Hiểu rõ nguyên nhân để ngăn ngừa tự tử ở trẻ

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ em có hành vi tự hủy hoại bản thân, do đó cần nhìn nhận nguyên nhân đa chiều để hiểu đầy đủ về sự việc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với kinh nghiệm tham vấn tâm lý nhiều năm, TS Quách Thu Quế đã tiếp xúc với rất nhiều ca trầm cảm – cả trẻ em và người trưởng thành - muốn tìm đến cái chết hoặc đã một, hai lần tìm đến cái chết không thành.

Điều đáng bàn là hầu hết các bậc làm cha, mẹ đều không nhận ra những dấu hiệu của vấn đề mà con họ đang gặp phải để can thiệp kịp thời.

Bắt nguồn từ hội chứng trầm cảm

- Đâu là nguyên nhân dẫn đến ý định hoặc hành vi tự tử ở học sinh, thưa Tiến sĩ?

TS Quách Thu Quế: Mọi người thường chỉ quan tâm tới nguyên nhân bạo lực nhưng đó chỉ là một trong số những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm rồi có hành vi tự tử chứ bạo lực không phải là nguyên nhân duy nhất.

Phần lớn hành vi tự tử thường do hội chứng trầm cảm và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trẻ vị thành niên bị trầm cảm thường gặp trong các trường hợp gia đình bất hòa, mâu thuẫn và thiếu sự yêu thương chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình như bố mẹ ly thân/ly hôn, bạo lực gia đình... bản thân trẻ gặp khó khăn, thất bại trong học tập, trong quan hệ bạn bè, tình yêu, bị xâm hại tình dục...

Ngoài ra, cũng cần kể đến các nguyên nhân di truyền hoặc nguyên phát khác như các căn bệnh tâm thần hay tâm thần phân liệt, hoang tưởng, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách cũng có thể là nguyên nhân bệnh lý dẫn đến tự tử ở tuổi vị thành niên.

Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra trầm cảm ở trẻ vị thành niên là do áp lực học tập, thi cử. Hiện nay, trên thực tế, vấn đề sức khỏe tâm thần và đặc biệt là tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều.

Ngoài ra, cũng có một số trẻ do mâu thuẫn bạn bè, bị kỳ thị, bị bắt nạt hoặc bị quấy rối trong trường học cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên tự tử.

Những mối quan hệ bất hòa, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được quan tâm giải quyết, giúp đỡ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được giải pháp để xử lý những khó khăn mà trẻ gặp phải. Cùng với đó, áp lực học tập, thiếu kỹ năng xử lý tình huống dẫn đến trẻ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát và tìm đến hành vi tự tử. Các em xem việc tự tử như cách để giúp thay đổi trạng thái tiêu cực, tìm sự giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống…

Tóm lại, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử ở trẻ và cho dù nguyên nhân có giống nhau thì cách xử lý vấn đề và có tìm đến sự hủy hoại hay không của từng trẻ cũng rất khác nhau. Trong đó, có nhiều nguyên nhân mà người lớn hay các bậc cha mẹ không thể lường trước được và thường chủ quan, không chú ý tới.

Rõ ràng, không phải chỉ người lớn mới có áp lực hay vấn đề về tâm lý, mà trẻ em cũng rất cần được quan tâm, lắng nghe và giúp đỡ vượt qua những “rắc rối” của lứa tuổi.

Đa số cha mẹ, thầy, cô giáo, người lớn thường chủ quan và chưa quan tâm nhiều đến vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em, thậm chí nhiều bậc cha mẹ cho rằng trẻ em thì không có những vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Nhiều trường hợp có ý định tự tử, muốn giải thoát cho bản thân, có hành vi tự hủy hoại bản thân thậm chí có em đã lên kế hoạch rất nhiều lần nhưng không chia sẻ với cha mẹ, người thân nên khó nhận biết.

Các bậc cha mẹ thường không nhận ra những điều này sớm vì coi nhẹ vấn đề của trẻ, chỉ đến khi các em tự tử mới giật mình tỉnh ngộ.

TS Quách Thu Quế - chuyên gia tâm lý học.

TS Quách Thu Quế - chuyên gia tâm lý học.

Nhìn nhận nguyên nhân đa chiều

- Theo Tiến sĩ, cha mẹ có trách nhiệm ra sao trong việc bảo vệ trẻ khỏi những tổn thương tâm lý, dẫn đến hành vi nghiêm trọng này?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ em có hành vi tự hủy hoại bản thân. Trước những sự việc này, chúng ta không nên nhìn phiến diện và vội đổ lỗi cho một đối tượng cụ thể nào, mà cần nhìn nhận nguyên nhân đa chiều để hiểu đầy đủ về sự việc, cũng như nguyên nhân chính của vấn đề tự tử ở trẻ là gì.

Với trẻ em, vai trò của gia đình rất quan trọng. Trẻ càng nhỏ, những tác động, ảnh hưởng trực tiếp từ gia đình, nhà trường càng lớn. Với trẻ mầm non, tiểu học, THCS thì vai trò, ảnh hưởng của cha mẹ lại càng đặc biệt quan trọng hơn vì đây là môi trường sống và học tập chủ yếu của trẻ.

Cha mẹ không chỉ là người dạy bảo, nuôi dưỡng, chăm sóc, mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục và định hình nhân cách cho trẻ. Trong quá trình này, cha mẹ không chỉ dừng ở việc chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng, cung cấp môi trường học tập tốt, mà cần phải thấu hiểu, hỗ trợ, nâng đỡ về mặt tâm lý, điều này có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình trưởng thành của trẻ em.

Thực tế hiện nay, cha mẹ cũng nhiều áp lực và có thể cũng do chủ quan nên ít quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm và sức khỏe tâm thần của con. Vì thế, trẻ em cũng ít chia sẻ với cha mẹ, thầy, cô giáo và cứ chịu đựng một mình.

Việc trẻ thiếu sự chia sẻ này phần nào dẫn đến sự bế tắc, không thấu hiểu giữa cha mẹ và con. Chưa kể rất nhiều bậc cha mẹ vì quá mặc cảm, không thừa nhận con mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên không đưa con đi khám.

Thậm chí có những cha mẹ biết con có vấn đề về tâm lý, trẻ em bị xâm hại hoặc những vấn đề về giới tính nhưng không thừa nhận để đưa con đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý can thiệp kịp thời.

Tuy nhiên, chúng ta không thể đổ lỗi cho trẻ em hay các bậc cha mẹ bởi vì cũng có những trường hợp đưa con đến khám bác sĩ tâm lý hay bác sĩ ở bệnh viện tâm thần thì gần như trẻ không có bạn chơi cùng hoặc gia đình, làng xóm xì xèo to nhỏ làm họ bất an. Đôi khi cha mẹ cũng phải chịu áp lực và trầm cảm theo con.

Đây là một trong những vấn đề cần được tuyên truyền, giáo dục để không ai bị tổn thương hai lần, nhất là những trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục cần sự bảo vệ, giữ kín bí mật danh tính cho trẻ và gia đình của trẻ.

Chơi đùa với bạn bè cùng lứa tuổi sẽ làm cho trẻ thêm hòa đồng và cởi mở.

Chơi đùa với bạn bè cùng lứa tuổi sẽ làm cho trẻ thêm hòa đồng và cởi mở.

Có thể ngăn ngừa được

- Vậy, tự tử ở học sinh có thể ngăn ngừa được không và bằng cách nào?

Hiện, có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị chứng trầm cảm ở trẻ em, một trong những nguyên nhân được coi là dẫn đến tự tử. Tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây nên hành vi tự tử ở trẻ em mà tìm đến các biện pháp can thiệp phù hợp.

Có thể đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa để thăm khám hoặc đưa trẻ em đến gặp các chuyên gia tâm lý để được tư vấn hướng dẫn và trợ giúp tùy mức độ trầm trọng của trẻ em.

Có nhiều liệu pháp điều trị và liệu pháp tâm lý chữa trầm cảm cho trẻ em là phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm không dùng thuốc. Liệu pháp này có tác động đến tâm thần kinh của người bị trầm cảm nhằm cải thiện các triệu chứng của người trầm cảm. Nhưng cần được điều trị liên tục trong thời gian dài sẽ có tác dụng trong việc làm giảm nguy cơ bệnh tái phát lại, đặc biệt ở trẻ bị trầm cảm nhẹ.

Đối với trẻ em bị trầm cảm nặng hoặc do nguyên phát thì cần phải kết hợp điều trị thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Ở đây, có thể kể ra một trong những liệu pháp chữa trầm cảm như: Liệu pháp giáo dục tâm lý cho trẻ em, phương pháp này chuyên gia tâm lý cần dày công tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân chính của việc gây ra trầm cảm ở trẻ, từ đó đưa ra các liệu pháp phù hợp với từng trẻ, từng độ tuổi và nhận thức của trẻ.

Liệu pháp cá nhân chữa trầm cảm thường kéo dài từ 1 - 3 trị liệu tùy vào mức độ và nguyên nhân mà trẻ gặp phải, liệu pháp này chủ yếu nhằm thúc đẩy mối quan hệ của trẻ với những người xung quanh với môi trường sống của trẻ. Chuyên gia tâm lý sẽ hướng dẫn trẻ cách xây dựng mối quan hệ cá nhân cũng như giải thích cho trẻ hiểu những hành động của trẻ có ảnh hưởng như thế nào với chính bản thân và những người xung quanh.

Liệu pháp hành vi cũng được nhiều chuyên gia áp dụng và thường kéo dài hơn liệu pháp cá nhân, ít nhất từ 3 - 5 tháng tùy thuộc vào mức độ, nguyên nhân gây bệnh của trẻ.

Phương pháp này chuyên gia tâm lý sẽ quan sát và tìm hiểu những suy nghĩ hành vi của trẻ, kết hợp sử dụng nhiều biện pháp phóng chiếu khác nhau tùy thuộc độ tuổi của trẻ em như vẽ tranh, kể chuyện hoặc vẽ lại chân dung mà trẻ quan tâm nhất, trong trí nhớ của trẻ... Có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp mà trẻ yêu thích nhằm giải phóng, thay đổi trạng thái cho trẻ từ buồn phiền, mệt mỏi sang vui vẻ tích cực, những liệu pháp này nhằm thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, suy nghĩ và hành vi của trẻ từ tiêu cực chuyển dần sang chiều hướng tích cực.

Một liệu pháp nữa cũng được nhiều nhà tâm lý học sử dụng đó là liệu pháp nhóm. Liệu pháp này được sử dụng nhiều ở các nước phương Tây như cho trẻ tham quan, picnic, sinh hoạt câu lạc bộ giao lưu giải trí tích cực phù hợp với trẻ, nhằm tạo cơ hội cho trẻ em chia sẻ với bạn bè cùng nhóm mà đôi khi trẻ không muốn nói với cha mẹ, người thân hay chuyên gia tâm lý.

Các em dễ dàng tìm kiếm sự đồng cảm từ những người cùng lứa tuổi, đây cũng là liệu pháp hiệu quả trong quá trình trị liệu tâm lý cho trẻ trầm cảm.

Tuy nhiên, trong thực tế còn có nhiều liệu pháp hỗ trợ tâm lý khác nhau tùy thuộc vào từng trẻ cũng như vấn đề của trẻ em gặp phải để lựa chọn cho phù hợp và hiệu quả.

Tóm lại, tự tử ở trẻ em có thể ngăn ngừa được, việc hiểu rõ các nguyên nhân, các dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp cho gia đình, nhà trường tìm cách giải quyết và ngăn ngừa hiệu quả. Cha mẹ, nhà trường và bạn bè có thể nhận ra các dấu hiệu cảnh báo sớm và thực hiện hành động ngay lập tức để giữ an toàn cho trẻ tránh tự làm hại bản thân.

Theo số liệu của điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên ở Việt Nam lần thứ 2 (do Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, WHO tổ chức năm 2000) trên 10.000 thanh thiếu niên, thực hiện tại 63 tỉnh, thành có tới 409 người (4,1%) có ý định tự tử.

Theo thống kê khác của Trung tâm Phòng chống khủng khoảng tâm lý (PCP), ở Việt Nam thanh thiếu niên thuộc độ tuổi từ 15 - 24 là nhóm lứa tuổi có ý định tự sát cao hơn cả và tỷ lệ nữ giới có ý định tự sát cao gấp hai lần so với nam.

Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (năm 2010) đối với hơn 10.000 người trong nhóm tuổi này cho thấy, 4,1% người nghĩ đến chuyện tự tử, 25% đã tìm cách kết thúc cuộc sống. Các số liệu trên như một hồi chuông báo động về nạn tự tử ở vị thành niên hiện nay và vấn đề không thể xem nhẹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ