Chuyên gia đồng tình
Nhiều chuyên gia đồng tình với đề xuất của Bộ Y tế về F1 đã tiêm ít nhất 2 liều vắc xin Covid-19 chỉ cần theo dõi sức khỏe 10 ngày, có thể làm trực tiếp.
Để kiểm soát dịch bệnh trong quá trình các F1 đi làm, Trên báo Người lao động, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng các trường hợp này cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K. Cùng với đó, không tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai).
PGS Trần Đắc Phu cho hay, điều này cũng được Bộ Y tế lưu ý trong đề xuất. Đó là khi làm việc trong môi trường văn phòng, hay công xưởng, nhà máy, xí nghiệp các trường hợp F1 cũng phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn và giữ khoảng cách với các đồng nghiệp để giảm nguy cơ lây bệnh nếu trong trường hợp người đó đang trong giai đoạn ủ bệnh.
F1 tiêm đủ vắc xin chỉ cách ly 5 ngày, xét nghiệm 1 lần
Bộ Y tế đã có công văn mới về cách ly y tế đối với F1 và F0. Theo đó F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin sẽ cách ly tại nhà 5 ngày, còn F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm sẽ cách ly 7 ngày.
Theo PGS Trần Đắc Phu, hiện cơ bản người dân đã được tiêm ít nhất 2 liều vắc xin và các địa phương cũng đang tiêm mũi nhắc lại và mũi bổ sung. Như vậy, các trường hợp F1 đã tiêm ít nhất 2 liều vắc xin thì nên cho phép đi làm trực tiếp.
Với cơ quan, xí nghiệp có nhiều F1 đi làm, nếu có điều kiện thì có thể phân chia khu vực làm việc cho các trường hợp này để hạn chế tiếp xúc với các trường hợp khác.
Còn trường hợp làm việc trong không gian hẹp cần mở cửa thông thoáng và hạn chế tiếp xúc gần. Khi các F1 có dấu hiệu của bệnh thì cần thông báo cho cơ quan, đơn vị để tạm cách ly, sau đó thực hiện xét nghiệm.
PGS Trần Đắc Phu cho biết với tốc độ bùng phát như hiện nay, chủng Omicron sẽ dần thay thế biến thể Delta. Triệu chứng của Omicron nhẹ hơn, nên việc thay thế biến thể Delta sẽ tốt hơn. Nhưng như vậy không có nghĩa để cho lây nhiễm tràn lan không kiểm soát, mà chúng ta phải cảnh giác không để dịch bùng phát quá cao, lúc đó sẽ gây ra quá tải hệ thống y tế, ca bệnh nặng sẽ nhiều và nguy cơ tử vong sẽ cao.
PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng đa số người nhiễm không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ.
Việc ngăn cản biến thể Omicron lây lan rất khó khăn nhưng chúng ta phải hạn chế tốc độ để cho việc lây nhiễm chậm lại, chấp nhận số ca nhiễm ở mức độ nhất định để không khiến dịch bùng phát quá mạnh. Tức là chúng ta chấp nhận việc lây nhiễm chậm trong cộng đồng, lây càng nhiều thì miễn dịch cộng đồng càng nhanh nhưng phải hạn chế tốc độ lây để không quá tải hệ thống y tế và phải kiểm soát ở mức độ nhất định.
Theo Luật truyền nhiễm, F0 cần phải cách ly
Hiện nay, Covid-19 vẫn thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A, do vậy theo Luật truyền nhiễm, người mắc bệnh cần phải cách ly. Ngoài quy định của Luật, thì việc không cách ly sẽ làm dịch Covid-19 lây lan rất nhanh.
Số ca nhiễm tăng nhanh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập, du lịch và y tế; tác động xấu lên sức khỏe người già và trẻ em; tạo cơ hội phát sinh các biến chủng mới.
Trong khi đó, do miễn dịch có được do nhiễm bệnh sẽ giảm dần, người mắc rồi vẫn có thể mắc lại nên lợi ích do miễn dịch từ nhiễm bệnh không đáng kể.
Thông tin trên Báo Giao thông, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, ĐH Y dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc cho F0 đi làm để có thêm lực lượng lao động là giải pháp gây nguy hiểm về mặt dịch tễ và còn làm tổn thương nền kinh tế nhiều hơn. Như vậy, làm cách nào để duy trì được lực lượng?
Đó là thực hiện tốt việc cách ly F0 (dù F0 có phải là người lao động hay không) để giảm số ca mắc mới; cho phép F1 được đi làm.
Theo tôi, trước đây quy định cách ly F1 được đặt ra khi Việt Nam vẫn phải truy vết các ca nghi nhiễm. Tuy nhiên, khi thay đổi tư duy sang thích ứng, việc cách ly F1 không hiệu quả và ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất lao động của xã hội.
Đặc biệt, hiện nay tỉ lệ tiêm chủng đạt gần như 100% đối với người trên 18 tuổi, vì vậy khả năng lây nhiễm của F1 cũng rất thấp, tỉ lệ chuyển biến nặng và tử vong cũng thấp. Đối với lực lượng lao động trẻ tuổi, đã được tiêm đầy đủ vaccine, sẽ ít khả năng bị lây nhiễm và cũng ít lây cho người khác hơn.
Trong khi đó, việc khuyến khích hay cho phép F0 đi làm là chưa hợp lý. Bởi chưa nói đến việc kiểm soát F0 đi làm chỉ chủ yếu dựa vào ý thức cá nhân mà việc khuyến khích này dễ bị lạm dụng.
Người lao động muốn đi làm để có thu nhập, hoặc cơ quan “cố tình” khuyến khích F0 đi làm…. như vậy sự lây lan trong cộng đồng càng lớn, càng gây tổn hại sức lao động, ảnh hưởng kinh tế xã hội.
Theo PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, việc đặt bài toán “nới lỏng để F0 đi làm” bù thiếu hụt nhân sự chưa thật sự phù hợp, bởi nếu không lây lan thì không thiếu hụt nhân lực. Việc nới lỏng F0 để Covid-19 lây lan càng làm cho vấn đề thiếu hụt càng khó giải quyết. “Sống chung và thích ứng an toàn với dịch Covid-19” không đồng nghĩa với việc làm tùy tiện.
Việc tùy tiện thay đổi quy định của Luật không chỉ gây tác hại như nói ở trên mà còn tạo tiền lệ ảnh hưởng xấu đến tinh thần thượng tôn pháp luật.
Cho phép F0 không triệu chứng đi làm với điều kiện phải tuân thủ đúng quy định
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết trên VOV rằng, để có thể coi Covid là bệnh đặc hữu trong thời điểm này vẫn còn quá sớm. Tuy nhiên hiện nay dịch Covid-19 đang lan rộng trong cộng đồng, nhiều người đã nhiễm, có những gia đình, tất cả các thành viên đã bị nhiễm bệnh.
Nhiều doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể cũng vậy. Hiện nay chúng ta đã tiêm phòng Covid-19 gần như đầy đủ, nếu vẫn thực hiện việc cấm F0 không được ra khỏi nhà thì cũng khó khả thi vì trên thực tế có nhiều F0 không triệu chứng vẫn đi lại ngoài đường, vẫn đi làm.
Trong đề xuất của Bộ Y tế xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 có quy định, trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh Covid-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến.
Hiện nay Long An và Cà Mau là hai tỉnh đầu tiên thực hiện cho F0 không triệu chứng và F1 đi làm, ý kiến này đưa ra đã nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp, một số địa phương khác cũng bắt đầu thực hiện. Thành phố Hồ Chí Minh cũng xem xét đến việc cho F0 đi làm.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, việc cho phép F0 không triệu chứng đi làm với điều kiện phải tuân thủ đúng quy định cũng là điểm hợp lý. Thực tế có rất nhiều F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng không đáng kể vẫn đi làm bình thường, nếu chúng ta biết họ là F0 và có các biện pháp phòng chống dịch tốt vẫn hơn là có nhiều F0 không triệu chứng, vì muốn đi làm mà không chịu khai báo trung thực.
Nếu không đi làm thì sẽ không có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, vì vậy nhiều người dù biết mình là F0 nhưng vẫn cố tình đi làm. Lúc đó các cơ quan, doanh nghiệp cũng không biết để mà có biện pháp phòng tránh. Nếu không cho họ đi làm sẽ khiến họ giảm thu nhập mà doanh nghiệp cũng bị mất nhân lực, có khi gián đoạn một số khâu ảnh hưởng đến năng suất.
Nhiều cơ sở y tế, lực lượng y bác sĩ đều bị nhiễm bệnh, thiếu nguồn nhân lực thì ai có thể làm thay? Trạm y tế xã không có người làm việc, bệnh viện cũng thiếu vắng cán bộ y bác sĩ như vậy cũng sẽ gây ra những bất cập. Đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh rất nhiều khu công nghiệp, hiện đang trên đà phục hồi kinh tế, đơn đặt hàng nhiều, khát lao động, nếu không cho F0 không triệu chứng đi làm thì đơn sẽ bị đình trệ.