Những ngày qua, vụ việc bé gái 2 tuổi trú tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm (Hà Nội) bị bảo mẫu của gia đình tên Giáp Thị Huyền Trang, 27 tuổi (quê huyện Tân Yên, Bắc Giang) bắt cóc, tống tiền rồi nhẫn tâm sát hại đã gây bức xúc dư luận.
Tâm lý của kẻ phạm tội
Dưới góc độ chuyên gia, TS - Thượng tá Đào Trung Hiếu nhận định, nữ nghi can do túng quẫn hoặc khó khăn nào đó nên cần tiền để giải quyết công việc như trả nợ, mua ma túy, chơi cờ bạc… Quyết định bắt cóc cháu bé đòi tiền chuộc có thể là bột phát, nhất thời manh động, vì nếu có dự mưu từ trước, đối tượng đã chuẩn bị sẵn phương án giam nhốt nạn nhân.
Chính vì không có sự chuẩn bị từ trước, nên khi đưa cháu bé đi trên đường, đối tượng có một quỹ thời gian đủ dài để đánh giá, tự ý thức về việc làm của mình. Đối tượng có đủ khả năng nhận thức được về hành vi của mình đã phạm trọng tội, nếu bị phát hiện, bắt giữ sẽ phải gánh chịu hình phạt nghiêm khắc. Bởi vậy, việc đưa cháu bé trong tình trạng khóc lóc là quá nguy hiểm vì gây sự chú ý của người đi đường.
Mặt khác, đối tượng cũng đánh giá được phản ứng của gia đình bị mất con là sẽ trình báo Công an. Cảm giác lo sợ, bất an, không dám đối đầu với sự thật đã kích hoạt bản năng tự vệ của động vật trong thị, đó là làm tất cả những gì có thể để triệt tiêu khả năng bị bắt. Trong đó có một cách dễ nhất là thoát ly “vật chứng”, ở đây là cháu bé bị bắt cóc để xóa bỏ sự dính líu.
Hiện trường nơi phát hiện thi thể bé gái bị bắt cóc và sát hại tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên. |
Tuy nhiên, thay vì đưa cháu bé đến một vị trí an toàn rồi để đấy, đối tượng đã chọn cách hành xử man rợ là dìm chết cháu bé vô tội ấy. Điều này có thể xuất phát từ tâm lý hoảng loạn, không còn minh mẫn, tỉnh táo để kiểm soát hành vi của hung thủ, không nghĩ ra được cách xử sự tốt hơn.
Bước trượt tâm lý có thể nhìn thấy rất rõ, đó là đã lỡ làm cái này thì phải làm cái kia. Giống tâm lý chung của những kẻ giết người, diệt khẩu trong các thảm án đã xảy ra tại Việt Nam thời gian qua. Việc giết hại cháu bé còn có thể chứa đựng suy nghĩ nếu để cháu sống thì hành vi phạm tội sẽ bị tố giác. Sau khi sát hại cháu bé, mong muốn chiếm đoạt tiền vẫn còn trong tâm lý, nên đối tượng đã gọi điện cho người thân của nạn nhân đòi tiền chuộc.
Tính chất manh động
Vụ này cùng tính chất, diễn biến với vụ tên Nguyễn Trọng Thọ (SN 1980, trú tại xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã bắt cóc, sát hại cháu Trần Thành Công (SN 1996, học sinh lớp 7A, trường THCS Yên Viên) vào ngày 9/1/2008.
TS - Thượng tá Đào Trung Hiếu thường xuyên tham gia tuyên truyền các kiến thức về pháp luật cho học sinh tại Hà Nội. |
Sau khi giết cháu Công bằng cách vùi xác xuống sông Đuống, Thọ đã lấy điện thoại của nạn nhân gọi cho bố cháu đòi số tiền chuộc là 350 triệu đồng. Với hi vọng bố mẹ nạn nhân vì thương con, sẽ chấp nhận yêu sách của mình nên các đối tượng tiếp tục lừa họ, thể hiện tận cùng của sự man rợ, vô nhân tính, không có khả năng cải tạo.
Hiện nay đang lan truyền lời đồn đại rằng, vì cơ quan chức năng khóa tài khoản của đối tượng, do hung thủ không chi tiêu được số tiền 350 triệu gia đình nạn nhân đã chuyển dẫn đến sự tức tối mà ra tay sát hại nạn nhân. Đây là một sự bịa đặt ác ý, với mục tiêu hướng lái dư luận vào chỗ phê phán sai lầm trong thao tác nghiệp vụ của lực lượng phá án.
"Trên thực tế sau khi giết nạn nhân hung thủ mới gọi điện đòi tiền chuộc. Căn cứ thời điểm nhân chứng nhìn thấy hung thủ ướt quần áo và thời điểm thị gọi điện tống tiền gia đình nạn nhân, có thể xác định tình tiết này. Hơn nữa, tôi tin lực lượng phá án sẽ không làm gì để kích động đối tượng vì mục tiêu hàng đầu là giải cứu nạn nhân an toàn" - TS Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Theo công bố từ cơ quan chức năng tối 22/9, tử thi phát hiện trên sông Đuống chính là Giáp Thị Huyền Trang. Quá trình trốn chạy, hung thủ biết rõ lực lượng chức năng đang ráo riết truy lùng, dẫu có cánh cũng không thể thoát, cùng với quá trình tự ý thức, biết mình đã phạm tội tày đình, cùng với đó là tình trạng bế tắc trong cuộc sống như đang ngập trong nợ nần. Cũng có thể phần lương tri còn sót lại lên tiếng, khiến chính thị cũng không thể chấp nhận được mình, dẫn đến quyết định tự sát, như một cách trốn tránh, chối bỏ trách nhiệm trước pháp luật.