Chuyên gia đề xuất giải pháp kiểm soát quyền lực nhà nước

GD&TĐ - Các chuyên gia đã đặt ra các vấn đề về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong bối cảnh hiện nay.

GS.TS. Nguyễn Quốc Sửu - Phó Giám đốc Học viện hành chính quốc gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ULAW
GS.TS. Nguyễn Quốc Sửu - Phó Giám đốc Học viện hành chính quốc gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ULAW

Ngày 20/12, Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay”.

Vấn đề quan trọng và thiết thực

TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, đây là chủ đề quan trọng và thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Nhà nước pháp quyền không chỉ là mục tiêu mà còn là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó quyền lực nhà nước phải được phân công, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát một cách hiệu quả để phục vụ lợi ích của nhân dân.

Đây không chỉ là một yêu cầu chính trị, mà còn là yêu cầu pháp lý để đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong việc thực thi quyền lực.

2.png
TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM. Ảnh: ULAW

Theo TS Sơn, bên cạnh những thành công nhất định trong việc xây dựng thể chế và quy định pháp luật nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước, vẫn còn những thách thức cần giải quyết như việc phân chia trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước, việc thực thi pháp luật và kiểm soát quyền lực còn chưa đồng bộ và hiệu quả.

Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Quốc Sửu - Phó Giám đốc Học viện hành chính quốc gia nhìn nhận, mục tiêu đánh giá công tâm, xem xét việc kiểm soát quyền lực nhà nước đang là vấn đề quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Khi việc phân công, kiểm soát quyền lực nhà nước vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến việc thực thi không nhất quán hoặc gặp phải những rào cản trong quá trình thực hiện, khiến các mục tiêu phân quyền bị hạn chế.

Hội thảo được tổ chức theo 2 phiên và xoay quanh với các chuyên đề: Vấn đề phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền tư sản và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta; Phân công giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp; Chính phủ trong cơ chế phân công, phối hợp thực hiện quyền lập pháp ở Việt Nam; Bàn về giới hạn kiểm soát tư pháp của tòa án đối với các hoạt động quản lý hành chính trái pháp luật.

008a8778-1814.jpg
Các chuyên gia đã đặt ra các vấn đề về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: ULAW

Ngoài ra, các đại biểu cũng lắng nghe, thảo luận các tham luận: Mô hình phân công, kiểm soát quyền lực nhà nước giữa trung ương và địa phương: kinh nghiệm thế giới và hàm ý cho Việt Nam; Thực trạng kiểm soát quyền lực chính quyền địa phương Việt Nam trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...

Khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp

Trong phần thảo luận, nhiều ý kiến xoay quanh tham luận “Vấn đề phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền tư sản và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta” của GS.TS Trần Ngọc Đường - Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TS Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng khoa Luật Hành chính - Nhà nước (Trường Đại học Luật TPHCM) đồng tác giả.

Tác giả đã đề xuất các giải pháp để kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp như: cần rà soát các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hiến định để phân công quyền lực nhà nước phù hợp, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, hoặc không phù hợp, cản trở lẫn nhau trong việc thực hiện quyền lực nhà nước của mỗi quyền; củng cố cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy thực thi quyền hành pháp,…

4.png
GS.TS Trần Ngọc Đường trình bày tham luận về “Vấn đề phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền tư sản và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta”. Ảnh: ULAW

Bàn về vấn đề phân công giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng và TS Dương Hồng Thị Phi Phi - Trưởng Bộ môn Lịch sử Nhà nước và Pháp luật, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước từ Trường Đại học Luật TPHCM đã làm rõ quyền lập pháp là nhánh quyền lực quan trọng trong mô hình tổ chức bộ máy nhà nước.

Để bảo đảm thực hiện quyền lập pháp thật sự hiệu quả, phân công giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền này là một kỹ thuật quan trọng hàng đầu, vì phân công là cơ sở để phối hợp và là tiền đề để kiểm soát việc thực hiện quyền.

Bằng những cách thức khác nhau, pháp luật Việt Nam đã ghi nhận và quy định sự phân công giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp ngày càng phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ