Những bếp lửa yêu thương
Sau Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022, học sinh điểm trường Tắk Pổ - Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) được liên hoan bằng món mì Quảng, do cô giáo Trà Thị Thu đứng bếp. Mì Quảng là món ăn “xa xỉ” đối với các em ở đỉnh núi Ngọc Linh quanh năm mây phủ. Thế nên, cô Thu thường thu xếp để có thể nấu món này cho các em trong những ngày có các “sự kiện lớn” như tổng kết năm học, Trung thu, khai giảng hay ngày học cuối trước khi học sinh nghỉ Tết Nguyên đán…
Bếp tình thương là tên gọi chung của nhiều bếp ăn bán trú của những trường học ở miền núi cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Để tổ chức bán trú cho cả số học sinh không nằm trong diện được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền ăn cho gần 40 em.
Trước ngày khai giảng năm học, khu nhà ăn ở điểm lẻ của trường, được xây dựng từ nguồn xã hội hóa vừa đưa vào sử dụng. Trong suy nghĩ của thầy Bùi Quang Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường, thiếu thốn của học sinh là như nhau, dù các em không cư trú ở vùng đặc biệt khó khăn.
Để cho học trò của mình trở về nhà vào buổi trưa với cái bụng đói rồi quay trở lại trường học, thầy không đành lòng. Cặp lồng cơm của những học sinh không nằm trong diện hỗ trợ tiền ăn trưa của Nhà nước, có thể thường xuyên chỉ có cơm trắng. Những lo toan của thầy cô giáo, cũng chỉ để các em được hưởng thụ cùng một chế độ học tập, chăm sóc, để trong ánh nhìn của học sinh, không có những so sánh thua thiệt.
Chính vì vậy mà sau cơn lũ dữ cuối năm 2020, ba anh em Hồ Văn Sùng, Hồ Văn Sò và Hồ Thị Sường được Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Phước Kim (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) “đặc cách” vào ở bán trú. Ba anh em Sùng mồ côi cha mẹ, sống với anh trai đã lập gia đình. Cơn lũ kinh hoàng và đầy ám ảnh chiều 28/10 đã cuốn trôi ngôi nhà của anh em Sùng. Thầy cô giáo biết chuyện, đã sắp xếp chỗ ở cho cả ba anh em để ở lại bán trú cùng các bạn dù cự ly từ nhà Sùng đến trường chưa đủ 5km như quy định.
Không riêng gì anh em Sùng, 41 học sinh khác cũng được thầy cô linh động bố trí ăn bán trú cùng 204 em đủ tiêu chuẩn. Bởi nói như thầy Trần Văn Thắng, Hiệu trưởng nhà trường thì đường đi lại còn ngập trong bùn đất, các em không có cả mái nhà để về chứ nói gì đến việc có gì để ăn.
Những tấm lòng kết nối những tấm lòng để những bếp ăn yêu thương vẫn đỏ mỗi ngày ở những ngôi trường vùng cao suốt dọc dài đất nước. Những yêu thương, chăm chút, sự tận tâm, tận hiến của thầy cô giáo đối với học sinh chính là những sợi chỉ đỏ để kết nối những tấm lòng cho sự nghiệp giáo dục.
Từ nguồn tài trợ của Quỹ Hy vọng, thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Phước Sơn đã có nhà ăn mới được xây dựng khang trang, kiên cố thay cho nhà tôn lắp ghép nóng như sôi vào mùa hè. Ngoài ra, Quỹ Hy vọng đã hỗ trợ thêm 5.000 đồng/học sinh/ngày để bữa ăn bán trú có được 3 - 4 món, đầy đủ chất dinh dưỡng. Hồ Văn Sò, học sinh lớp 8, nói: “Từ ngày có nhà ăn mới, chúng em có chỗ ngồi rộng rãi và mát hơn. Thức ăn cũng nhiều và ngon hơn, bữa cơm nào cũng có thịt”.
Gom yêu thương làm nên ngày mai
Dù 100% học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My đã xuất viện trở về bình yên, sân trường và khu ký túc xá đã rộn ràng tiếng cười nói nhưng “dư chấn” của đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Nam Trà My, theo như thầy Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng nhà trường thì vẫn còn hằn sâu. Cuối tháng 10/2021, ngay đợt test đầu tiên, gần 70 em của trường có kết quả dương tính với Covid-19. Rồi con số cứ thế tăng lên mỗi ngày. 43 ngày đêm, thầy trò nhà trường đã nhận được rất nhiều ân tình của các nhà hảo tâm.
Thầy Luận không giấu được sự cảm động: “Chúng tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại chỉ với lời dặn dò: “Trường mình thiếu gì cứ alo cho chúng tôi! Anh cần gì chúng tôi chở lên!”. Có người thầy, đã sẵn sàng bỏ công việc, tình nguyện làm tài xế cho những chuyến xe 0 đồng, chuyên chở các em học sinh F0 xuống Tam Kỳ điều trị. Những thầy cô giáo, vừa buông viên phấn xuống đã khoác ngay bộ đồ bảo hộ để chăm lo cho học trò từng bữa ăn, giấc ngủ, giặt giũ từ tấm chiếu đến áo quần”.
Hơn 30 tấn hàng hóa, gồm khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, nhu yếu phẩm, vitamin C, sữa… với trị giá gần 1 tỷ đồng từ các cá nhân, nhóm thiện nguyện được gửi đến CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My để hỗ trợ cho học sinh và người dân bị ảnh hưởng. Thầy Nguyễn Trần Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vừ A Dính, chủ nhiệm câu lạc bộ - cho biết: “23 thành viên, chủ yếu là giáo viên và cán bộ đang công tác tại địa phương đều trở thành shipper trong gần 1 tháng qua”.
Học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch, cô Trà Thị Thu, Nguyễn Việt Thảo (Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập) trở thành tình nguyện viên, vận chuyển hàng hóa đến các nóc xa xôi để tiếp tế cho những hộ gia đình phải cách ly tại nhà. Những hôm trời mưa, mặc áo mưa mà người ướt sũng mồ hôi vì vừa đi bộ đường xa, vừa phải mang vác thêm lương thực. Có những nơi như làng Tắk Rối, muốn vận chuyển đồ tiếp tế vào còn phải chuyển hàng từ xe máy xuống thuyền vượt con sông Tranh. Giáo viên đi trao quà hỗ trợ đều phải mang găng tay, đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn… để đảm bảo yêu cầu phòng dịch.
Những mùa xuân của tuổi trẻ
Tin vui đến những ngày cuối năm 2021 như tiếp thêm lửa nhiệt tình cho những thành viên của Đội phản ứng nhanh SOS – Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng). Đội được vinh danh là 1 trong 50 tập thể trao giải Tình nguyện quốc gia năm 2021. Những ngày cuối tháng 10/2021, trừ những giờ học online, Huỳnh Văn Duy và 11 thành viên khác trong Đội phản ứng nhanh SOS - Trường ĐH Đông Á túc trực thường xuyên trên đèo Hải Vân. Dù thời tiết khắc nghiệt, mưa gió lạnh lẽo, đội vẫn sẵn sàng di chuyển làm nhiệm vụ khi nhận được thông tin đón đoàn xe máy của người dân từ miền Nam trên đường về quê di chuyển ngang qua thành phố.
“Nếu trực ca đêm, bọn em chỉ ngủ khoảng 3 - 4 tiếng, tranh thủ trong khi chờ đón các đoàn đến. Từ đợt cuối tháng 7/2021, nhóm em cũng đã quen với việc xuyên đêm cứu hộ xe cho người dân đi xe máy về quê tránh dịch nên hoàn toàn chủ động về công việc khi tham gia cứu hộ lần này. Chỉ có khác là đợt này việc cứu hộ diễn ra trong thời tiết mưa nhiều, gió mạnh, bà con di chuyển cũng vất vả hơn rất nhiều” – Phạm Xuân Tánh, thành viên của Đội SOS kể. Công việc của Tánh, Duy là kiểm tra xe và thay thế phụ tùng, thay nhớt miễn phí cho những xe máy hư hỏng, cần sửa chữa... để người dân có thể tiếp tục hành trình trở về nhà.
Dù nhà trường có trích quỹ hỗ trợ cho Đội SOS sinh viên Trường ĐH Đông Á trong những ngày bám trụ thực hiện cứu hộ xe tại đèo Hải Vân, nhưng 12 thành viên đều thống nhất, khoản tiền này dùng để mua bổ sung phụ tùng sửa xe cho bà con. Những ngày đầu, khi hầm Hải Vân chưa mở cửa để người dân di chuyển bằng xe máy qua hầm, sau khi bàn giao xe cho người dân, nhóm sinh viên tình nguyện còn theo đoàn vượt đèo ra đến tận Lăng Cô để kịp thời hỗ trợ nếu xe máy gặp sự cố dọc đường trong hành trình di chuyển tiếp.
Trong 4 đợt dịch Covid-19 vừa qua, có không ít những câu chuyện đẹp về màu áo xanh tình nguyện của học sinh, sinh viên đã có mặt cùng hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Nguyễn Lê Thị Bích Vân, cựu học sinh lớp 12/2, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) có một mùa hè tình nguyện đáng nhớ. Tham gia chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ do Đoàn trường THPT Hoàng Hoa Thám phát động, Vân phục vụ trong khu cách ly ở Trường Tiểu học Quang Trung thuộc phường Mân Thái (quận Sơn Trà). Ở khu cách ly, Vân là đoàn viên trẻ nhất. Đây cũng là lần đầu tiên Vân xa nhà lâu nhất. Mỗi ngày, Vân cùng các anh chị làm các công việc như thu dọn rác thải, đưa cơm cho người dân đang thực hiện cách ly. “Trực tiếp nhận nhiệm vụ ở khu cách ly F1, có nguy cơ lây nhiễm cao ban đầu em cũng khá lo lắng nhưng em nghĩ nếu ai cũng sợ thì làm sao chống được dịch. Em luôn chú ý các khâu vệ sinh, bảo hộ thật cẩn thận để bảo vệ mình, có như thế mới bảo vệ được mọi người”, Vân nói.
Những ngày cuối năm bận rộn và hối hả này, anh Nguyễn Bình Nam – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bạn thường nhau (Đà Nẵng) vẫn có những dòng tin kêu gọi kinh phí cho chương trình Bữa cơm miền núi tại điểm trường Cu Dong của xã Húc (Hướng Hóa, Quảng Trị). Điểm trường có 72 học sinh từ lớp 1 - 5.
Cô giáo Thuận cho biết, do nhà cách trường khá xa nên các en phải mang theo cơm để ăn trưa tại trường. Bữa trưa của các em gần như chỉ có cơm trắng đựng trong bao nilon. Thương nhất là các em lớp 1 – 2. Câu lạc bộ Bạn thương nhau dự tính sẽ hỗ trợ 24 triệu đồng cho chương trình Bữa trưa cơm miền núi cho 30 học sinh ở điểm trường này. Thời gian triển khai bắt đầu từ tháng 1 - 5/2021. Hiện, chương trình này đang được triển khai tại các điểm trường Hole, Tà Cu, Trà Bung, Trà Bao, Trà Na của tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Trị.