Chuyên gia chỉ ra những cách tốt nhất ngăn ngừa tự tử

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa tự tử là nói về chủ đề này.

Cha mẹ cần chia sẻ với trẻ về tự tử một cách trung thực. Ảnh minh họa.
Cha mẹ cần chia sẻ với trẻ về tự tử một cách trung thực. Ảnh minh họa.

Vấn đề đầy thách thức

Tự tử là một vấn đề đầy thách thức và là chủ đề ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người. Cho dù đó là bạn bè, thành viên gia đình, cộng đồng, đồng nghiệp hay người nổi tiếng, số lượng người qua đời vì tự tử hằng năm trên toàn cầu thật đáng kinh ngạc.

Thực tế, thế giới có gần 800 nghìn người qua đời vì tự tử mỗi năm. Con số này đồng nghĩa là, cứ 40 giây lại có một người qua đời.

Bà Naomi Angoff Chedd - Giám đốc dịch vụ hỗ trợ cố vấn tại Couslr (Mỹ) cho biết: “Tùy thuộc vào nghiên cứu, tự tử là nguyên nhân chính thứ hai hoặc thứ ba gây tử vong ở những người từ 10 - 24 tuổi. Vì vậy, đây là một vấn đề cần được giải quyết khẩn cấp và theo nhiều cách, bởi cả các chuyên gia và phụ huynh”.

Một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa tự tử là nói về chủ đề này. Bởi vì khi chúng ta nói về tự tử một cách cởi mở và trung thực - ngay cả với trẻ, điều này sẽ xóa bỏ sự kỳ thị xung quanh vấn đề.

Tự tử sẽ không còn là thứ gì đó được che giấu trong bí mật hoặc một bức màn xấu hổ. Nếu trẻ học cách nói chuyện về tự tử một cách cởi mở và trung thực, chúng sẽ biết phải làm gì nếu nghi ngờ một người bạn cần giúp đỡ. Trẻ cũng sẽ biết phải làm gì khi chính mình có ý định tự tử.

Tiến sĩ John Ackerman - nhà tâm lý học nhi khoa và quản lý lâm sàng phòng chống tự tử của Trung tâm Nghiên cứu và Phòng ngừa Tự tử tại Bệnh viện Nhi đồng Toàn quốc (Mỹ) cho biết: “Tạo một không gian an toàn để nói về tự tử có thể cứu sống một đứa trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hỏi về tự tử không có hại mà còn có thể tạo thêm sức mạnh. Cha mẹ sẽ không nghĩ đến ý tưởng đó trong đầu trẻ. Nếu trẻ đang phải vật lộn với ý nghĩ tự tử, một người lớn có liên quan sẵn sàng cởi mở, trò chuyện thường là sự giải thoát”.

Khi nói đến vấn đề tự tử, hầu hết các cha mẹ đều né tránh chủ đề này một cách tự nhiên. Rốt cuộc, đó là một chủ đề nhức nhối và thách thức. Song, các chuyên gia sức khỏe tâm thần chỉ ra rằng, điều quan trọng là cha mẹ phải nói về vấn đề tự tử một cách cởi mở và trung thực với con.

Những cuộc trò chuyện này tạo ra một môi trường an toàn. Nhờ đó, trẻ em có thể đặt câu hỏi, cũng như được cung cấp thông tin thực tế.

“Một trong những lý do quan trọng nhất để nói chuyện với trẻ về tự tử là đảm bảo phụ huynh có cơ hội làm sáng tỏ sự thật và xua tan mọi thông tin sai lệch mà con mình đã nghe. Các cha mẹ nên nhận ra rằng, một trong những biện pháp phòng ngừa tốt nhất là giao tiếp với con mình. Điều này cho phép phát hiện sớm điều gì đó không ổn và giúp trẻ nhận được sự giúp đỡ mà chúng thực sự cần để giảm nguy cơ tự tử”, Zishan Khan - bác sĩ tâm thần trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn của Mindpath Health cho biết.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Ackerman, việc thảo luận về chủ đề này một cách nhân ái sẽ mở ra cơ hội cho những cuộc trò chuyện trong tương lai.

Ông nói thêm, khi đang có ý định tự tử, trẻ có thể thấy nhẹ nhõm hơn nếu được một người lớn quan tâm sẵn sàng nói chuyện.

Đối với bà Angoff Chedd, việc nói về tự tử cũng loại bỏ bức màn bí mật và giúp trẻ có thể bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc hoặc mối quan tâm thực sự của chúng về bản thân, bạn bè. Ngoài ra, trẻ cũng nhận được thông điệp rõ ràng rằng, cha mẹ quan tâm sâu sắc đến các con. Đồng thời, trẻ hiểu rằng, hạnh phúc và phúc lợi của con là vô cùng quan trọng đối với cha mẹ.

Song, bà Angoff Chedd nói rằng, những cuộc trao đổi này chỉ nên diễn ra vào thời điểm được cân nhắc kỹ lưỡng. Phụ huynh cần luôn sử dụng ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển của trẻ.

“Nếu một người bạn của gia đình, người thân hoặc người quen hay thậm chí là biểu tượng truyền thông nổi tiếng, như ngôi sao nhạc rock hoặc diễn viên, qua đời vì tự tử, con bạn sẽ biết về điều đó ở trường, thông qua bạn bè, trên các phương tiện truyền thông đại chúng và rất có thể là nhờ mạng xã hội. Cha mẹ không chỉ cần cung cấp thông tin thực tế, mà còn hỗ trợ về mặt tinh thần xung quanh vấn đề này”, nữ chuyên gia chia sẻ.

Trẻ cần biết rằng luôn có sự đồng hành của cha mẹ. Ảnh minh họa.

Trẻ cần biết rằng luôn có sự đồng hành của cha mẹ. Ảnh minh họa.

Giải thích cho trẻ mẫu giáo

Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng, trẻ mẫu giáo có thể còn quá nhỏ để hiểu đầy đủ một chủ đề phức tạp như tự tử. Tiến sĩ Ackerman giải thích, thực tế, trẻ ở tuổi này mới bắt đầu biết rằng, cái chết là vĩnh viễn. Hầu hết trẻ cũng không hiểu đầy đủ định nghĩa hoặc hàm ý của thuật ngữ “tự tử”. Điều đó nói lên rằng, nếu một thành viên trong gia đình qua đời do tự tử, thì điều quan trọng là phụ huynh phải sử dụng ngôn ngữ cụ thể, rõ ràng để nói với trẻ. Cha mẹ cần thẳng thắn, trung thực, nhưng không cần phải chia sẻ chi tiết với trẻ.

Theo bác sĩ Khan, có thể cha mẹ sẽ thấy rất khó khăn khi nói về vấn đề tự tử với trẻ ở tuổi mẫu giáo như vậy. Tuy nhiên, điều quan trọng là không né tránh chủ đề nếu phụ huynh thấy trẻ tỏ ra tò mò về việc tự tử và đặt câu hỏi.

Trong những trường hợp như vậy, tốt nhất là cha mẹ nên trả lời ngắn gọn và khái quát. Bà Angoff Chedd gợi ý, cha mẹ nên trả lời các câu hỏi của trẻ một cách trung thực nhất có thể với sự trấn an thoải mái. Điều quan trọng là đưa ra những lời giải thích đơn giản.

“Hãy nghe theo trực giác, vì không ai hiểu con hơn chính cha mẹ. Nếu cảm thấy trẻ có thể xử lý một số vấn đề nhất định, cha mẹ nên cảm thấy thoải mái khi chia sẻ nhiều hơn với con”, chuyên gia cho biết.

Nếu thảo luận về việc tự tử với trẻ ở tuổi thanh thiếu niên, phụ huynh hãy nhấn mạnh rằng, những người qua đời do tự tử đều bị ảnh hưởng bởi một căn bệnh. Tập trung vào thực tế rằng, cái chết là điều vô cùng đau buồn đối với cha mẹ và những người thân yêu của cá nhân đó.

Song, theo Tiến sĩ Khan, cha mẹ nên cẩn thận không tiết lộ quá nhiều thông tin hoặc chi tiết – yếu tố có thể làm tăng sự sợ hãi và lo lắng của trẻ. Trong khi đó, bà Angoff Chedd gợi ý rằng, cha mẹ hãy luôn để ngỏ cho nhiều cuộc trò chuyện hơn về vấn đề này trong tương lai. Ngoài ra, hãy cho trẻ biết rằng, con có thể cảm thấy buồn, đặt câu hỏi, nhớ và nói về người đã qua đời vì tự tử.

Tiến sĩ Ackerman nói: “Hãy nhớ rằng trẻ em có nhiều khả năng tiết lộ ý định tự tử với bạn bè hơn là cha mẹ hoặc người chăm sóc do lo ngại về cách phụ huynh có thể phản ứng. Do đó, khi nghĩ con mình đã sẵn sàng, điều quan trọng là bắt đầu một cuộc trò chuyện và để chúng hiểu rõ rằng, việc nói về tự tử là hoàn toàn bình thường”.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần cho trẻ biết rằng, nếu gặp khó khăn, trẻ sẽ được cha mẹ giúp đỡ. Hãy nhắc nhở trẻ rằng, con không làm gì sai và với tư cách là cha mẹ, phụ huynh muốn giúp con vượt qua những thời điểm khó khăn, đặc biệt là khi trẻ cảm thấy không đáng sống.

Tiến sĩ Khan gợi ý, có thể hữu ích khi cha mẹ đặt câu hỏi cho con để đánh giá những gì chúng đã biết. Điều này cũng có thể giúp phụ huynh xác định những thông tin sai lệch mà trẻ có thể đã nghe.

Trước khi có một cuộc trò chuyện dài về vấn đề tự tử, cha mẹ hãy tìm hiểu xem con mình đã biết gì về chủ đề này. Hãy bắt đầu bằng cách hỏi xem có bạn bè nào của trẻ đang gặp khó khăn không, con sẽ làm gì để hỗ trợ bạn và có những lựa chọn nào để giúp đỡ.

Tiến sĩ Ackerman nói, cha mẹ hãy đảm bảo với trẻ rằng, trong hầu hết trường hợp, những thách thức về sức khỏe tâm thần đều có thể điều trị được. Đồng thời, hãy nhấn mạnh rằng, cha mẹ luôn ở bên để mang gánh nặng cùng trẻ, giúp con tìm sự giúp đỡ và đảm bảo rằng, trẻ không hành động theo những suy nghĩ đó.

“Sự quen thuộc có thể là một điều tốt hoặc xấu. Chúng tôi không muốn YouTube hoặc cuộc trò chuyện không chính thức trở thành nguồn giáo dục duy nhất về chủ đề này. Cởi mở để nói về tự tử mà không đổ lỗi hoặc xấu hổ là rất quan trọng”, Tiến sĩ Ackerman nói.

Khi thích hợp, cha mẹ có thể hỏi trẻ rằng: “Con có bao giờ cảm thấy buồn đến mức không thể đối phó được không?” Hoặc: “Con đã bao giờ cảm thấy tồi tệ đến mức muốn chết chưa?”. Ngay cả khi trẻ nói không, cha mẹ hãy cho con biết rằng, trẻ luôn có thể nói chuyện với phụ huynh về những điều như thế này.

Theo bà Angoff Chedd, “bình thường hóa” các vấn đề sức khỏe tâm thần cũng là một cách tiếp cận tốt. Song, đó là một sự cân bằng mong manh. Cha mẹ hãy cho trẻ biết rằng, mọi người đôi khi cảm thấy buồn và thất vọng. Đó là điều bình thường. Song, trẻ luôn có sự trợ giúp.

Cha mẹ cần trao đổi trực tiếp và rõ ràng. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần trao đổi trực tiếp và rõ ràng. Ảnh minh họa.

Thành thật với trẻ về vấn đề tự tử

Tiến sĩ Ackerman nói rằng, khi trẻ 14 tuổi trở lên, nguy cơ tự tử tăng lên đáng kể. Trẻ cũng có thể đã gặp phải một người có tình trạng sức khỏe tâm thần. Hoặc, bản thân trẻ đã trải qua các triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng. Theo bác sĩ Khan, việc đảm bảo trẻ biết phải làm gì khi chúng hoặc ai đó có ý định tự tử là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, cha mẹ hãy nhấn mạnh thực tế rằng, mình luôn sẵn sàng hỗ trợ trẻ.

Theo Tiến sĩ Ackerman, nếu thừa nhận có ý định tự tử hoặc chia sẻ một số hiểu biết sâu sắc về cảm xúc hay sự lo lắng, có thể là trẻ muốn được lắng nghe. Đồng thời, muốn ai đó hiểu được nỗi đau tinh thần của chúng.

Bà Angoff Chedd cho biết: “Hãy trung thực và thẳng thắn về việc tự tử ngay cả khi trẻ phản kháng. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thảo luận cởi mở về bất kỳ cảm giác khó khăn nào mà trẻ đang gặp phải, đặc biệt là trầm cảm, lo lắng và cảm giác không xứng đáng, bị cô lập, thất bại. Đưa chủ đề này vào một bối cảnh hơi khác hoặc trung tính hơn có thể dẫn đến một cuộc trò chuyện thú vị”.

Ông Brooke Schwartz - một nhân viên xã hội lâm sàng được cấp phép tại Mỹ cho biết, các cuộc trò chuyện trực tiếp có thể cung cấp thời gian để trẻ xử lý và phản hồi mà không bị gián đoạn. Những cuộc thảo luận này cũng không cần phải trang trọng. Chúng có thể diễn ra khi cha mẹ và trẻ đang ở trong xe hoặc cùng nhau thực hiện một hoạt động nào đó.

Điều quan trọng nhất là các cuộc trò chuyện diễn ra khi trẻ sẵn sàng và có đủ thời gian để đặt câu hỏi. Chuyên gia này gợi ý, cha mẹ đừng ngại đưa ra những câu trả lời trung thực và thực tế. Từ đó, giúp trẻ cảm thấy có một không gian an toàn để khám phá thực tế của việc tự tử. Tránh vòng vo về chủ đề hoặc nói những điều mơ hồ. Thay vào đó, hãy trực tiếp và rõ ràng.

Theo Very Well Family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ