Bước vào giai đoạn ôn tập "nước rút" – Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh có biểu hiện lo lắng, căng thẳng. Theo TS Hoàng Trung Học – Trưởng Khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), đây là hiện tượng tâm lý bình thường.
Trong tâm lý học trường học, hiện tượng căng thẳng tâm lý trước kỳ thi thường được nhắc đến như là biểu hiện của lo âu học đường.
Thực ra, stress trước thi cử ở khía cạnh tích cực sẽ tạo động lực cho học sinh vượt qua giới hạn của chính mình, nhưng nếu mất kiểm soát, sẽ trở nên tiêu cực, biến thành trở ngại, ảnh hưởng xấu đến kết quả thi cử của các em.
Năm nay, các em đã trải qua một năm học nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự thay đổi thời gian thi tốt nghiệp, phương thức xét tuyển đại học của các trường…
Chính điều này khiến học sinh phải đối mặt với nhiều căng thẳng tâm lý trong thi cử, đặc biệt là các Stress có hại, nếu các em không biết điều tiết kế hoạch học tập phù hợp.
Để vượt qua stress trong thi cử, TS Hoàng Trung Học khuyến cáo, các em cần tập trung vào các biện pháp phòng ngừa, hướng đến quản lý stress ở mức tích cực.
Muốn vậy, các em có thể thực hiện các công việc sau: Thứ nhất, đặt mục tiêu thi cử khả thi và kế hoạch học tập phù hợp. Mục tiêu đúng sẽ giúp em đạt được mà không quá sức, hoặc thất bại, gây thất vọng. Kế hoạch phù hợp sẽ không làm các em rơi vào hoàn cảnh "nước đến chân mới nhảy", ôn tập không hiệu quả;
Thứ hai, đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, đặc biệt uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả để bổ sung vitamin, tăng cường thể lực;
Thứ ba, ngủ đủ giấc, tránh tình trạng thức trắng nhiều đêm để ôn tập, làm suy kiệt thể lực, gia tăng stress tiêu cực;
Thứ tư, kết hợp việc ôn tập với việc dành thời gian tập thể dục trong ngày. Mỗi ngày dù bận cũng nên dành ít nhất 30 phút thư dãn hoặc tập thể dục. Điều này giúp phòng ngừa stress rất tốt.
Thứ năm, hãy chia sẻ với cha mẹ những khó khăn, lo lắng của chính mình về việc thi cử để có được chỗ dựa tâm lý trong giai đoạn khó khăn này. Các em cũng cần tin vào chính bản thân mình.
"Chủ động ôn tập theo kế hoạch, hướng đến những mục tiêu khả thi, tăng cường thể lực, điều hòa giữa ôn tập và thư giãn là cách tốt nhất để phòng ngừa và quản lý Stress trước kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới" - TS Hoàng Trung Học.