Chuyên gia lưu ý ra đề thi học sinh giỏi trước hiện tượng nhiều đề quá khó

GD&TĐ - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên CT Ngữ Văn 2018 - nói về yêu cầu với đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn THCS từ hiện tượng có những đề quá khó.

Học sinh Trường THCS-THPT Ban Mai trong giờ Ngữ văn.
Học sinh Trường THCS-THPT Ban Mai trong giờ Ngữ văn.

Cần thay đổi quan niệm, cách đánh giá học sinh giỏi cho phù hợp

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng: Hạn chế trong ra đề thi học sinh giỏi có yêu cầu "hái sao trên trời” thường bắt đầu từ suy nghĩ cho rằng, đã là học sinh giỏi thì phải ra đề thật khó, độc đáo, riêng biệt, phải khác biệt hẳn với đề bình thường,...

Đương nhiên, học sinh giỏi phải có năng lực cao hơn, khác với học sinh bình thường. Nhưng không phải vì thế mà nêu lên những yêu cầu thật khó và khác biệt hẳn với những gì các em được học theo chương trình hàng ngày. Trong khi, ngay với một đề thi bình thường cũng có thể phân hóa được trình độ học sinh, chỉ cần qua một đoạn văn cũng biết đâu là học sinh giỏi...

“Chúng tôi quan niệm, học sinh giỏi trước hết vẫn là một học sinh phổ thông bình thường, học chương trình chung mà Bộ GD&ĐT ban hành. Vì thế, khi đánh giá học sinh giỏi vẫn phải bám sát các yêu cầu cần đạt của chương trình học hàng ngày.

Chỉ khác là, với học sinh giỏi, các yêu cầu ấy phải được nâng cao với mức độ khó hơn, sâu hơn so với đề thi cho học sinh bình thường. Nhất là với cấp THCS, nếu có bồi dưỡng học sinh giỏi thì cũng không có chương trình riêng, không có tài liệu và sách giáo khoa riêng; việc dạy thêm, học thêm lại rất hạn chế. Vì thế, cần thay đổi quan niệm và cách đánh giá học sinh giỏi cho phù hợp.

Yêu cầu của đề thi học sinh giỏi Ngữ văn

Từ quan niệm trên, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nêu một số suy nghĩ về yêu cầu của đề thi học sinh giỏi cho môn Ngữ văn cấp THCS như sau;

Thứ nhất, tuân thủ định hướng đánh giá của Chương trình Ngữ văn 2018, tập trung đánh giá năng lực đọc hiểu và viết. Đối tượng đọc hiểu là 3 loại văn bản (văn học, nghị luận và thông tin). Ưu tiên cho việc đọc hiểu văn bản văn học.

Yêu cầu viết gồm các kiểu văn bản đã học trong chương trình. Ưu tiên viết các kiểu bài có tính văn học cao. Ngữ liệu cho đọc hiểu và viết đều là văn bản mới, ngoài sách giáo khoa.

Thứ hai, đánh giá năng lực đọc hiểu bằng một trong hai cách. Cách 1: Tích hợp yêu cầu đọc hiểu vào viết, nghĩa là muốn viết bài văn học sinh phải đọc hiểu văn bản trước.

Cách 2: Đề có phần đọc hiểu riêng và yêu cầu viết riêng. Phần đọc hiểu có các câu hỏi đọc hiểu (ít nhất 3 câu, tập trung vào 2 mức độ hiểu và vận dụng). Phần viết nêu yêu cầu viết 1 kiểu bài nào đó, nội dung có thể liên quan hoặc không liên quan tới văn bản ở phần đọc hiểu.

Thứ ba: Đánh giá năng lực viết, dựa vào yêu cầu của chương trình mỗi lớp mà yêu cầu viết kiểu văn bản cho phù hợp. Với cấp THCS, không chỉ yêu cầu viết nghị luận mà có thể mở rộng ra các kiểu văn bản khác như: Biểu cảm (dạng tùy bút, tản văn); tự sự ( kể chuyện, miêu tả); thuyết minh (giới thiệu sách, bộ phim bức tượng/ tranh ảnh, hoặc các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử... với các thông tin, số liệu cụ thể trong đề).

Thi học sinh lớp cuối cấp (lớp 9) tập trung nhiều hơn vào văn nghị luận và viết tự do theo hướng đề mở.

Thứ tư, cần chú trọng đánh giá kết quả viết của học sinh cả về ý tưởng nội dung và hình thức (diễn đạt, chính tả, ngữ pháp, chữ viết, trình bày…). Bài văn của học sinh giỏi không thể mắc nhiều lỗi; ưu tiên, khuyến khích bài viết hay, có ý sáng tạo và đậm chất văn.

Việc tổ chức kỳ thi đánh giá học sinh là cần thiết. Vì một trong những nhiệm vụ của nhà trường là cần phân hóa, phát hiện và bồi dưỡng những em có năng lực nổi trội về một lĩnh vực/ môn học nào đó, tạo nguồn cho cấp học sau, hướng tới mục tiêu chung là phát triển nhân tài cho đất nước.

Tuy nhiên kỳ thi học sinh giỏi trong nhà trường phổ thông cần xác định đúng yêu cầu, phạm vi, mức độ, cách thức sao cho phù hợp với đối tượng và thống nhất với định hướng của chương trình 2018… Nếu không chỉ mang lại cho giáo viên, học sinh sự thất vọng cùng nỗi chán nản trong dạy và học môn Ngữ văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Cú sốc' cho kinh tế toàn cầu

GD&TĐ - Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo, chiến tranh thương mại toàn cầu sẽ gây tổn thất cho tất cả các bên, bao gồm cả Mỹ.