Chuyển đổi vắc xin chương trình tiêm chủng: Không nên quá hoang mang

GD&TĐ - Sau 7 năm đồng hành cùng Chương trình tiêm chủng mở rộng, mới đây, Bộ Y tế chính thức thông báo việc chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem (vắc xin 5 trong 1).

Chuyển đổi vắc xin chương trình tiêm chủng: Không nên quá hoang mang

Đây là vắc xin do Hàn Quốc sản xuất, được cung cấp miễn phí nhưng thời gian tới nhà máy ngừng sản xuất nên ngành y tế lên phương án chọn vắc xin thay thế, có thành phần và tác dụng phòng ngừa bệnh tương đương vắc xin cũ.

7 năm thăng trầm

Vắc xin Quinvaxem phòng 5 bệnh (ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib) do Hàn Quốc sản xuất, đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới. Vắc xin này được Quỹ Nhi đồng Liên Hiêp Quốc cung ứng cho Việt Nam thông qua Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Vắc xin được chỉ định cho trẻ từ 2 - 3 tháng, tiêm 3 mũi cho đến khi 1 tuổi.

Đã có 450 triệu liều vắc xin được sản xuất, sử dụng tại 94 quốc gia. Ở nước ta, vắc xin Quinvaxem được đưa vào chương trình tiêm chủng từ năm 2010, tiêm miễn phí cho trẻ. Sau 7 năm có khoảng 42 triệu liều được sử dụng. Không thể phủ nhận thành quả vắc xin Quinvaxem mang lại.

Đó là việc hàng triệu trẻ được bảo vệ khỏi các bệnh đã từng là nỗi sợ của cộng đồng, lấy đi tương lai của nhiều trẻ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, không ít lần phụ huynh quay lưng lại với vắc xin này do có nhiều trường hợp bị phản ứng sau tiêm.

Điển hình năm 2013, Bộ Y tế chính thức thông báo tạm dừng Quinvaxem để đánh giá lại chất lượng. Nguyên nhân do trước đó có 43 trẻ bị phản ứng nặng sau tiêm.

Kết quả kiểm định độc lập của Tổ chức Y tế thế giới lúc đó khẳng định, 27 ca tử vong trong số 43 trường hợp không liên quan đến tiêm chủng. 9 ca có liên quan nhưng đều phục hồi. Các trường hợp còn lại không liên quan đến chất lượng vắc xin và công tác tiêm chủng.

Trước sự việc trên, Bộ Y tế cũng vào cuộc đánh giá lại công tác tiêm chủng ở các cơ sở y tế, tổ chức tập huấn, siết chặt quy định đối với nhân viên thực hành tiêm chủng... Đến cuối năm 2015, sau khi được minh oan, vắc xin Quinvaxem tiếp tục có mặt trong danh sách mũi tiêm phòng cho trẻ trong chương trình tiêm chủng.

Từ đó đến nay, cũng có trường hợp trẻ bị phản ứng nhưng phần lớn được phát hiện kịp thời. Một số bé biến chứng nặng do liên quan đến bệnh mãn tính nhưng không được phát hiện trước đó.

Tìm vắc xin thay thế

Theo thông báo của Bộ Y tế, vắc xin Quinvaxem được sử dụng đến hết tháng 5. Sau đó, Bộ Y tế sẽ lựa chọn vắc xin khác thay thế. Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề xuất một loại vắc xin của Ấn Độ. Loại vắc xin này đáp ứng được tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO, đã có mặt tại 40 quốc gia trên thế giới.

Bộ Y tế chưa có quyết định cuối cùng về việc lựa chọn vắc xin nào, nhưng điều chắc chắn, vắc xin được chọn sẽ tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh như Quinvaxem, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu trao đổi với báo chí.

Hơn nữa, theo quy định, bất kỳ vắc xin nào nhập về cũng phải thực hiện đầy đủ thủ tục về cấp phép, độ an toàn. Như vậy, từ nay đến hết tháng 5, ngoài việc lựa chọn vắc xin, Bộ Y tế sẽ thí điểm tiêm trên quy mô nhỏ. 4 địa phương được lựa chọn là Hà Nam, Đồng Tháp, Bình Định và Kon Tum. Sau khi đánh giá độ an toàn, dự kiến vắc xim mới sẽ được dùng rộng rãi trên toàn quốc từ quý II/2018.

Cũng theo ông Phu, việc chuyển đổi vắc xin không phải là chuyện lạ. Do vậy, người dân không quá lo lắng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh mùa hè đang chờ cơ hội bùng phát như hiện nay, cha mẹ tiếp tục cho trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ mũi các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, để bảo vệ trẻ trước nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Để tạo hàng rào bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động tiêm vắc xin ngừa thủy đậu, sởi, quai bị, rubella để phòng bệnh cho mình và hạn chế nguy cơ gây bệnh bẩm sinh cho thai nhi.

Về phía Bộ Y tế, trước thực trạng nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi, thủy đậu, ngoài việc yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tiêm bổ sung cho trẻ lỡ mũi, giám sát số lượng trẻ tiêm, Bộ cũng đề nghị các đơn vị nghiên cứu vắc xin sởi có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng thay vì 9 tháng như hiện nay.

Trong năm 2018, Bộ Y tế đưa một số vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng, bao gồm vắc xin ngừa sởi - rubella do Việt Nam sản xuất được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi. Vắc xin thứ 2 là bại liệt dạng tiêm, sử dụng cho trẻ từ 5 tháng tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ