Chuyên gia Nga dự đoán tích cực về vai trò dự trữ của đồng USD

GD&TĐ - Nhà kinh tế học Nga nghi ngờ về dự đoán cho rằng đồng USD sẽ không còn được sử dụng trong 5-6 năm nữa với vai trò dự trữ.

(Ảnh: Global Look Press)
(Ảnh: Global Look Press)

Đồng USD đã mất vị thế trong một thời gian dài và dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng vẫn chưa thể nói một cách dứt khoát rằng nó sẽ hoàn toàn không còn được sử dụng để dự trữ trong 5-7 năm nữa - theo nhà kinh tế học, giám đốc Viện Xã hội Mới Vasily Koltashov (Nga).

Ngày 23/4, nói với hãng tin Izvestia, ông Vasily Koltashov cho biết việc khẳng định đồng USD có rời khỏi vị trí tiền tệ dự trữ trong 5-7 năm tới hay không là điều không dễ dàng.

Điều này sẽ phụ thuộc vào các vấn đề như hoạt động quân sự ở Ukraine sẽ phát triển thế nào, tình hình xung quanh Đài Loan (Trung Quốc) sẽ ra sao…

Theo lưu ý của ông Koltashov, đồng USD đang mất dần vị thế trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, Mỹ ngăn chặn sự sụp đổ của đồng USD một cách tốt nhất có thể. Đặc biệt, tỷ lệ dự trữ đã được nâng lên để duy trì đồng USD như một loại tiền dự trữ.

"Điều này cho thấy sự suy yếu của đồng USD sẽ diễn ra dần dần chứ không phải 5-7 năm nữa mọi thứ sẽ kết thúc. Ngoài ra, nếu đảng Cộng hòa thắng cử, đồng USD có thể mất điểm nhưng vẫn sẽ ổn định hơn. Vì vậy, chúng tôi không biết khi nào đồng tiền của Mỹ sẽ hoàn toàn không còn vai trò dự trữ" - ông kết luận.

Trước đó, ngày 23/4, doanh nhân Nga Oleg Deripaska gợi ý trên kênh Telegram rằng đồng USD sẽ không còn là đồng tiền thống trị thế giới sau 5 năm nữa.

Theo ông, 5-7 năm trước, quyền bá chủ tuyệt đối của đồng tiền Mỹ trong các khu vực trên thế giới dường như không thể lay chuyển, nhưng giờ đây quyền thống trị này sắp kết thúc.

Trước đó, ngày 19/4, tờ Business Insider lưu ý vị thế của đồng USD với vai trò là đồng tiền dự trữ thế giới sẽ suy yếu nhanh hơn 10 lần vào cuối năm 2022.

Cùng ngày, tờ Financial Times viết rằng Mỹ đã đẩy nhanh sự sụp đổ của đồng USD khi quyết định sử dụng hệ thống tài chính toàn cầu để chống lại Nga.

Nhà phân tích tiền tệ Stephen Jen làm rõ rằng tỷ lệ của đồng tiền Mỹ trong dự trữ chính thức của thế giới đã giảm từ 73% năm 2001 xuống 55% vào năm 2021 và vào năm 2022, mức này thậm chí còn giảm xuống thấp hơn – tới 47%.

Trong cuộc trò chuyện với Izvestia vào ngày 28/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng thế giới đang trải qua quá trình phi USD hóa và các quốc gia đã bắt đầu "dựa nhiều hơn vào đồng tiền quốc gia của họ".

Theo IZ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ