Nhân tố quan trọng để dạy-học tiếng Anh vùng khó khăn đạt hiệu quả

GD&TĐ - Theo thạc sỹ Nguyễn Hạnh Đào (Viện Ngoại ngữ - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), nhân tố quan trọng nhất để thực hiện việc dạy - học tiếng Anh bậc THCS vùng khó khăn là đội ngũ giáo viên tiếng Anh. Dưới đây là gợi ý của thạc sỹ Nguyễn Hạnh Đào:

Nhân tố quan trọng để dạy-học tiếng Anh vùng khó khăn đạt hiệu quả

Về năng lực ngôn ngữ: Bậc 3 thay vì bậc 4, nghĩa là thấp hơn 1 bậc so với các đồng nghiệp ở vùng thuận lợi hơn, tương đương trình độ B1 do điều kiện để nâng cao năng lực và cơ hội sử dụng ngôn ngữ cũng như đối tượng người học của họ không giống như các khu vực thuận lợi khác. Tuy nhiên, họ cần được trang bị đầy đủ hệ thống kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ cơ bản dưới đây:

Phát âm, phiên âm chuẩn các nguyên âm và phụ âm đơn lẻ, âm tiết và trọng âm, trọng âm của câu và ngữ điệu; nắm vững hệ thống chữ cái và cách đánh vần các chữ cái trong tiếng Anh và có thể ghép giữa cách viết và cách phát âm của từ vựng trong tiếng Anh.

Nắm chắc các loại cụm, câu cơ bản, cách cấu tạo đoạn văn và bài luận cơ bản trong tiếng Anh; Có vốn từ vựng về các chủ điểm quen thuộc và liên quan của bậc 2 trong Khung 6 bậc Khung năng lực Ngoại ngữ Việt Nam; Có năng lực nghe, đọc, viết, nói các chủ điểm thuộc bậc 1 đến 3 trong Khung năng lực Ngoại ngữ Việt Nam.

Về cơ hội học tập và nâng cao nghiệp vụ: Áp dụng công nghệ thông tin với chi phí thấp nhất về thiết bị (tối thiểu là điện thoại có thẻ nhớ) để tạo điều kiện tốt nhất cho các giáo viên vùng khó khăn tiếp cận với nguồn tài liệu tham khảo giảng dạy và nâng cao nghiệp vụ.

Một ví dụ điển hình về nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên được thực hiện thành công tại Ấn Độ. Đó là chương trình English in Action (EIA) về phát triển nghiệp vụ cho giáo viên kéo dài 9 năm với mục tiêu đến năm 2017, khoảng 51 nghìn giáo viên có thể tiếp cận ngoại tuyến với các nguồn tài liệu tham khảo có hình ảnh, âm thanh, bài báo, v.v. phục vụ việc giảng dạy của họ ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ thời gian nào thông qua thiết bị giá rẻ ipod Nano và Touch của ang Apple.

Trong thời gian chạy thử nghiệm năm 2009-2010, có khoảng 459 giáo viên tiếng Anh tiểu học và 225 giáo viên trung học được phát dùng thử thiết bị này kèm theo đôi loa mini;

Trong thiết bị có khoảng 18 video mẫu về cách dạy theo phương pháp giao tiếp (Communicative Language Teaching) đúng và sai, các bài tập và hoạt động học tập bổ trợ cho chương trình tiếng Anh trong sách giáo khoa chính khóa và bộ tài liệu in gồm 12 bài hướng dẫn phương pháp dạy tiếng Anh, giáo viên có thể điều chỉnh cho phù hợp với nội dung giảng dạy.

Sau giai đoạn thử nghiệm năm 2011, bộ tài liệu EIA phát triển nghiệp vụ giáo viên Ấn Độ chính thức với phần giải thích và minh họa bằng video và audio lớp học thực tế các phương pháp giảng dạy tiếng Anh được nén vào thẻ SD dùng cho điện thoại di động smart phones hoặc điện thoại Nokia C1-01.

Với ý tưởng “Trainer in your hand”, họ đã thành công trong việc hỗ trợ cho giáo viên phát triển nghiệp vụ, nâng cao năng lực và giúp họ kết nối thông qua việc không ngừng nâng cấp bộ EIA đó như cho phép giáo viên upload các video quay tại lớp của họ cho nhóm giáo viên khác góp ý và chia xẻ ý tưởng giúp giờ học đó hiệu quả hơn.

Bên cạnh việc sử dụng công nghệ ngoại tuyến tích hợp trong thẻ nhớ, USB dùng cho điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử phổ biến như màn hình tivi để chuyển tải các thông tin và tài liệu giảng dạy và nâng cao nghiệp vụ vùng khó khăn, giáo viên tiếng Anh tiểu học cần được bồi dưỡng kỹ năng công nghệ cơ bản như cách thức tìm kiếm và tải tài liệu online, hoặc cách tải lên mạng Internet video/ định dạng văn bản khác.

Trang bị và hoàn thiện Phương pháp giảng dạy tiếng Anh THCS (Teaching English to Middle School Learners) phù hợp với đặc trưng riêng của đối tượng người học, môn học, cách thức kiểm tra đánh giá, và điều kiện nguồn lực thực hiện việc giảng dạy của giáo viên.

Một phương pháp được đề xuất để dạy một tiết học tiếng Anh phổ thông bởi Lawrence O. Richards và Gary J. Bredfeldt (1998) (trích trong Tedjaatmadja & Renandya (10/ 2012)) là cấu trúc tiến hành bài học theo bốn bước: Hook, Book, Look, Took (viết tắt HBLT):

+ Hook: Bắt đầu bài học bằng hoạt động ôn tập hoặc lead-in như chơi trò chơi (games), khơi gợi đam mê tham gia vào hoạt động học tập chính của bài học;

+ Book: Thu hút sự chú ý của học sinh vào nội dung trong tài liệu đọc hoặc nghe thông qua các kỹ thuật đọc to biểu cảm của giáo viên như đọc-đoán, kể chuyện-kiểm tra nghe hiểu, nghe- vẽ tranh, v.v…

+ Look: Tạo cơ hội cho học sinh áp dụng nội dung đó vào trong cuộc sống quanh các em

+ Took: Tóm tắt nội dung bài học thật cô đọng để học sinh ghi nhớ bằng hoạt động nói, hát, chants hoặc vui chơi linh hoạt áp dụng kiến thức vừa học.

Với việc tiến hành bài học HBLT như vậy, giáo viên tiếng Anh THCS có thể dễ dàng ghi nhớ và áp dụng linh hoạt bốn bước cơ bản, trong đó hai bước Book và Look đảm bảo sự cân bằng trong phương pháp dạy-học ngoại ngữ giữa việc học tập trung vào ngữ nghĩa và tập trung vào ngữ dụng (Ellis, 2005; Nation, 2007; trích dẫn trong Tedjaatmadja & Renandya (10/2012).

Thêm vào đó, đặc trưng của đối tượng học sinh THCS được quan tâm thông qua bước Hook bằng câu chuyện, câu hỏi lead-in liên quan đến cuộc sống, hiểu biết nền hoặc trò chơi và bước Took bằng bài hát, hoạt động luyện nói, viết về thế giới xung quanh sử dụng những kiến thức đã học phù hợp với tâm lý lứa tuổi và nội dung bài học.

Bài biết được biên tập từ tham luận "Một số gợi ý nhằm nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh THCS vùng khó khăn tại Việt Nam của thạc sỹ Nguyễn Hạnh Đào tại Hội thảo nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh vùng khó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ