanh chóng, nghĩa là không chỉ tập trung cho bệnh nhân Covid-19 mà cần bảo đảm khám, chữa các bệnh thông thường khác.

Tại buổi lễ, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ: "Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là không có người bệnh nặng nào phải vào điều trị. Tuy nhiên, nếu có bệnh nhân, chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực chăm sóc người bệnh, đặt mục tiêu sức khỏe người bệnh là quan trọng nhất”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.