Thăng trầm tư gia Bá Kiến
Nam Cao, một trong những cây viết xuất sắc của dòng văn học hiện thực trước cách mạng tháng 8/1945. Ông gắn bó cả tuổi thơ thiếu thốn nơi làng quê nghèo Đại Hoàng (tổng Cao Đà, Nam Sang, phủ Lý Nhân - nay là xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hả Nam).
“Làng Vũ Đại ngày ấy” nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng hơn 80km. Tiếng dệt canh cửi không ngơi nghỉ giữa trưa hè oi nồng dẫn chúng tôi tìm đến với ngôi nhà cổ của Bá Bính, người được lấy làm nguyên mẫu cho hình tượng nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo của cố nhà văn cách mạng Nam Cao.
Xiêu vẹo ở một góc đường, bảng chỉ dẫn lối vào ngôi nhà đã bị bóc hết lớp chữ. Theo lối đường bê tông nhỏ, ngôi nhà nằm lặng im trong con ngõ giữa những kiến trúc bê tông ngột ngạt xung quanh của hình ảnh nông thôn mới.
Cánh cổng sắt vào nhà với lớp sơn bong tróc đã bị khóa, số điện thoại được ghi nguệch ngoạc bên ngoài để khách đến tham quan có thể liên hệ nhờ mở cổng.
Trong khuôn viên khoảng 800m2, ngôi nhà gỗ 3 gian đến nay đã tồn tại hơn một thế kỷ và được coi là ngôi nhà cổ nhất xã. Với lối kiến trúc “Lộn thềm, ngưỡng chồng”, nghĩa là hàng cột trong đầy đủ các cột, bên ngoài lại có thêm hàng cột ngoài. Hiên nhà được mở rộng, ngưỡng cửa là ngưỡng cửa chồng cao, khác với tất cả những ngôi nhà khác.
4 hàng cột lim với 16 cột dường như vẫn chưa có nét tàn tạ nào của thời gian có thể chạm tới. Thân gỗ còn khá chắc chắn và chưa có hiện tượng mối mọt.
Lớp mái ngói ta dày phủ kín nóc nhà. Cột kèo được chạm khắc hình rồng phượng tinh xảo. Tất cả đều nói lên sự khá giả của chủ nhân ngôi nhà thời kỳ đất nước còn lầm than.
Cô Trần Thị Mai, người mở cổng cho chúng tôi vào tham quan ngôi nhà, cho biết: Ngôi nhà đã từng trải qua 2 lần suýt bị phá hủy. Lần thứ nhất là khi Thực dân Pháp đốt năm 1953 nhưng sau đó lửa đã được dập ngay.
Lần thứ hai, lẽ ra toàn bộ số gỗ lim trong nhà đã bị dỡ đi để đóng giường cửa, khung cửi nhưng may sao những người hiểu biết trong làng thời đó đã cùng nhau vận động: người bán đừng bán - người mua đừng mua, nhằm giữ lại ngôi nhà cho các thế hệ con cháu sau này sinh ra còn biết đến ngôi làng của Nam Cao.
Ngôi nhà chứng nhân của lịch sử với 7 đời chủ thay nhau quyền sở hữu đến nay đã được Sở Văn hóa Hà Nam, Phòng Văn hóa Lý Nhân mua lại và quản lý.
“Thông tin cụ thể về gian nhà Bá Kiến cũng đã mai một dần, các thế hệ sau này cũng chỉ là nghe truyền miệng từ thế hệ đi trước” - Ông Trần Hữu Đô, một nhà giáo trong làng đã nghỉ hưu cho biết khi chúng tôi muốn tìm hiểu thêm thực hư về những câu chuyện kỳ lạ còn chưa được kể lại của ngôi nhà.
7 đời chủ dần lụi tàn
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm gặp cụ Trần Bá Huấn, 83 tuổi, một vị cao niên trong làng và có hiểu biết rất rõ về ngôi nhà Bá Kiến. Ông Huấn đi dạy học từ những năm 1952, hơn 30 năm theo nghiệp sư phạm trước khi làm Chủ tịch Hội người cao tuổi thôn trong 3 nhiệm kỳ.
Ông cụ minh mẫn, tiếp chúng tôi và bắt đầu chia sẻ về ký ức sâu sắc của ông: “Bá Bính trước là hàng xóm của nhà tôi, tôi đi học và chơi với con cháu các cụ nên biết rõ các thông tin”.
Ông Huấn cũng chính là một trong hai người lính du kích thời chống Pháp. Khi người Pháp châm lửa đốt nhà, ông cùng đồng đội nấp dưới hầm gần đấy và biết được sự việc.
Ngay khi giặc đi, ông và bạn đã dùng nước kịp thời dập lửa trước khi gian nhà bị thiêu rụi. Hiện một số cột lim trong nhà vẫn còn vết xém cháy năm xưa.
Một cột gỗ lim còn vết cháy xém do thực dân Pháp đốt năm xưa
Hai đời chủ đầu tiên là hai cha con nhà cụ Cựu Hanh và cụ Cự Cát, đến đời thứ 3 sở hữu mới là cụ Trần Duy Bính (tức Bá Bính), người đã dùng tiền và quyền lực để mua lại ngôi nhà.
Bá Bính còn được gọi là Nghị Bính do từng làm đến chức Nghị viện Bắc Kỳ, tương đương với Đại biểu Quốc hội cơ cấu ngày nay, ông Huấn nói.
Trong khi chức Phó lý thì tương đương với trưởng xóm hoặc trưởng thôn, Lý Chưởng tương đương với Chủ tịch Ủy ban xã, còn Chánh Tổng tương đương với cấp Huyện hoặc làm ở UBND huyện.
Theo ông Huấn, nguyên tác các nhân vật của Nam Cao dựa một phần vào sự thật của làng ngày ấy chứ thực ra Bá Bính mà ông được biết từ nhỏ cũng có cuộc sống khá yên ổn với dân.
Thời đấy người dân ai nấy đều sợ hãi chức quan to của ông Bá hộ này. Bá Bính có 3 người vợ và hơn 10 người con. Ông mất do bị bệnh năm 1948 khi đã ngoài 60 tuổi.
Con trai của Bá Bính là Trần Duy Tảo (Đội Tảo), đi làm thủ quỹ và lính cho thực dân Pháp, được truyền lại ngôi nhà song gia cảnh cũng không dư dả gì.
Sau khi ông Tảo mất, các thế hệ con cháu (một trong những người con của ông Tảo là bạn thủa nhỏ của ông Huấn) đã bàn bạc quyết định bán đi ngôi nhà cổ.
Biết được về lai lịch của ngôi nhà, một người tên Cai Hậu, là người giàu có và đi nước ngoài về đã quyết định bỏ tiền mua lại. Sau khi Cai Hậu mất, do không có con trai nên ông để lại nhà cho người cháu là Trần Văn Hòa (từng giữ chức Bí thư Chi bộ xã) một thời gian.
Nhưng kỳ lạ thay, không biết vì lý do gì mà công việc cũng như gia đình đang yên ổn, hơn chục năm về trước, ông Hòa lại thắt cổ tự tử trong một chái nhà (nay đã bị dỡ bỏ).
Không ai rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết. Chỉ biết, vợ ông Hòa là bà Trần Thị Sâm sau một thời gian sở hữu căn nhà thì bán lại cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam vào năm 2007, rồi gia đình chuyển đi chỗ khác sinh sống.
“Vũ Đại xưa và Vũ Đại nay dù cuộc đời đảo ngược song vẫn chân thực như nó vốn có cùng với tác phẩm của Nam Cao” - Ông Huấn trầm tư khi nói về 7 đời chủ từ khá giả đền dần lụi tàn và đi vào quên lãng trong gian nhà của Bá Kiến năm nào.
Ông Trần Bá Huấn, người cuối cùng còn lại hiểu rõ về ngôi nhà
Theo nghiệp viết văn với dòng văn học hiện thực, cố nhà văn cách mạng Nam Cao đã dựng lên một bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam trước 1945 cùng hình ảnh những người nông dân nghèo đói, xơ xác, bần cùng đến thê thảm trước sự chà đạp và bất công của xã hội cũ.
Dường như sự đổi ngôi nay đã vận vào suy vong của mỗi đời gia chủ, biến nơi đây như trở thành một mảnh đất dữ của những câu chuyện mặc nhiên không thể có lời giải và dần đi vào quên lãng.
Chào tạm biệt ông Huấn, một trong những pho sử sống cuối cùng về ngôi nhà Bá Kiến. Giữa hợp âm tiếng canh cửi, giữa trưa hè làng quê Bắc Bộ, dấu vết thời gian in hằn lên gian nhà cổ trầm mặc. Văng vẳng bên tại tôi là những câu thơ của ông lão đã ngoài bát tuần dưới mái hiên:
Đại Hoàng còn lại một ngôi nhà
Những cột gỗ lim mái ngói ta
7 chủ thay nhau quyền sở hữu
Vài trăm năm tuổi vượt phong ba
Ngày trước dân ta cảnh đói nghèo
Lầm than, uất ức sống cheo leo
Địa chủ cường hảo đua đục khoét
Bá Kiến sợ riêng mỗi Chí Phèo...