Chuyên gia “bật mí” giải pháp nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh

GD&TĐ - Theo PGS.TS. Lê Văn Canh - Trường ĐH Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), có một nghịch lý trong giảng dạy tiếng Anh là: Ở đâu năng lực sử dụng tiếng Anh được đề cao thì việc học tiếng Anh ở đấy thường khó khăn.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Ở những nơi điều kiện khó khăn, khả năng sủ dụng tiếng Anh có thể giúp người dân ở đó cải thiện thu nhập nhờ khả năng tìm việc làm tăng lên. Nhưng ở những nơi đó lại thiếu những điều kiện cần thiết để học tiếng Anh đạt kết quả.

Động lực giúp học sinh quyết tâm học tiếng Anh

PGS.TS. Lê Văn Canh phân tích: Do không có điều kiện tiếp xúc với tiếng Anh trong cộng đồng là cản trở lớn đối việc học có kết quả, đồng thời kỹ năng nói tiếng Anh cũng khó phát triển do không có cơ hội sử dụng tiếng Anh trong cộng đồng.

Trong những điều kiện như vậy mà với số giờ dạy tiếng Anh theo chương trình như hiện nay thì việc dạy và học tiếng Anh khó có thể, nếu không muốn nói là không thể, đạt kết quả mong muốn.

Trong học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh như một ngoại ngữ nói riêng, từ vựng giữ vai trò trung tâm và cốt yếu. Để có thể đạt trình độ bậc 3 và bậc 4 trong Khung năng lực tiếng Anh dành cho người Việt Nam, người học cần một lượng từ vựng khá lớn khoảng 3.000 - 4.000 đơn vị từ vựng.

Đây có thể coi là một thách thức lớn đối với những người học tiếng Anh như một Ngoại ngữ và thách thức càng lớn hơn đối với những người học tiếng Anh ở các vùng khó khăn như định nghĩa ở trên.

Có thể nói đây chính là nguyên nhân lý giải tại sao nhiều học sinh, kể cả giáo viên không đạt được trình độ tiếng Anh mong muốn. Vì vậy việc tự học ở nhà có vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí là giải pháp duy nhất để giúp việc dạy và học tiếng Anh đạt kết quả mong muốn. Nhưng kỹ năng tự học không phải tự nhiên mả có mà cần phải được hướng dẫn và rèn luyện.

"Richards (2014) nhận xét rằng việc dạy tiếng Anh từ lâu hướng tới mục đích là chuẩn bị cho người học có kiến thức và kỹ năng để sủ dụng tiếng Anh bên ngoài lớp học cho nên trong suốt 100 năm qua người ta chỉ quan tâm đến việc học trên lớp.

Tuy nhiên, giờ đây người ta đã thừa nhận những học chế của việc học trên lớp. Cỏ hội học trên lớp là rất hạn chế. Vì vậy, ngày nay với việc công nghệ đang thâm nhập sâu rộng vào mọi mặt của đời sống con người thì việc học tiếng Anh trong các lớp học ảo tạo nhiều cơ hội để học tiếng Anh hơn nhiều so với những cơ hội học trên lớp" - PGS Lê Văn Canh dẫn giải.

"Động lực là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết tâm tự học của người học. Nhìn chung học sinh bây giờ đều hiểu được vai trò quan trọng của tiếng Anh đối với tương lai của mình, nhưng tại sao họ càng học tiếng Anh thì động lực của họ càng giảm sút? Vậy thì loại động lực nào giúp học sinh quyết tâm học tiếng Anh?" - PGS.TS. Lê Văn Canh đặt vấn đề, đồng thời giải thích:

Theo lý thuyết hành động thì mặc dù học sinh có động lực học tiếng Anh rất mãnh liệt nhưng nếu động lực đó không biến thành hành động thì không có kết quả gì. Khi việc học tiếng Anh trở thành trò chơi ‘leo cột mỡ’ thì động lực học của người học đương nhiên giảm sút nghiêm trọng, thậm chí mất hẳn.

Do vậy, điều quan trọng để duy trì và phát triển động lực học tiếng Anh cho học sinh thì cần phải đảm bảo rằng việc học của họ có mang lại kết quả.

Có nhiều hoạt động học tiếng Anh như một Ngoại ngữ bên ngoài lớp học như: Xem các chương trình truyền hình bằng tiếng Anh, nghe các bài hát tiếng Anh, tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh...

Tuy nhiên, người học sẽ không thể tham gia hoặc tham gia không có hiệu quả các hoạt động đó nếu vốn từ vựng của họ quá nghèo nàn.

Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở vùng khó

PGS.TS. Lê Văn Canh:  Học sinh được phép tự chọn tài liệu đọc theo sở thích của các em

PGS.TS. Lê Văn Canh - cho biết: Các nghiên cứu đã khẳng định một trong những giải pháp tốt nhất giúp người học Ngoại ngữ đạt kết quả cao là khuyến khích và giúp đỡ học đọc thêm tiếng Anh ở nhà.

Vì vậy, một trong những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng học tiếng Anh ở các vùng khó khăn là giáo viên thiết kế và thực hiện một chương trình đọc thêm tiếng Anh ở nhà cho học sinh.

Khi xây dựng chương trình đọc thêm tiếng Anh ở nhà cần lưu ý các nguyên tắc sau: Giáo viên phải nắm được nội dung về tài liệu yêu cầu học sinh đọc ở nhà và đảm bảo nội dung sách phải hấp dẫn với học sinh.

Nội dung phải phù hợp với trình độ của người học về độ khó của ngôn ngữ. Cụ thể: Học sinh được phép tự chọn tài liệu đọc theo sở thích của các em; Chương trình phải được thực hiện thường xuyên; Cần có những quy định phù hợp để xây dựng thói quen đọc ở nhà của các em;

Cần có các hoạt động nối tiếp với hoạt động đọc thêm ỏ nhà. Ví dụ, giáo viên yêu cầu học sinh kể lại những gì các em đã đọc ở nhà; Giáo viên theo rõi sự tiến bộ của học sinh theo sự thay đổi trong vốn từ vựng.

"Khó khăn lớn nhất đối với giáo viên khi thực hiện chương trình đọc hiểu cho người học là làm sao hình thành và phát triển thói quen đọc cho họ. Ngoài việc lưu ý các yêu cầu về tài liệu đọc như trên, giáo viên cần hướng dẫn và khuyến khích người học tham gia đọc.

Để làm được việc đó, yêu cầu quan trọng số một là cần gắn kết chương trình đọc thêm tiếng Anh ở nhà với chương trình chính khóa và dành một lượng thời gian thỏa đáng trên lớp cho các hoạt động đọc thêm ở nhà" - PGS.TS. Lê Văn Canh trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ