Giới chức Washington tin rằng, các công ty dầu mỏ của Nga sẽ sớm thực hiện nhiều khoản đầu tư mới để phát triển công việc khai thác trữ lượng dầu khí khổng lồ của Iran và xuất khẩu dầu mỏ ra thị trường thế giới.
Chuyên gia Simon Watkins viết trong một tài liệu dành cho OilPrice rằng, sự hợp tác mật thiết về khai thác và xuất khẩu năng lượng với Nga sẽ giúp Iran tiếp cận với nguồn hỗ trợ tài chính cho phát triển và công nghệ, điều mà Tehran không thể làm được trong vòng bao vây trừng phạt của phương Tây.
Chuyên gia Mỹ chỉ ra rằng, Iran là quốc gia có trữ lượng dầu lớn thứ ba trên thế giới, tổng khối lượng gần đây đã liên tục tăng lên (nhờ sự giúp đỡ của các công ty thăm dò Nga) lên con số khổng lồ khoảng 209 tỷ thùng.
Do các lệnh trừng phạt dài hạn dưới đủ mọi loại hình thức khác nhau của phương Tây, sản lượng dầu thô mà Iran khai thác được vẫn thấp hơn mức bình thường, hiện chỉ ở mức hơn 3 triệu thùng mỗi ngày.
Hiện tại, giới chức lãnh đạo Washington đang xem nhẹ sự hợp tác của hai siêu cường năng lượng, vì các các quan chức Mỹ tin rằng việc mở rộng hợp tác giữa hai nước này sẽ dễ kiểm soát hơn, nhưng chuyên gia Watkins chắc chắn rằng, Nhà Trắng đã sai trong nhận định về vấn đề này.
Xét cho cùng, thỏa thuận giữa Iran và Liên bang Nga không chỉ bao gồm các kế hoạch thăm dò và sản xuất dầu mà còn bao gồm các kế hoạch vận chuyển khí đốt, hoạt động trao đổi sản phẩm hóa dầu và sản xuất thiết bị thăm dò, khai thác dầu với các công ty kỹ thuật địa phương của Iran, cùng với việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực lọc, hóa dầu.
Vậy tại sao Nhà Trắng lại thờ ơ với việc hai nước này mở rộng hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực khai thác, chế xuất và xuất khẩu năng lượng thô?
Thứ nhất, theo một nguồn tin ở Washington, bất kỳ việc tăng cường mối quan hệ nào giữa hai nước trong các lĩnh vực dầu khí, vận tải, thông tin liên lạc, ngân hàng, tài chính, quân sự và tình báo, kể cả trong lĩnh vực hạt nhân, sẽ giúp Mỹ dễ dàng hơn trong việc quản lý nguồn lực của mình để giám sát các lĩnh vực quan tâm này.
Thứ hai, nguồn tin Washington cho biết thêm, kinh nghiệm cho thấy Nga và Iran càng bị trừng phạt và buộc phải phối hợp hành động thì các quyết định của họ càng trở nên ít sáng suốt hơn và điều này sẽ tiếp tục gây chia rẽ sâu sắc hơn giữa hai nước này với nhau và giữa hai nước với Trung Quốc.
Thứ ba là sự hợp tác giữa hai bên nhất định sẽ dẫn đến sự xung đột về lợi ích, bởi Nga cũng là nước xuất khẩu sản phẩm năng lượng lớn trên thế giới và nền kinh tế nước này cũng phụ thuộc sâu sắc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt.
Do đó, Iran càng phát triển mạnh công nghệ khai thác và chế xuất dầu mỏ thì họ sẽ càng gây sức ép lớn đến lĩnh vực tương tự của Nga, điều đó tất yếu sẽ dẫn đến xung đột về lợi ích giữa hai bên. Do đó, Mỹ tin rằng quan hệ giữa hai nước này trước sau gì cũng sẽ bị tác động sâu sắc.