Ghi lại nội dung giấc mơ
Nguyễn Vũ Xuân Lan hay được biết đến với bút danh X.Lan là một trong những họa sĩ trẻ thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng. Sở hữu tới 127 nghìn lượt theo dõi trên Facebook, cô ghi dấu ấn trong lòng người xem bởi những bức vẽ minh họa ngộ nghĩnh, dí dỏm, truyền tải những thông điệp tích cực.
Mới đây, cô còn được mời làm giám khảo của cuộc thi vẽ minh họa “Hà Nội là…” được tổ chức bởi UNESCO, UN-Habitat, và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) với sự đồng hành của nhóm Vietnam Local Artist Group (VLAG).
Cuộc thi được khởi xướng nhằm hỗ trợ thành phố Hà Nội thực hiện tầm nhìn chiến lược trở thành Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, sử dụng di sản văn hóa cùng với sự tham gia của thế hệ trẻ Việt Nam.
Ít ai biết, trước khi thành họa sĩ chuyên nghiệp như bây giờ, X.Lan từng là giáo viên tiếng Anh của Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô chia sẻ: “Hồi còn làm giáo viên, lúc rảnh thì mình vẽ linh tinh, vẽ comic rồi up lên Facebook.
Tự nhiên có mấy mẩu chuyện viral nên chắc cũng có nhiều người để ý. Điều này đem đến một niềm vui mới bên cạnh việc đi dạy của mình”. Đến năm 2016, cô đã quyết định nghỉ công việc giáo viên để tập trung theo đuổi đam mê của mình.
Chia sẻ về những khó khăn ban đầu, X.Lan bộc bạch: “Lúc đó mình chưa hề biết có công việc gọi là vẽ minh họa. Sau một vài năm tự vẽ thì mình mới bắt đầu biết tới một số họa sĩ Việt Nam đang làm nghề này, cụ thể là vẽ bìa sách”.
Khi nhận được dự án đầu tiên cho thương hiệu lớn, cô cảm thấy rất áp lực vì trình độ và kỹ năng chưa được hoàn thiện. Cô từng viết blog để chia sẻ áp lực. Những cảm giác ấy vẫn theo cô tới thời điểm hiện tại nhất là khi được nhận một dự án mới.
X.Lan chia sẻ rằng, công việc vẽ minh họa khá bấp bênh. Nó phụ thuộc nhiều vào khách hàng và các mối quan hệ. Tuy nhiên, vì được làm công việc mình yêu thích nên dù có vất vả nhưng cô vẫn cảm thấy hạnh phúc.
“Mình chưa gặp vấn đề với việc cạn ý tưởng bởi thói quen ghi chép mọi lúc mọi nơi. Đi đường thấy cái gì hay sẽ ghi lại, kể cả lúc mơ ngủ mà tỉnh dậy giữa đêm cũng sẽ mắt nhắm mắt mở tìm điện thoại để ghi lại nội dung giấc mơ”, Xuân Lan chia sẻ.
Cảm xúc cho tác giả và người xem
Khi được hỏi về cách đánh giá một bức tranh, X.Lan chia sẻ: “Nếu phải “chấm điểm” một bức tranh một cách nghiêm túc thì tất nhiên mình sẽ chia ra nội dung và kỹ thuật rồi chia nhỏ các tiêu chí đó ra nữa. Nhưng để thưởng thức thì mình chỉ có một tiêu chí đó là tác phẩm phải mang đến cảm xúc nhất định cho tác giả và người xem.
Những tranh mình vẽ thời kỳ đầu rất xấu, nhưng giờ nhìn lại vẫn thích và nhớ được cảm giác khi vẽ nó. Đôi khi mình cũng thử vẽ lại để xem khi trình độ vững rồi tranh có đẹp hơn không, nhưng tranh mới lại không giữ được tinh thần cũ”.
X.Lan cũng cho rằng, mỗi bức tranh cần phải có câu chuyện và câu chuyện đó phải là của riêng mình. Điều này được cô rút ra từ chính trải nghiệm cá nhân trong công việc. Khi bản thân không cảm nhận được câu chuyện của người khác hoặc cách hiểu lại bị bẻ đi theo ý muốn của khách hàng thì các bức tranh thường không như ý muốn của cô. Vấn đề này cũng thường xảy ra khi cô tham gia một số dự án vẽ theo chủ đề.
Nếu không nghĩ ra câu chuyện liên quan tới chủ đề được giao thì cô cũng không thể vẽ được. Đó cũng là trăn trở lớn nhất của X.Lan trong quá trình làm nghề. Nhiều khi cô phải tự đặt ra câu hỏi liệu có phải do khả năng thích nghi và sự linh hoạt của bản thân kém hay không.
Mặc dù đã làm nghề họa sĩ minh họa đến nay đã được 8 năm nhưng X.Lan chưa bao giờ đặt nặng việc phải tạo ra phong cách cá nhân trong từng tác phẩm. Cô chia sẻ: “Mình không đặt ra mục tiêu phải có phong cách riêng ngay từ đầu, vẽ đủ nhiều thì nó cứ tự đến thôi. Mình cũng không biết là bản thân có phong cách gì cho đến khi mọi người bảo có thể nhận ra tranh của mình khi nó được đăng tải lại ở đâu đó”.
Điều này được kiểm chứng trong mỗi bức tranh của cô đều đem đến cảm giác mộc mạc, ấm áp và dễ chịu cho người xem. Đó có thể là câu chuyện về bữa cơm hàng ngày, chuyện đi tiêm phòng, hay những lát cắt dung dị về thành phố nơi cô đang ở. Một phần cũng đến từ sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ và thói quen ghi chép hàng ngày được cô cho là cách duy trì kho tàng ý tưởng.
X.Lan cũng chia sẻ về dự định trong tương lai sẽ tiếp tục vẽ và cố gắng để bản thân không bị đào thải. Bởi nghề vẽ minh họa tại Việt Nam đang là thị trường tiềm năng, đặc biệt khi mỹ thuật ứng dụng được đưa vào giảng dạy tại nhiều trường đại học.
Bên cạnh việc đem tới cơ hội việc làm cao thì sự cạnh tranh và đào thải là lẽ tất yếu. Bởi các họa sĩ mới được đào tạo từ sớm, có năng lực và sức sáng tạo mạnh mẽ để bắt kịp xu thế.
X.Lan bày tỏ: “Những bạn trẻ có đam mê với công việc này nếu muốn nghe theo “tiếng gọi trái tim” họ cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cả kỹ năng, tinh thần và tài chính. Chỉ yêu thích thôi thì không đủ. Họ cần có cả sự gan lỳ”.