Chuyên gia Mỹ nêu cách thức Ukraine lập tức gia nhập NATO

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo giới phân tích, có thể Mỹ sẽ hậu thuẫn cho Ba Lan đưa quân sang Ukraine với chiêu bài thành lập Nhà nước Liên minh Ba Lan-Ukraine.

Ông Duda và ông Zelensky trong cuộc họp báo sau các cuộc hội đàm tại Phủ Tổng thống ở Warsaw vào ngày 31/8/2019
Ông Duda và ông Zelensky trong cuộc họp báo sau các cuộc hội đàm tại Phủ Tổng thống ở Warsaw vào ngày 31/8/2019

Có cách để Ukraine lập tức gia nhập NATO?

Theo ông Dalibor Rohats, thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ viết trong bài báo dành cho tờ Foreign Policy, rất có thể sau cuộc xung đột với Nga, cái tên Ukraine sẽ biến mất trên bản đồ thế giới.

Theo vị chuyên gia chính trị này, kết thúc xung đột giữa Moscow và Kiev, miền tây Ukraine cần sáp nhập vào thành phần của một cơ cấu kiểu như một hiệp hội các quốc gia theo hình mẫu Khối thịnh vượng chung thống nhất, với thành phần trung tâm là Ba Lan.

“Cứ tưởng tượng xem, khi xung đột kết thúc, Ba Lan và Ukraine sẽ tạo thành một Nhà nước Liên bang hoặc Liên bang chung, tuân theo chính sách đối ngoại và quốc phòng chung. Khi đó, người Ukraine gần như trong chớp mắt sẽ lập tức là thành viên của NATO và EU” - tài liệu viết.

Theo quan điểm của ông Dalibor Rohats, một biện pháp như vậy là cần thiết, vì một nhà nước Ukraine độc ​​lập sẽ phải mất nhiều thập kỷ để đạt được các tiêu chuẩn để gia nhập Liên minh châu Âu hay khối NATO hoặc là nhận được đảm bảo an ninh nào đó từ Hoa Kỳ.

Nhưng điều đó sẽ thực sự là gánh nặng cho các khối mà Kiev sẽ tham gia. “Một quốc gia Ukraine quân sự hóa bất bình vì Brussels không hành động và có lẽ cũng không hài lòng vì kết quả thiếu thỏa đáng của cuộc xung đột với Nga, sẽ dễ dàng trở thành gánh nặng đối với phương Tây” - tác giả bày tỏ sự lo ngại.

Ba Lan là quốc gia NATO cung cấp nhiều loại vũ khí cho Ukraine
Ba Lan là quốc gia NATO cung cấp nhiều loại vũ khí cho Ukraine

Tuy nhiên, chuyên gia Rohats lưu ý rằng, quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine là cực kỳ phức tạp, ông nhắc nhở về cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc do Bogdan Khmelnitsky lãnh đạo, kết quả là Bờ trái Ukraine cùng với Kiev rốt cuộc đã ly khai khỏi Khối thịnh vượng chung và trở thành một phần của Đế chế Nga.

Tuy nhiên, viễn cảnh nhà nước liên minh Ukraine có lợi cho Hoa Kỳ và Tây Âu, bởi liên minh mới sẽ trở thành rào chắn tự nhiên giữa sườn phía đông của châu Âu với Nga. Trong điều kiện xấu nhất thì cả miền tây Ukraine sẽ được sáp nhập vào nhà nước liên minh này, còn khu vực phía đông sẽ nằm trong tay Nga.

Do đó, việc tìm mọi cách để đưa Ukraine vào một cơ cấu nhà nước liên minh với Ba Lan có thể được Mỹ chấp thuận, bất kể phản ứng của các thành viên NATO ở châu Âu là như thế nào. Và như vậy, cái tên Ukraine sẽ biến mất trên bản đồ thế giới với tư cách là một quốc gia độc lập.

Những tuyên bố bất thường về “tình thân” giữa Ba Lan-Ukraine

Theo giới chuyên gia, quan điểm của nhà phân tích này có có cơ sở bởi những động thái tương tác qua lại giữa Ukraine với Ba Lan trong thời gian qua có những dấu hiệu “rất đáng lưu ý”, đặc biệt là những dấu hiệu về một “tình thân bất thường” giữa giới lãnh đạo hai nước.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, chính quyền của ông Andrzej Duda đã rất nỗ lực hỗ trợ cho người đồng cấp Volodymyr Zelensky.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đưa Warsaw - thành viên lớn nhất của NATO ở Đông Âu - trở thành một đồng minh cực kỳ quan trọng của Kiev.

Vào tháng 6/2022, quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) đã thông qua dự thảo luật trao quy chế đặc biệt cho người Ba Lan ở Ukraine, đáp lại một dự luật tương tự của Warsaw dành cho người Ukraine các quyền gần như giống như công dân Ba Lan, trên rất nhiều lĩnh vực như: Phúc lợi xã hội, giáo dục, cư trú...

Tổng thống Ukraine Zelensky cũng công bố về các thỏa thuận song phương liên quan đến việc kiểm soát biên giới và hải quan chung, được giới quan sát cho rằng “rất đáng chú ý”.

Ông Zelensky cho rằng Ba Lan và Ukraine là “anh em” và không nên có biên giới hay rào cản nào giữa hai nước. Nhà lãnh đạo Ukraine còn nhấn mạnh, sự thống nhất của hai quốc gia “phải tồn tại mãi mãi”.

Đến lượt mình, nhà lãnh đạo Ba Lan Andrzej Duda đáp lại rằng, biên giới Ba Lan-Ukraine “nên đoàn kết và không có chia rẽ”. Trước đó, vào ngày 03/5/2022, cũng chính ông Duda đã tuyên bố rằng, hy vọng một ngày nào đó “sẽ không còn biên giới” giữa hai nước.

Với lịch sử phức tạp trong quan hệ giữa Warsaw-Kiev, những tuyên bố ấn tượng này chắc chắn đã khiến nhiều người phải kinh ngạc.

Bản chất sâu xa ẩn chứa trong những tuyên bố “lạ” của ông Zelensky và ông Duda và về “tình thân giữa hai quốc gia anh em” chính là sự dọn đường cho một kịch bản hợp nhất hai nước hoặc chí ít là sáp nhập miền tây Ukraine vào Ba Lan.

Kịch bản thống nhất Ba Lan-Ukraine

Vào ngày 28/4/2022, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergey Naryshkin tuyên bố, Ba Lan đang bí mật lên kế hoạch sử dụng quân đội của mình tiến vào miền Tây Ukraine, với tên gọi “Sứ mệnh hòa bình”, “bảo vệ quốc gia láng giềng” khỏi “sự xâm lược của Nga”.

Theo giới tình báo Nga, vào cuối tháng 4/2022, cái gọi là “Sứ mệnh hòa bình” của Ba Lan ở miền tây Ukraine đã được các quan chức Warsaw thảo luận với giới chức Washington và các thỏa thuận sơ bộ để “hợp pháp hóa việc Ba Lan tiếp quản Ukraine” có thể đã được hoàn tất.

Theo chuyên gia Mỹ, kịch bản hợp nhất Ba Lan-Ukraine là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai
Theo chuyên gia Mỹ, kịch bản hợp nhất Ba Lan-Ukraine là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai

Hơn nữa, các quan chức Ba Lan cũng đã đàm phán với các thành viên của giới tinh hoa Kiev để thay đổi các chính sách, làm cho họ trở nên “dân chủ” hơn và thân Warsaw hơn, để đối trọng với các yếu tố dân tộc chủ nghĩa chống Ba Lan trong lòng xã hội Ukraine.

Theo giới chức Nga, Mỹ đã lên kế hoạch hợp nhất cả toàn lãnh thổ (hoặc ít nhất là khu vực phía tây Ukraine) với Ba Lan, mà chủ thể chính sẽ là Warsaw. Nếu thành công, hoạt động “bảo đảm an ninh” này đã biến thành một cuộc “thôn tính quân sự” của Warsaw đối với Kiev.

Moscow lo lắng rằng, sự phát triển tình hình theo chiều hướng này nếu trở thành hiện thực, sẽ thực sự mở đường cho một kiểu “thống nhất” trong tương lai, “hack” các quy định của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), giúp Ukraine lập tức gia nhập NATO, trong thành phần nhà nước liên minh với Ba Lan, rút ngắn quá trình lâu dài đưa Kiev gia nhập khối này.

Kịch bản hợp nhất này sẽ dẫn đến cái giá phải trả là Ukraine sẽ không còn hiện diện trên bản đồ thế giới với tư cách là một quốc gia độc lập nhưng điều đó không quan trọng với phương Tây, bởi quá trình đưa biên giới của NATO đến gần biên giới nước Nga hơn là mục tiêu mà Mỹ luôn theo đuổi bằng bất cứ giá nào.

Tuy nhiên, cả Mỹ, Ba Lan và Ukraine đã phủ nhận những cáo buộc của Điện Kremlin. Những thông tin này cũng đã được báo chí Nga dẫn lại và những bản tin như vậy thường được các phương tiện truyền thông phương Tây dán nhãn là công cụ “tuyên truyền thông tin sai lệch” của Moscow.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ