Chuyên gia bật mí lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai

GD&TĐ - Các chuyên gia khuyến cáo, khi lựa chọn nghề nghiệp, học sinh cần cẩn trọng tìm hiểu xem bản thân thực sự thích thú với loại công việc nào?

Thí sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh minh họa: TG
Thí sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh minh họa: TG

Nhận diện xu hướng nghề

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), trước khi chọn nghề, học sinh cần căn cứ vào năng lực, thể chất của mình. Cần xem xét mình thích làm việc trong môi trường như thế nào? Mong muốn về tiền lương, cơ hội thăng tiến ra sao…

Sau đó, các em tìm kiếm một số công việc đáp ứng được nhiều nhất những mong muốn và khả năng của mình. Cuối cùng, cần căn cứ vào điều kiện gia đình, năng lực học tập để lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp.

TS Huỳnh Anh Bình - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP Hồ Chí Minh trao đổi, định hướng nghề nghiệp được xem là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến thành công của mỗi cá nhân trong tương lai.

Khi có định hướng đúng đắn, mỗi cá nhân sẽ phát huy khả năng của mình và tiếp cận được công việc phù hợp. Từ đó, dần dần khẳng định vị trí trong xã hội cũng như sự công nhận của mọi người.

“Định hướng nghề nghiệp không chỉ đơn thuần là việc giúp một người nào đó lựa chọn một nghề nuôi sống bản thân, gia đình, mà đó còn là tương lai. Tương lai của các em có thực sự rộng mở không, có cơ hội để phát triển thành công hay thất bại… phụ thuộc rất nhiều vào định hướng nghề ngay từ ban đầu” - TS Bình nhấn mạnh.

TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông Đại học Gia Định (TP Hồ Chí Minh) – nhấn mạnh, xu hướng nghề là yếu tố quan trọng trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp của mỗi người; trong đó gồm có: sở thích, sở trường, điều kiện để chúng ta học tập và lựa chọn môi trường học tập. Xu hướng nghề nghiệp đang trở thành yếu tố được học sinh và phụ huynh quan tâm.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Yếu tố quyết định đến lựa chọn ngành học

Theo TS Mai Đức Toàn, hiện có nhiều thông tin khiến thí sinh bối rối khi lựa chọn ngành học, trường học. Vì vậy, học sinh cần tham khảo từ các nguồn thông tin chính thống như: tìm hiểu qua trang website, fanpage chính thức, kênh YouTube của trường đại học mà mình muốn theo học. Ở đó có thông tin về ngành học, chương trình học, thời gian đào tạo, học phí, môi trường học tập trải nghiệm để có hình dung cụ thể nhất.

TS Mai Đức Toàn cho rằng, bên cạnh sở thích, sở trường, năng lực học tập, một yếu tố có tính chất quyết định đến lựa chọn ngành học, trường học – nghề nghiệp trong tương lai đó là, điều kiện về kinh tế của gia đình. Có nhiều bạn học đại học và học lên các bậc học cao hơn nhưng cũng có nhiều bạn chọn con đường ngắn hơn để thực hiện mục tiêu dài hạn.

Việc cuối cùng là, ngay từ đầu xu hướng nghề nghiệp phải gắn liền với mục tiêu của bản thân. Bởi nếu chọn sai nghề sẽ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc và cả chất xám.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, chọn sai nghề dẫn tới bản thân không phát huy hết năng lực, tố chất của mình trong công việc, giảm năng suất và hiệu quả lao động. Từ đó, gây tâm lý chán nản, thất vọng, thiếu tự tin và mất đi động lực để làm việc và luôn cảm thấy không thỏa mãn, dẫn tới trì hoãn thực hiện các việc được giao, tìm mọi cơ hội trốn việc, bỏ việc.

Dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế - cho rằng, khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân có giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên có thực trạng là, đa số phụ huynh và học sinh vẫn muốn trúng tuyển bằng được vào các trường đại học. Thực tế này dẫn đến hệ lụy, một lượng học sinh lớp 12 đã vào học đại học nhưng sau đó bỏ hoặc ra trường đi làm trái ngành, trái nghề.

Vô hình trung tạo nghịch lý cho thị trường lao động Việt Nam là: thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề trong định hướng phát triển nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao ở các ngành cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.