Nếu đảng Cộng hòa kiểm soát quốc hội, điều này sẽ làm lung lay vị thế cầm quyền của Đảng Dân chủ, cũng như thay đổi chính sách đối nội của đất nước. Đồng thời, theo các chuyên gia được Izvestia phỏng vấn, không nên mong đợi những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Đặc biệt, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Andrei Bystritsky của Quỹ Hỗ trợ và Phát triển Valdai, không nên đặt hy vọng vào những thay đổi trong quan hệ của Mỹ với Nga.
"Tôi không cho rằng chính sách của Mỹ với Nga sẽ thay đổi nhanh chóng. Nếu có thay đổi thì sẽ do một số nguyên nhân khách quan, các quá trình phản ứng, diễn biến tình hình ở Ukraine và trên thế giới nói chung. Tôi không nghĩ cuộc bầu cử sẽ có bất kỳ ảnh hưởng đáng kể nào đến điều đó" - ông nói.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Izvestia, nhà Mỹ học Malek Dudakov cũng chỉ ra cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ là một vấn đề liên quan nhiều hơn đến các vấn đề của chính trị trong nước. Ông nói thêm, một sự thay đổi lớn chỉ có thể xảy ra vào cuối cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024.
Ngày 8/11, những giờ đầu tiên của cuộc bỏ phiếu diễn ra tương đối suôn sẻ, nhưng sau đó xuất hiện những báo cáo về các vấn đề về công nghệ và những nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử. Các vấn đề liên quan tới máy bỏ phiếu đã được thông báo ở các bang Arizona, New Jersey, Texas và California. Tại bang Illinois, họ đã thông báo về một cuộc tấn công mạng. Do đó, việc kiểm phiếu có thể mất đến vài ngày.