Những kết quả bước đầu
Báo cáo tại hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam cho biết, thực hiện chương trình tổng thể Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, nỗ lực xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác CCHC gồm 7 lĩnh vực của CCHC ngay từ đầu năm 2022. Công tác CCHC trong 6 tháng đầu năm của Bộ GD&ĐT đã đạt được những kết quả tích cực.
Ngay từ đầu năm, Bộ GD&ĐT đã ban hành đầy đủ các văn bản làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai công tác CCHC của Bộ. Công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động CCHC 6 tháng đầu năm 2022 bám sát nội dung, kế hoạch của Chính phủ và Bộ. Do đó, các nhiệm vụ CCHC của Bộ về cơ bản đã đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ GD&ĐT luôn quan tâm công tác CCHC và có sự chỉ đạo sâu sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành được đề ra từ đầu năm. Tháng 12 hàng năm, Bộ đã ban hành Kế hoạch CCHC của năm sau để làm căn cứ cho các đơn vị thuộc Bộ triển khai các nhiệm vụ CCHC.
Ông Trần Quang Nam - Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT trình bày báo cáo tại hội nghị. |
Cũng theo ông Trần Quang Nam, qua kết quả chấm điểm của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ năm 2021, công tác CCHC của Bộ GD&ĐT còn một số khó khăn, hạn chế nhất định.
Trong đó, đội ngũ cán bộ đầu mối công tác CCHC của các đơn vị chỉ thực hiện công việc kiêm nhiệm, không chuyên sâu và chưa qua khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện các nhiệm vụ CCHC nên đề xuất các giải pháp cho CCHC còn chưa hiệu quả.
Việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các đơn vị thuộc Bộ theo quy định tại Nghị định số 101/2020 của Chính phủ và của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng, các cục thuộc Bộ tiến hành còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu...
Các giải pháp cụ thể
Trước thực tế công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính Bộ GD&ĐT yêu cầu, công việc cần làm là phải kiên quyết, cố gắng cải thiện chỉ số cải cách hành chính của Bộ GD&ĐT. Việc này không phải chỉ để xếp hạng mà là để làm công việc tốt lên trong thực chất.
Về các giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc cần có một kế hoạch tổng thể để điều chỉnh, thay đổi một cách có hệ thống, trong đó từng đơn vị nhìn thấy những việc cần làm ngay, đánh giá được mức độ hoàn thành của từng việc để có giải pháp thực hiện. Phương châm là làm tốt từng việc cụ thể.
Để thực hiện cải cách hành chính, cần lấy ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số là chỗ dựa quan trọng, xuyên suốt và bao quát. Bên cạnh đó, yếu tố quyết định là ý thức và kỹ năng của những người thực hiện. Tăng cường kiểm tra, đánh giá cũng là yếu tố quan trọng cần được lưu ý triển khai.
Ngoài tập trung cho nhiệm vụ cải thiện điểm số ở các lĩnh vực trong bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ, Bộ trưởng còn đặt ra yêu cầu cho các đơn vị về việc hiện đại hóa hành chính, cải cách các thủ tục hành chính, rà soát các thủ tục và triển khai Đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.
Làm tốt công tác cải cách hành chính cũng có nghĩa là tốt cho toàn bộ công tác điều hành, quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT. Cải cách hành chính không phải là việc của một khâu, một bộ phận mà là việc của tất cả các bộ phận, các đơn vị và tất cả mọi người. Cho nên, phải xác định cần làm một cách ráo riết và có biện pháp phù hợp.