Chuyện chưa biết về một đơn vị nữ pháo binh

Chuyện chưa biết về một đơn vị nữ pháo binh

Tôi biết về những nữ pháo thủ dũng cảm của chiến trường Lâm Đồng hơn 40 năm trước không phải bắt đầu từ những trang sử hào hùng, cũng không phải trong một lễ tuyên dương công trạng. Tình cờ, trong một lần rong ruổi trên quốc lộ 20, hình ảnh người phụ nữ cụt chân, nghèo khổ và thương cảm đứng bán bánh mỳ bên cây xăng gần chợ xã Lộc An (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) đã khiến tôi dừng xe. Người phụ nữ đó là bà Dư Kim Hoa. Kiểu nói chuyện “nhát gừng” của bà về cái chân bị cưa cụt đã nhanh chóng cuốn hút và dẫn tôi về với một thời lẫy lừng của hơn 40 nữ pháo thủ ở chiến trường Nam Tây Nguyên.
Chân dung anh hùng liệt sĩ Lê Thị Pha
Chân dung anh hùng liệt sĩ Lê Thị Pha
* Tuổi hai mươi anh dũng ở miền sơn cước

Bà Hoa là một trong 42 người con gái trẻ tuổi của đơn vị nữ pháo binh có phiên hiệu “8/3” thuộc Tỉnh đội Lâm  Đồng. Câu chuyện cái chân trái bị địch cưa hai lần của bà  dẫn tôi về với lịch sử giai đoạn trước Tổng tấn công Mậu Thân 1968. Tư liệu của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ghi về xuất xứ của đơn vị có người phụ nữ đang bán bánh mỳ hôm nay: “Đơn vị Pháo binh thành lập ngày 22/12/1968 tại suối Cheo, xã Lộc Bắc (lấy phiên hiệu là 8/3), quân số 42 đồng chí, có lúc đơn vị được biên chế 60 đồng chí, hoàn toàn là nữ. Trong đó có 20 đồng chí là dân tộc Mạ và Kho”. Không có cái may mắn như “Đội quân tóc dài” nổi tiếng từ trong lịch sử đến phim ảnh, nghệ thuật sau chiến tranh. Đơn vị nữ pháo binh 8/3 sau 6 năm liên tục chiến đấu, đến lúc giải tán vì yêu cầu lịch sử đã lặng lẽ hòa mình vào chiến công giải phóng dân tộc, lặng lẽ cho đến hôm nay...

Chưa tới 1 tháng sau ngày thành lập và huấn luyện khẩn trương, đơn vị nữ pháo binh 8/3 đã được tung vào chiến trường đối mặt với kẻ thù. Trong số chị, em của đơn vị ngày đó, có nhiều người mới chỉ bước qua tuổi 15 nhưng sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên trung và lòng quả cảm, can trường không bờ bến của những người phụ nữ Việt Nam đã giúp họ lập nên những chiến công vang dội. Trong những cuộc hành quân tiến công, những cánh quân bộ binh, đặc công chủ lực vẫn không quên những trận pháo kích yểm trợ vang dội của đơn vị nữ pháo binh duy nhất trên chiến trường Lâm Đồng lúc bấy giờ.

Trận mở màn của đơn vị 8/3 diễn ra vào đầu tháng 1/1969, 20 nữ pháo thủ phối hợp với Đại đội 215 công binh của Tỉnh đội Lâm Đồng đánh giao thông thuộc địa bàn K4 (huyện Đạ Huoai ngày nay) đã diệt 17 tên lính bảo an. Tiếp đó, chỉ với hai khẩu pháo 82 mm và 100 viên đạn, các nữ pháo thủ phối hợp với Đại đội 715 đặc công đánh tập kích vào hậu cứ Lữ đoàn 173 của Mỹ đã diệt 40 tên Mỹ, Ngụy, phá hủy 3 máy bay trực thăng và L19, 11 xe cơ giới cùng 4 kho quân trang quân dụng của địch. Đêm 15/5/1969, một khẩu đội của đơn vị chỉ với 50 viên đạn pháo đã độc lập đánh vào tiểu khu Tòa hành chính Mỹ ở Di Linh, diệt 25 tên địch, phá hủy 1 trực thăng. Tiếp đó, ngày 17/5, chỉ với 1 khẩu đội và 12 viên đạn pháo, đơn vị 8/3 đã phá hủy 30 xe quân sự và bắn cháy 1 kho xăng của khu công binh Mỹ đóng ở Đạ Nghịch (xã Lộc Châu, Bảo Lộc)…Đỉnh cao chiến công của đơn vị nữ pháo binh 8/3 là trận đánh hiệp đồng cùng đơn vị bộ binh C200 kiềm chế trung đoàn 53 Ngụy tại Di Linh đêm 11/9/1969. Trong trận đánh kéo dài đến 5 giờ sáng ngày 12/9/1969, những nữ pháo thủ của đơn vị đã bắn 160 quả đạn cối vào trận địa của địch tạo điều kiện cho C200 diệt gọn 200 tên lính Ngụy. Tại trận công đồn lịch sử này, riêng đơn vị 8/3 đã tiêu diệt hoàn toàn bộ chỉ huy trung đoàn 53 Ngụy, bắn chết và bắt sống 93 tên lính, phá hủy nhiều khí tài, quân trang, quân dụng của địch. Trận đánh đã làm tê liệt hoàn toàn sức đề kháng của ngụy quân, ngụy quyền vùng chiến trường Di Linh – Lâm Đồng lúc bấy giờ.
Bà Lưu Thị Thanh An đang giới thiệu những kỷ vật của đồng đội
Bà Lưu Thị Thanh An đang giới thiệu những kỷ vật của đồng đội
* Và ngày trở về lặng lẽ Trong quá trình chiến đấu, đơn vị nữ pháo binh 8/3 đã để lại nhiều dấu ấn về lòng quả cảm, chiến công vang dội và sức chịu đựng gian khổ vô song có lẽ chỉ có được ở những người phụ nữ hết lòng cho Tổ quốc. Bà Dư Kim Hoa hai lần địch cưa chân không hé răng khai nửa lời; bà Ka Hường  và một nữ đồng đội khác lạc rừng tới 25 ngày sau một lần rơi vào ổ phục kích của địch, khi tìm lại được đơn vị chỉ còn da bọc xương nhưng vẫn giữ nguyên vẹn hai khẩu súng cạc bin và khi đồng đội tìm được, đói lả người nằm trong nương sắn của dân vẫn không dám đào một củ để ăn. Đặc biệt, hình ảnh hy sinh lẫm liệt của chị Lê Thị Pha – người nữ anh hùng quê đất thép Củ Chi, chính trị viên của đơn vị 8/3 cho đến nay vẫn làm hàng nghìn người dân Bảo Lộc xúc động. Khi bắn chết chị Pha vào ngày 6/11/1972, với tuyên bố “đã giết được một con cộng sản cộm cán”, bọn Mỹ - Ngụy đã hèn hạ cột tóc chị vào sau xe jeep và kéo khắp thị xã Bảo Lộc để thị uy nhưng chúng vẫn không lung lay được tinh thần chiến đấu của quân và dân Lâm Đồng. Những người con gái miền sơn cước trong đơn vị nữ pháo binh 8/3 tiếc thương vô hạn người chính trị viên của mình nhưng đã không hề gục ngã. Ngay sau lúc chị Pha hy sinh, những nữ pháo thủ còn lại vẫn kiên cường bám bản, bám dân chiến đấu cho đến ngày Hiệp định Paris được ký kết. Hai mươi sáu năm sau, chính những nữ đồng đội ngày ấy mới tìm được hài cốt nữ liệt sỹ Lê Thị Pha và đưa chị về an tang tại quê nhà, đất thép Củ Chi. Bà Lưu Thị Thanh An, một đồng đội thủy chung của chị Lê Thị Pha hiện đang lập bàn thờ chị tại nhà riêng của mình ở Bảo Lộc. Tên nữ Anh hùng – liệt sỹ Lê Thị Pha hiện đã được đặt cho một trường học và một con đường ở trung tâm thị xã Bảo Lộc. Hậu thế mãi tri ân những hy sinh chị đã dành cho vùng quê xinh đẹp này suốt một thời máu lửa.  Những người con gái anh dũng của đơn vị nữ pháo binh duy nhất ở Lâm Đồng đã trở về với đời thường lặng lẽ. Bà Ka Hường, Ka Xếp, Ka Réo, Ka Ha, Ka Huệ…về với buôn làng người Mạ sống trong yên tĩnh, nghèo nàn ở Lộc Bắc (Bảo Lâm); đội trưởng Phan Thị Thanh Hùng trở về lặng lẽ trên rẫy cà phê vùng Di Linh; hàng chục pháo thủ khác còn sống phiêu tán ở Bình Dương, Bình Thuận, TP.HCM, Bến Tre…, nhưng không ai quên những ngày đỏ lửa. Suốt 6 năm sát cánh bên nhau, những pháo thủ đơn vị 8/3 đã đánh hơn 50 trận, diệt và làm bị thương gần 300 tên Mỹ, Ngụy, bắn cháy 4 máy bay, phá hủy 50 xe quân sự các loại, thu và hủy nhiều khí tài, quân trang quân dụng, nhiên liệu của địch. Tuổi thanh xuân trên những trận địa pháo, đơn vị 8/3 đã nhận 40 danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ, Dũng sỹ quyết thắng; 60 Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; 6 Huân chương chiến công… Chiến công thắp lửa để những người con gái trẻ một thời xốc tới góp công giải phóng quê hương. Nhưng chiến công cũng không làm khuất lấp những nỗi niềm đau đáu rất đời, rất người của phụ nữ vì những mất mát máu xương đồng đội. Năm nữ pháo thủ trẻ hy sinh, 10 người khác bị thương hoặc tàn phế vĩnh viễn sau ngày nước nhà thống nhất là những mất mát không thể bù đắp đối với những người con gái đã cống hiến cả tuổi xuân trên những trận địa pháo cao xạ cho ngày giải phóng dân tộc. Bà Lưu Thị Thanh An, chiến sỹ khẩu đội trưởng anh dũng ngày nào vẫn không giấu nổi nước mắt trước bàn thờ chị Lê Thị Pha khi nói về những mất mát của đơn vị, về người bạn chiến đấu Ka Hường lạc rừng ngày xưa giờ đã mờ mắt đang sống ở vùng sâu Lộc Bắc.  Trong 5 tập thể, cá nhân được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đề nghị Bộ Quốc phòng tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang từ tháng 10/2000, đến nay chỉ còn duy nhất đơn vị Nữ pháo binh 8/3 chưa được xác nhận. Chín năm đã lặng lẽ trôi qua sau ngày có văn bản đề nghị của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 trong khi những nữ pháo thủ 8/3 đang thưa vắng dần vì bệnh tật, vì sự già nua và nghiệt ngã của thời gian. Mỗi lần ngồi xe đi qua cây xăng Lộc An, tôi lại ngoái nhìn hình ảnh người đàn bà chân giả đang tất tả bên quầy bánh mỳ nghèo, thu từng đồng tiền lẻ của khách qua đường. Trong ước nguyện của bà Dư Kim Hoa, có lẽ bà vẫn chờ mong sẽ có một ngày  khập khiễng cùng đồng đội năm xưa bước lên đài đón nhận một sự vinh danh, ghi nhận xứng đáng hơn của lịch sử dành cho đơn vị của mình. Mà có lẽ cuộc đời của bà cũng như đồng đội Ka Hường đã mù mắt hay nhiều người nữa trong đơn vị sẽ không còn dài như những ngày họ đã đi qua. Và tôi không muốn dùng từ “bỏ quên” khi nói về những nữ pháo thủ có phiên hiệu đáng nhớ, đơn vị 8/3!
Trần Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ