Ngồi bồn cầu toilet xả nước có thể bị hút điện thoại?
Về vấn đề này, một lãnh đạo của Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) thừa nhận đúng là có chuyện nhiều hành khách ấn nút xả khi ngồi bồn cầu toilet từng bị rơi điện thoại, hoặc bị hút quần vào bên trong.
"Đây là chuyện bình thường, nhưng trường hợp này rất hạn hữu", ông này nói
"Máy bay giống như một quả bóng. Hệ thống cabin trong máy bay cũng vậy. Nó là phòng kín, khi ai đó xả nước, tức là cửa xả đã mở (nó giống như làm xì hơi quả bóng), với sự chênh lệch của áp suất, tất cả mọi thứ sẽ bị hút ra ngoài.
Vì vậy, nhiều người sử dụng bồn cầu xong ấn nút xả bị hút quần vào bên trong là chuyện bình thường”, vị lãnh đạo VAECO lý giải.
Tuy nhiên, thông tin lực hút của toilet có thể kéo ruột người ra ngoài là không chính xác. Bởi lực hút sau khi ấn nút xả không mạnh như mọi người lầm tưởng, tất nhiên nó không đủ mạnh để hút ruột gan, hoặc khiến người đàn ông dính chặt vào bồn cầu.
“Đường ống dẫn chất thải bồn cầu trên máy bay rất nhỏ, nhỏ hơn rất nhiều so với bồn cầu ở mỗi gia đình. Vì vậy, lực hút không mạnh như mọi người nghĩ. Ngoài ra, hệ thống cửa xả đóng lại rất nhanh, chỉ vài giây thôi nên rất an toàn”, lãnh đạo VAECO nói.
Toilet sẽ chỉ mở ra với lượng áp suất vừa đủ để hút rác, chất thải và nhanh chóng đóng lại. (Ảnh minh họa: Kevork Djansezian/Getty).
Ý kiến này nhận được sự đồng tình của ông Nguyễn Đức Cương, Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam. Ông khẳng định chưa bao giờ gặp tình huống hay trường hợp nào mà hành khách xả nước khi ngồi bồn cầu toilet thì ruột từ ổ bụng sẽ bị kéo hết xuống cùng.
"Toilet sẽ chỉ mở ra với lượng áp suất vừa đủ để hút rác, chất thải và nhanh chóng đóng lại. Toilet bình thường không thể nào đủ áp suất để kéo cả ruột người ra ngoài. Trước khi bay, các hãng phải kiểm tra tất cả mọi thứ trước khi cất cánh, nên chuyện đó là vô lý", ông Cương nói.
Một chuyên gia khác cho rằng, về lý thuyết, nếu ai đó ngồi khít bồn cầu, lấp hết đường thông khí thì khi xả nước sẽ có 1 lực hút làm họ hơi dính vào nắp bồn, nhưng chắc chắn không có gì nguy hiểm. Trường hợp này cũng rất hạn hữu trường hợp đó cũng rất hạn hữu.
Bên cạnh đó, hệ thống xả thải của máy bay là đường ống dài chứ không phải hút trực tiếp xuống dưới nên lực hút nó không mạnh đến mức gây nguy hiểm được cho bất cứ ai.
Dù vậy, với lý do như trên, các chuyên gia khuyến cáo, đi toilet xong, hành khách cần đứng lên, đóng lắp bồn cầu rồi mới ấn nút xả. Đặc biệt, hành khách không được vứt rác xuống bồn cầu, như vậy sẽ khiến hệ thống xả bị tắc.
Ngoài ra, hành khách cần nghe theo lời chỉ dẫn của tiếp viên hàng không trên chuyến bay mà họ đang có mặt. Trước khi vào toilet hay sử dụng bất kỳ phần nào trên máy bay, hành khách nên đọc kỹ những hướng dẫn cụ thể
Hệ thống nhà vệ sinh trên máy bay hoạt động thế nào?
Lãnh đạo của VAECO cho biết, hệ thống nhà vệ sinh trên máy bay có cơ chế hoạt động khác hoàn toàn so với nhà vệ sinh thông thường. Trong đó, bồn cầu trên máy bay không sử dụng nước để đẩy chất thải xuống buồng chứa.
Thay vào đó, bồn cầu trên máy bay sử dụng sự chênh áp giữa bên trong cabin máy bay và khoảng không gian bên ngoài, một số dòng máy bay khác sử dụng hệ thống vacuum (hệ thống hút chuyên dụng trên máy bay).
Máy bay giống như 1 quả bóng, khi xì hơi quả bóng, áp suất chênh lệch sẽ hút khí ra ngoài. Hệ thống bồn cầu trên máy bay cũng giống như vậy, bên trong cabin là buồng kín.
Khi máy bay cất cánh, áp suất bên trong cabin sẽ cao hơn bên ngoài. Các nhà thiết kế máy bay lợi dụng điều đó để hút các chất thải, đẩy xuống buồng chứa chất thải bên trong máy bay.
Khi máy bay hạ cánh, hãng hàng không sẽ sử dụng máy hút chuyên dụng để hút chất thải bên trong thùng chứa để mang ra ngoài xử lý.
Mặc dù không sử dụng nước để đẩy chất thải xuống buồng chứa, tuy nhiên, hành khách vẫn sẽ thấy một chút nước ở vành bồn cầu.
Lãnh đạo VAECO tiết lộ, lượng nước bên trong rất ít, và nước trong bồn cầu máy bay không có chức năng đẩy chất thải xuống hệ thống buồng chứa giống như nhà vệ sinh thông thường. Nước ở bên trong chỉ có tác dụng hạn chế chất thải bám vào vành bồn cầu máy bay.
Ngoài ra, bên trong bồn cầu đã được tráng trước nhựa Teflon, một loại nhựa thường được dùng để tráng chảo chống dính trong bếp. Bởi thế, rất khó để chất thải có thể bám vào vành bồn cầu.