Cùng dự có các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Hữu Độ, Hoàng Minh Sơn và các thành viên Ban Chỉ đạo.
Theo báo cáo về công tác cải cách hành chính của Bộ GD&ĐT, trong quý I/2023, đơn vị chủ trì các lĩnh vực thuộc công tác cải cách hành chính đã chủ động triển khai, hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Theo đó, đã tham mưu, trình lãnh đạo Bộ ban hành các chương trình, kế hoạch công tác và tổ chức triển khai nhiệm vụ năm 2023 tại Bộ GD&ĐT trên cơ sở bám sát các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai năm 2023 của ngành, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Đồng thời, rà soát, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ GD&ĐT. Thực hiện việc công bố, công khai để địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức triển khai tại cơ sở. Thực hiện xác thực, định danh thông tin của giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh ngành giáo dục từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp. |
Về công tác chuyển đổi số, một số kết quả nổi bật là ứng dụng CNTT trong quản lý được triển khai trên diện rộng ở tất cả các nhà trường theo hướng sử dụng các hệ thống phần mềm quản lý trực tuyến (hiện đạt trên 90%), tập trung dữ liệu nhằm tăng hiệu quả quản lý, tiết kiệm chi phí đầu tư và nhân lực.
Phần lớn giáo viên phổ thông có kỹ năng thiết kế bài giảng và tổ chức dạy học trực tuyến. 100% giảng viên đại học, cao đẳng sư phạm có kỹ năng xây dựng bài giảng, tổ chức dạy học và đánh giá kết thúc học phần bằng hình thức trực tuyến.
Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng và đưa vào sử dụng Kho học liệu điện tử dùng chung, miễn phí cho giáo dục phổ thông với khoảng 7.000 bài giảng E-learning, hơn 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông.
Bài giảng E-learning. Ảnh minh họa/INT |
Kết nối thành công cơ sở dữ liệu quốc gia ngành Giáo dục với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Kết nối, xác thực, định danh hồ sơ cán bộ, giáo viên và học sinh trên tổng số gần 24 triệu học sinh (đạt 91,6%). Kết nối thành công Hệ thống phần mềm quản lý thi của Bộ và Hệ thống đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng (trong đó cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển cho thí sinh) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cổng Dịch vụ công quốc gia, đảm bảo an toàn thông tin và sử dụng ổn định.
Trong năm 2023, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai kết nối dữ liệu người học (cơ sở sở dữ liệu về giáo dục đại học) với dữ liệu bảo hiểm (cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm) nhằm hỗ trợ công tác thống kê tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, dự báo nguồn nhân lực và xu hướng nghề nghiệp của sinh viên ra trường.
Kết quả đạt được, đặc biệt là vấn đề còn khó khăn, hạn chế, cũng như lưu ý triển khai thực hiện trong thời gian tới là nội dung trọng tâm được trao đổi tại phiên họp.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh quan điểm coi cải cách hành chính và chuyển đổi số là giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy công tác quản lý nhà nước về giáo dục, thúc đẩy chất lượng giáo dục; do đó cần được quan tâm một cách tương ứng.
Vấn đề ưu tiên trước mắt, theo Bộ trưởng là các nội dung chuyển đổi số chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH-CĐ sắp tới và khuyến cáo các tỉnh thành sử dụng nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ cho kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Bộ trưởng cũng lưu ý dần tính đến phương án để từng bước có hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học trên cả nước...