Chuyển đổi SGK chữ nổi cho học sinh khuyết tật từ Chương trình GDPT 2018

GD&TĐ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh vừa chủ trì buổi tọa đàm "Chuyển đổi SGK chữ nổi cho học sinh khuyết tật từ Chương trình GDPT 2018".

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh thăm và tặng quà học sinh khiếm thị tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh thăm và tặng quà học sinh khiếm thị tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.

Chiều 25/1, tại TP Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì buổi tọa đàm về "Chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khuyết tật từ Chương trình GDPT 2018".

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các lãnh đạo trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Thái Nguyên… cùng với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Cần có hướng dẫn cụ thể trong quá trình in sách chữ nổi

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh tầm quan trọng và trách nhiệm của các nhà xuất bản, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập khi có trẻ khuyết tật. "Bởi những em này cần sự quan tâm đặc biệt để thực hiện chương trình GDPT 2018 đúng ý nghĩa", Thứ trưởng Minh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, Bộ GD&ĐT cũng vừa ký văn bản gửi các đơn vị đầu mối như nhà xuất bản, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Trong đó, nêu rõ thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ phê duyệt các bộ SGK theo Chương trình GDPT 2018 sử dụng trong toàn quốc. Bộ cũng yêu cầu học sinh khiếm thị trên toàn quốc phải sử dụng chữ nổi của Bộ SGK mới này.

"Vì thế, Bộ GD&ĐT, Quỹ Thiện tâm cùng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà trực tiếp là Trung tâm Giáo dục đặc biệt - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tiến hành dịch chuyển từ SGK bình thường sang sách in nổi braille. Đây là việc mất nhiều thời gian”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi tọa đàm.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi tọa đàm.

Trao đổi về in sách, chữ nổi Braille tại buổi tọa đàm, ông Phạm Vĩnh Thái – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết là đơn vị đi đầu trong việc xuất bản sách in, sách điện tử tuy nhiên nhà xuất bản chưa có kinh nghiệm làm sách chữ nổi.

Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đề xuất Bộ GD&ĐT cần ra thông tư hướng dẫn cụ thể từ xuất bản cho đến phát hành để nhà xuất bản thực hiện. Trong đó, cần cụ thể tiêu chuẩn kỹ thuật về quy trình biên soạn, loại giấy in, hành lang pháp lý... giúp các đơn vị có căn cứ thực hiện. Bên cạnh đó, cần cụ thể về quy trình thẩm định sách Braille.

Ông Phạm Vĩnh Thái – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nêu ý kiến tại tọa đàm.

Ông Phạm Vĩnh Thái – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nêu ý kiến tại tọa đàm.

Còn ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng, nếu đánh giá ở khía cạnh thực tế thì việc làm sách chữ nổi braile cho học sinh khiếm thị hiện nay chỉ nằm ở việc tự cung, tự cấp phạm vi tại các trường. Tức là các trường trang bị cho mình bằng các nguồn kinh phí khác nhau, cùng với trang thiết bị in ấn…

“Tất cả những máy móc và sách Braille đang chỉ in phục vụ trong phạm vi mỗi đơn vị trường học. Vì vậy khi Bộ GD&ĐT chỉ đạo in bộ sách chữ nổi chung trong phạm vi toàn quốc chắc chắn phải có cách tổ chức khác”, ông Tùng chia sẻ.

Ông Tùng cũng đề xuất Bộ GD&ĐT cần có ý kiến chỉ đạo cụ thể về công nghệ để in ấn sách chữ nổi Braille. Bởi hiện công nghệ mà các trung tâm đang làm chỉ là công nghệ thủ công, không đáp ứng được nhu cầu toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần có văn bản chỉ đạo cụ thể phối hợp giữa các đơn vị để in và phát hành, phục vụ toàn quốc.

Ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Phối hợp, kết nối để thực hiện hiệu quả

Bà Hà Thanh Vân – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hòa nhập quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) cho hay, hiện trung tâm đã chuyển nhiều bộ SGK sang chữ nổi Braille để học sinh được tiếp cận và nội dung rất đầy đủ.

Hiện, Trung tâm Hỗ trợ hòa nhập quận Tân Bình đã ra sách tuy nhiên chưa thể đưa đến học sinh vì thiếu kinh phí. Bà Vân cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm ra văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo tạm thời để sách sớm đưa đến tay học sinh.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh kiểm tra quy trình in sách chữ nổi braille tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh kiểm tra quy trình in sách chữ nổi braille tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đơn vị tham dự về việc in sách chữ nổi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh yêu cầu các đơn vị tiếp tục nghiên cứu để tham mưu, trình cho Bộ GD&ĐT thẩm định. Đối với các nhà xuất bản, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng yêu cầu có trách nhiệm trong quá trình xuất bản, in ấn sách chữ nổi Braille.

“Trong chương trình GDPT 2018, việc in ấn sách cần đặc biệt quan tâm đến học sinh khuyết tật. SGK chữ nổi braile cũng là một trong 3 bộ sách mà đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh tặng 100 máy tính chuyên dụng cho học sinh khiếm thị

Trước đó, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Tại đây, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã đi khảo sát cơ sở vật chất học tập của trung tâm, đồng thời thăm hỏi các em học sinh khuyết tật đang học tại nơi đây.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã trao tặng máy tính chuyên dụng cho học sinh khiếm thị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã trao tặng máy tính chuyên dụng cho học sinh khiếm thị.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã trao tặng 100 máy tính chuyên biệt dành riêng cho học sinh khiếm thị. Cạnh đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng tặng quà cho học sinh tại Trung tâm.

Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trao quà cho Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.

Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trao quà cho Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ