Nhận định của Chris Osborne được đăng tải trên chuyên trang quân sự 19FortyFive của Mỹ cho biết, Armata của Nga nhẹ hơn nhiều so với Abrams Mỹ sản xuất.
Xe tăng Nga được trang bị kính ngắm ảnh nhiệt thế hệ mới có thể phát hiện và tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 5 km vào ban ngày và tối đa 3,5 km vào ban đêm.
Ông cũng lưu ý rằng xe tăng Nga bắn đạn 9M119 Reflex có khả năng xuyên giáp dày tới 900mm và đủ sức đánh bại bất kỳ cỗ xe tăng phương Tây nào chỉ với một phát bắn.
"Nhưng ưu điểm lớn nhất của T-14 Armata chính là tháp pháo không người lái và khoang chứa vũ khí riêng biệt tạo sự an toàn cao cho tổ lái trong trường hợp bị tấn công", nhà báo nói.
T-14 Armata là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới được Nga thiết kế để thay thế các xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và T-90 đã cũ hiện đang là cốt lõi của kho vũ khí xe tăng của Quân đội Nga.
Armata dựa trên nền tảng module bánh xích hạng nặng cùng tên, cũng là cơ sở cho một số loại khí tài quân sự tiên tiến khác, chẳng hạn như xe chiến đấu bộ binh T-15 và pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV.
Tăng Armata nặng 48 tấn được trang bị pháo nòng trơn 2А82-1М 125mm có thể bắn cả đạn nổ mạnh và đạn chống tăng.
Các loại vũ khí khác trên xe gồm súng máy đồng trục 7,62mm để đối phó với bộ binh địch và súng máy phòng không điều khiển từ xa 12,7mm có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 1,5km.
Xe tăng cũng tự hào về khả năng phòng thủ đáng gờm bao gồm áo giáp nhiều lớp tổng hợp có khả năng chịu được các đòn tấn công từ tên lửa chống tăng dẫn đường 152mm và đạn phá hủy xuyên giáp 125mm.
Hệ thống bảo vệ tích cực Afganit cung cấp một mức độ phòng thủ bổ sung chống lại các loại đạn chống tăng đang lao tới và đáy hình chữ V của thân xe tăng được thiết kế để chống mìn.
Tổ lái gồm ba người trong một khoang được bảo vệ nằm ở phần phía trước của xe tăng, với động cơ, thùng nhiên liệu và kho chứa đạn được đặt trong các ngăn cách ly riêng biệt. Tháp pháo của xe tăng không có người lái - đây là công nghệ chưa từng có trên các dòng tăng khác ở phương Tây.
Sự ra đời của những chiếc T-14 Armata đã khiến phương Tây cuống cuồng tìm cách nâng cấp và thậm chí là bắt tay vào việc chế tạo một loại tăng mới được kỳ vọng có thể trở thành đối thủ xứng tầm với xe tăng mới của Nga.
Hãng BAE Systems của Anh quyết định phối hợp với các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới để nâng cấp và kéo dài vòng đời phục vụ của 227 đơn vị xe tăng chủ lực Chanlenger 2 trong biên chế Quân đội Hoàng gia Anh.
Gói nâng cấp mới sẽ giúp Chanlenger 2 cải thiện hệ thống định vị hồng ngoại, hệ thống điều khiển hỏa lực và các thiết bị điện tử trên khoang, đồng thời trang bị pháo chính nòng trơn mới cùng các động cơ mạnh mẽ hơn.
Cùng với Anh, Pháp và Đức cũng nhảy vào cuộc đua lắm tiền nhiều của này. Theo báo Mỹ, Đức đang chi mạnh tay để tìm cách chế tạo đối thủ xứng tầm với siêu tăng Armata.
Cái tên được Đức đặt nhiều kỳ vọng là MBT Revolution, bản nâng cấp của xe Leopard 2A4. MBT Revolution sẽ không chỉ được sử dụng để thay thế người tiền nhiệm ở Đức mà còn được đưa vào biên chế của quân đội Pháp thay cho Leclerc.
Mặc dù vậy, theo báo Mỹ, để cạnh tranh sòng phẳng với T-14 Armata của Nga, MBT Revolution phải đợi ít nhất đến sau năm 2030 bởi kế hoạch sản xuất vẫn ở giai đoạn ban đầu.