Chuyên gia đưa ra lời khuyên cân bằng tâm lý và sức khoẻ trước kỳ thi

GD&TĐ - ThS.Bs Ninh Thị Phương Mai chia sẻ, hãy tạo cho thí sinh một tâm thế thoải mái trước khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

ThS.Bs Ninh Thị Phương Mai – Khoa Nội Nhi Tổng hợp – Bệnh viện E. Ảnh NVCC.
ThS.Bs Ninh Thị Phương Mai – Khoa Nội Nhi Tổng hợp – Bệnh viện E. Ảnh NVCC.

Dưới đây là bài PV ThS.Bs Ninh Thị Phương Mai – Khoa Nội Nhi Tổng hợp – Bệnh viện E về chuẩn bị tâm thế cho thí sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

PV: Thưa bác sĩ, từ nay đến kỳ thi không còn nhiều thời gian, vậy làm như thế nào để cân bằng tâm lý, giảm áp lực cho học sinh?

ThS.Bs Ninh Thị Phương Mai: Kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn là dấu cột mốc lớn đánh dấu kết thúc hành trình 12 năm học phổ thông của học sinh. Kỳ thi không chỉ nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập 12 năm học mà còn là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển sinh đầu vào. Với mục đích, ý nghĩa to lớn như vậy, kỳ thi không chỉ tạo áp lực lớn lên thí sinh mà còn thu hút mối quan tâm không nhỏ từ các phụ huynh học sinh.

Theo đó, áp lực là một vấn đề không thể tránh khỏi do đó thí sinh không được điều chỉnh và cân bằng tâm lý có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến kết làm bài và sức khỏe của mình.

Để giúp các em cân bằng tâm lý, giảm áp lực, phụ huynh trước kỳ thi, giúp việc vượt qua kỳ thi trở nên nhẹ nhàng hơn. Lúc này, phụ huynh có thể trao đổi thêm với con để tạo môi trường học tập thoải mái, phù hợp với con mình. Việc nhắc nhở con làm bài tập, ôn thi là điều cần thiết, tuy nhiên phụ huynh cần điều chỉnh sao cho hài hòa để tránh tạo áp lực tâm lý quá mức cho trẻ

Để tạo động lực học tập cho con, phụ huynh nên dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày, có thể là bữa ăn hoặc trước giờ đi ngủ để tâm sự thêm với trẻ, hiểu thêm những tâm sự của trẻ trong việc thời gian vừa qua để kịp thời hỗ trợ, động viên trẻ, tránh để trẻ cảm thấy cô đơn một mình khi đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống nói chung và việc học tập nói riêng.

Đồng thời, cha mẹ nên khuyến khích trẻ bằng cách chia sẻ cùng trẻ những suy nghĩ về mục tiêu trong cuộc sống, phân tích xem việc ôn tập và thi cử có liên quan đến tương lai đó như thế nào, giúp trẻ sẽ tự tạo động lực để vượt qua kỳ thi sắp tới.

Ngoài ra, phụ huynh nên chia sẻ cùng con rằng việc cảm thấy lo lắng là điều bình thường, đó là một phản ứng tự nhiên trước kỳ thi, điều quan trọng là biến những lo lắng này thành động lực để tích cực ôn tập trước kỳ thi. Hãy giúp trẻ đối mặt với nỗi sợ hãi và vượt qua thay vì trốn tránh chúng. Khuyến khích trẻ suy nghĩ về những kiến thức trẻ đã ôn tập được và thời gian trẻ đã dành cho việc học để giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn.

PV: Theo bác sĩ, những cách để giữ gìn sức khoẻ trong giai đoạn này, để thí sinh có sức khoẻ tốt chuẩn bị cho những ngày thi?

ThS.Bs Ninh Thị Phương Mai: Để có sức khỏe tốt trước kỳ thi, trẻ nên có chế độ sinh hoạt lành mạnh, cân đối cả về thời gian học tập, nghỉ ngơi, dinh dưỡng và thể dục thể thao.

Về dinh dưỡng, trẻ nên duy trì một chế độ ăn uống cân bằng giữa các nhóm chất, tránh việc quá tập trung vào các nhóm thực phẩm được cho là “bổ não” gây mất cân đối chế độ dinh dưỡng cho trẻ.

Tiếp theo, phụ huynh nên lập thời gian biểu và nhắc nhở con để giúp con ngủ đủ giấc. Giấc ngủ ngon giúp trẻ giảm căng thẳng, cải thiện khả năng suy nghĩ và tập trung.

Để duy trì khả năng học tập tốt nhất, sau mỗi 1-2 giờ học tập căng thẳng liên tục, trẻ nên có một quãng nghỉ, để vận động nhẹ nhàng, cho trí não thời gian hồi phục, nghỉ ngơi, đồng thời giúp hệ tuần hoàn lưu thông, thư giãn các cơ bắp.

Tập thể dục có thể giúp trẻ trau dồi thể lực, duy trì thể trạng tốt nhất để bước vào kỳ thi, ngoài ra việc tập thể dục còn giúp trí não của trẻ minh mẫn hơn và giảm bớt căng thẳng. Không quan trọng đó là loại hình thể dục nào - đi bộ, đạp xe, bơi lội, bóng đá, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu, … khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày đều có hiệu quả - miễn là trẻ thích thú với loại hình thể dục đó.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó: ngày 26/6/2024: làm thủ tục dự thi; ngày 27, 28/6/2024: tổ chức coi thi; ngày 29/6/2024: dự phòng.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó: ngày 26/6/2024: làm thủ tục dự thi; ngày 27, 28/6/2024: tổ chức coi thi; ngày 29/6/2024: dự phòng.

PV: Thưa bác sĩ, phụ huynh nên hỗ trợ thí sinh như thế nào trong giai đoạn cuối này?

ThS.Bs Ninh Thị Phương Mai: Trong những ngày kỳ thi đang cận kề, phụ huynh nên lắng nghe để thấu hiểu thêm tâm tư, nguyện vọng, những lo lắng băn khoăn của con, qua đó tìm cách hỗ trợ, trấn an và động viên trẻ và đặc biệt nên tránh những lời chỉ trích, dọa nạt. Hãy cho các biết rằng nếu thi tốt, đó sẽ là trái ngọt của quãng thời gian ôn tập vừa qua, tuy nhiên nếu thi không đạt như kỳ vọng đó không phải là ngày tận thế, gia đình vẫn luôn ở bên con.

Sau mỗi môn thi, hãy trò chuyện với trẻ, khuyến khích trẻ nói chuyện về bài thi vừa qua. Thảo luận về những phần mà con đã làm tốt thay vì tập trung vào những câu hỏi mà trẻ thấy khó và không làm được để tạo động lực và sự tự tin cho trẻ. Phụ huynh nên động viên các em tiếp tục tập trung vào môn thi tiếp theo, thay vì chăm chăm vào những thứ không thể thay đổi trong bài thi đã qua.

Sau khi trẻ đã trải qua kỳ thi, nếu trẻ làm bài chưa hoàn toàn đạt kỳ vọng, thay vì những câu hỏi trách móc, thái độ thất vọng, thậm chí đôi khi là hình phạt vì con làm bài kém, thì cha mẹ nên có thái độ quan tâm, sẵn sàng chia sẻ và động viên con, để con hiểu dù kết quả có ra sao thì mình vẫn luôn có cha mẹ đồng hành và là điểm tựa vững chắc của con.

Tóm lại, để đồng hành cùng trẻ, giúp trẻ có tâm lý và sức khoẻ vững vàng, bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, cha mẹ nên đồng hành cùng trẻ để trẻ sẵn sàng về cả trí tuệ, sức khỏe và tinh thần, tạo tâm lý thoải mái cho trẻ trong học tập, đồng thời đánh giá đúng năng lực học tập của trẻ, khuyến khích trẻ có mục tiêu, kế hoạch học tập rõ ràng và phù hợp, đồng thời hỗ trợ, động viên chia sẻ cùng trẻ sau kỳ thi để trẻ có trạng thái tốt nhất cả về tinh thần và thể chất để học tập tốt, và thoải mái đón nhận kết quả của kỳ thi.

Theo Tuyên bố đồng thuận của Học viện Y học về giấc ngủ Hoa Kỳ năm 2016 thanh thiếu niên độ tuổi trung học phổ thông cần ngủ từ 8 đến 10 giờ mỗi ngày. Nhiều học sinh có thói quen học nhồi nhét cả đêm trước kỳ thi, có em thậm chí chỉ ngủ 3 đến 4 giờ mỗi ngày, tuy nhiên cách ôn tập như rất bất hợp lý. Thay vì “vắt kiệt” bộ não, hãy dành thời gian cho giấc ngủ sẽ có lợi cho trí não hơn nhiều so với vài giờ học tập đầy căng thẳng vào phút cuối.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ