Chuyển đổi loại hình trường - Hoang mang chuyện đi, ở

Chuyển đổi loại hình trường - Hoang mang chuyện đi, ở

(GD&TĐ) - Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, chuyển đổi từ trường công lập sang ngoài công lập từ 2 năm nay, nhưng chính vì không có lộ trình, chưa có sự tính toán hợp lý đã khiến các giáo viên “bức xúc, dồn nén đủ thứ” vì sự “đi, ở”. Những giáo viên ngoài biên chế đã có đơn xin cứu xét gửi đến một số cơ quan ban ngành liên quan. 

Giờ ngủ trưa của các cháu học sinh Trường 29/3
Giờ ngủ trưa của các cháu học sinh Trường 29/3
 

Lơ lửng, lưng chừng

Cô Nguyễn Thị Hoài Thu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Vào thời điểm tháng 7/2011, khi biết chủ trương của thành phố, tập thể giáo viên (GV) nhà trường không khỏi hoang mang, lo lắng. Thế nhưng, chúng tôi phần nào cũng yên tâm công tác khi nghe lãnh đạo quận, Phòng GD hứa sẽ được chuyển về công tác tại các trường công lập khác trên địa bàn khi thực hiện việc chuyển đổi.

Thế nhưng, mới đây nhất, UBND TP lại có công văn hướng dẫn, theo đó, chỉ giải quyết cho số GV biên chế, GV diện hợp đồng hưởng lương từ ngân sách. Còn GV hợp đồng trả lương từ nguồn học phí được yêu cầu tiếp tục ở lại trường, ký hợp đồng lao động với Công ty Cổ phần Lương thực Đà Nẵng - đơn vị đầu tư xây dựng trường.

Tuy nhiên, ngay cả đến 7 GV biên chế cũng chỉ được biết là sẽ chuyển về trường công lập, còn cụ thể chuyển về trường nào thì đến nay chúng tôi cũng không được biết, dù năm học mới đã cận kề”. 

Trong suốt hai năm qua, kể từ khi bắt đầu thực hiện quá trình chuyển đổi, CB, GV của Trường 29/3 vẫn hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thế nhưng, toàn bộ tài sản của nhà trường thì đã được hóa giá cho Công ty Cổ phần Lương thực Đà Nẵng.

Theo cô Nguyễn Thị Hoài Thu, dù cho việc hóa giá tài sản là nguyên tắc để làm thủ tục khi trở thành trường tư nhưng lại được thực hiện quá vội vàng nên có sự nhập nhằng giữa công và tư. Người thì của nhà nước, tài sản thì đã thuộc về tư nhân nhưng lại chưa có quyết định chuyển đổi. Thế nên, trong quá trình dạy - học, nhà trường lại phải dùng ngân sách năm 2012 để mua bổ sung thêm.

Được biết, số tài sản này, Công ty không tiếp tục mua hóa giá nên sẽ được chuyển cho các trường công lập khác trên địa bàn quận. Theo như cô Thu thì “hiện tại, chúng tôi vẫn đang sử dụng số tài sản này bởi bên công ty chỉ có xác nhà và đồ dùng bán trú, nếu cho chuyển hết đi thì sẽ không có gì để cô trò hoạt động”. 

Ngay trước thềm năm học mới, công tác tuyển sinh của nhà trường cũng phải dừng lại. Cô Thu bức xúc: “Từ khi bắt tay vào thực hiện chuyển đổi đến nay đã được 2 năm, thế nhưng không có một lộ trình rõ ràng, từ đội ngũ, chính sách, cơ chế, các mức thu… nên chúng tôi bị dồn nén đủ thứ. Không chỉ ảnh hưởng đến GV mà còn cả phụ huynh và nhất là các cháu học sinh.

Chuẩn bị xã hội hóa, từ một trường công chuyển sang trường tư thì lãnh đạo và nhà đầu tư phải có chiến lược, có lộ trình chứ không đơn giản như xây mới một trường tư ngay từ ban đầu. Gần tháng nay, phụ huynh đã bắt đầu hỏi mức thu học phí mà chúng tôi không biết phải trả lời làm sao”. 

Vấn đề không phải là lương 

Cơ sở xây dựng mới của trường 29/3 được đầu tư theo hình thức xã hội hóa
Cơ sở xây dựng mới của trường 29/3 được đầu tư theo hình thức xã hội hóa
 

Hiện tại, Trường Mầm non 29/3 có 34 CB, GV, trong số này, có 7 GV biên chế, 9 GV trong diện hợp đồng trả lương từ nguồn học phí, số còn lại là GV hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ngay sau khi có công văn hướng dẫn của UBND thành phố, số GV ngoài biên chế đã có đơn kêu cứu đến các cấp có liên quan, xin được giải quyết chuyển về các trường công lập khác trên địa bàn quận.  

Cô Trần Thị Trà My – GV diện hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đã có 15 năm công tác, cho biết: “Chúng tôi được giải thích là từ năm 1990, có rất ít biên chế cho GV mầm non, chủ yếu là CBQL nên cho dù là hợp đồng nhưng các quyền lợi của chúng tôi không khác gì biên chế, chỉ khác ở tên gọi. Vậy tại sao lại chỉ giải quyết cho số GV biên chế về các trường công lập còn chúng tôi thì không? Chúng tôi chỉ có nguyện vọng thiết tha được chuyển về các trường công lập khác khi thực hiện việc chuyển đổi loại hình”. 

Cô Trần Thị Thu Trang – văn thư nhà trường thì cho rằng, cô thuộc diện hợp đồng trả lương từ nguồn học phí là do nhiều năm nay, Trường 29/3 không có chỉ tiêu cho văn thư. Và trong công văn của UBND thành phố, cũng chỉ phân biệt GV biên chế và ngoài biên chế chứ không có sự tách bạch rạch ròi giữa hai loại hợp đồng. 

Được biết, phía Công ty Cổ phần Lương thực Đà Nẵng đã có cam kết, sẽ đảm bảo mức lương bằng hoặc cao hơn đối với những GV ký hợp đồng với Công ty. Tuy nhiên, theo như giải thích của cô Trần Thị Trà My thì bảng lương phía Công ty đưa ra có một số vấn đề không rõ ràng: “Lương chúng tôi hiện tại bao gồm lương cơ bản và thu nhập tăng thêm, những tháng hè, nếu GV nào không tham gia dạy thì vẫn có lương, chúng tôi còn được nhận thêm phụ cấp thâm niên. Thế nhưng, bảng lương phía Công ty đưa ra không thể hiện những điều này”.

Điều quan trọng là các GV ngoài biên chế của Trường 29/3 đều có nguyện vọng được chuyển về các trường công lập trên địa bàn thành phố với lý do để được an tâm và ổn định công tác. Một cán bộ của Phòng GD&ĐT Hải Châu kể, khi làm công tác tư tưởng với một cấp dưỡng của trường, đã phân tích rằng nếu chuyển về một trường công lập khác có sĩ số HS thấp, thì mức thu nhập sẽ không cao như hiện nay nếu ký hợp đồng với Công ty, đã nhận được câu trả lời là: Vấn đề không phải là lương mà là tha thiết xin được chuyển về trường công.

Tập thể GV Trường 29/3 đều nhất trí nếu Công ty có nhu cầu, sẽ ở lại làm việc cho đến hết học kỳ I, để giúp nhà trường ổn định hoạt động, để các cháu có thời gian làm quen với cô giáo mới, nhưng “nhất thiết chúng tôi phải được chuyển về trường công”.

Từ hai tuần nay, Trường Mầm non 29/3 tiến hành các hoạt động chuyên môn trong tình trạng không có ngân sách, CBGV nhà trường cũng chưa thể thông báo với phụ huynh học sinh về mức thu học phí cũng như các khoản đóng góp, mua sắm đầu năm.

“Chuẩn bị vào năm học mới rồi nhưng giờ này sách vở các cháu chưa có, giáo án của cô giáo cũng chưa soạn. Chúng tôi không thể lên kế hoạch cho bất cứ hoạt động nào, cũng không thể lường hết được điều gì sẽ xảy ra vào cuối tháng nay, khi chính thức có quyết định chuyển đổi” - cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoài Thu cho biết.

Hà Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ