Dập sụn mắt cá chân
Dịp Tết Trung thu năm 2012, một bạn đồng nghiệp ở Báo Công an TP Hồ Chí Minh rủ tôi đi ghi nhận không khí đón trăng rằm của lũ trẻ vùng cao. Chúng tôi chở nhau bằng xe máy ngược vùng biên giới Mường Lát.
Địa điểm chúng tôi chọn là bản Co Cài – nơi có Trường Tiểu học Trung Lý 2. Quãng đường từ TP Thanh Hóa lên bản Co Cài, xã Trung Lý, huyện Mường Lát khoảng 200 km.
Trời nắng, nóng gay gắt, lại đi vào buổi chiều, nên chúng tôi phải vừa thay nhau cầm lái và nghỉ ngơi dọc đường. Khi chúng tôi đến được Trường Tiểu học Trung Lý 2, đồng hồ đã điểm 20 giờ. Lúc bấy giờ, Co Cài là bản thuộc diện bản “5 không”. Không có đường ô tô, không sóng điện thoại, không điện lưới quốc gia, không Internet và không có hộ dân nào thoát nghèo. Khi chúng tôi vào tới bản, nhà trường đã tổ chức cho học sinh và các em nhỏ ở bản phá cỗ đêm trăng gần xong.
Sau khi liên hệ với lãnh đạo nhà trường, chúng tôi bày tỏ tâm nguyện và xin được ngủ lại để ngày mai làm việc. Các thầy, cô giáo đã tạo điều kiện cho chúng tôi ngủ lại trường.
Cũng trong đêm đó, ngồi nghe giáo viên kể về cuộc sống, sinh hoạt của thầy trò nhà trường, tôi đã biết được có ba chị em một học sinh lớp 4, người dân tộc Thái đang phải dựng lều trọ học cạnh trường.
Đó là trường hợp cháu Ngân Thị Đòa (10 tuổi - lớp 4), nhà ở khu Chiềng, bản Co Cài, được bố mẹ cho đi “ở riêng” để tự lập và theo cái chữ. Thế nhưng, khi ra “ở riêng”, không chỉ mỗi mình Đòa, mà cháu còn phải chăm nuôi hai đứa em gái (một bé lớp 2, em út học mẫu giáo). Ba chị em nhà Đòa được bố, mẹ dựng cho một chiếc lều ở gần cổng Trường Tiểu học Trung Lý 2.
Tìm hiểu ra mới biết rằng, gia đình Đòa quá nghèo, lại ở cách trường 6 km đường rừng. Do đó, hàng ngày bố mẹ không thể đưa chị em Đòa đến lớp được. Chiều ý con, bố về bản Cò Cài dựng một căn lều (9m2) cho 3 chị em Đòa theo học. Mỗi tháng, bố mẹ cho 3 chị em khoảng 30.000 đồng để chi tiêu. Còn gạo ăn, thì cuối tuần, Đòa về nhà và cõng ra để ba chị em cùng ăn.
Một ngày của Đòa bắt đầu từ lúc gà gáy. Cô bé học lớp 4 ấy phải thức dậy hông xôi cho ba chị em ăn để đi học. Gần nửa đêm, là kết thúc một ngày của cô sau khi 2 em đã ngủ vùi. Nhọc nhằn là vậy, nhưng từ khi ra “ở riêng”, Ngân Thị Đòa luôn đứng ở vị trí nhất, nhì của lớp về học lực.
Nhận thấy đây là hoàn cảnh cần kêu gọi cộng đồng giúp đỡ, tôi quyết định tiếp cận 3 chị em cô bé, để làm một phóng sự ảnh. Suốt buổi tối hôm ấy, tôi bắt tay vào thực hiện đề tài của mình.
Đến sáng hôm sau lại “lẽo đẽo” theo ba chị em cô bé để ghi nhận cảnh sinh hoạt, học hành của chúng… Khoảng hơn 12 giờ trưa, khi thực hiện xong góc ảnh cuối cùng (chụp toàn cảnh căn lều của ba chị em), tôi vừa bước xuống triền núi, thì chân phải giẫm lên một hòn đá và… gập chân. Rất may, lúc bị gập chân, theo phản xạ, tôi ôm được một gốc cây.
Lúc này, toàn bộ khớp bàn chân, mắt cá chân sưng vù như bị ong châm, tê buốt. Thấy tôi bị ngã, chân sưng, giáo viên trong trường chạy đi nhờ trưởng bản lấy lá rừng cho để đắp...
Suốt 5 ngày nằm ở bản Co Cài, không thể đi lại được, nên tôi bàn với đồng nghiệp cứ tiếp tục hành trình ngược lên trung tâm huyện. Còn tôi, nhờ một thầy giáo chở ra đường Quốc lộ 15C để đón xe khách về nhà.
Quãng đường gần 20 km, nhưng phải bò trườn hết hơn 2 giờ mới ra tới Quốc lộ 15C. Khi về đến thành phố, tôi đi bệnh viện kiểm tra mới biết khớp cổ bàn chân, 5 khớp xương mu bàn chân và gót chân bị... bung sạch! Không những thế, sụn mắt cá chân phải của tôi bị dập, vỡ màng sụn, tràn dịch ra ngoài và đã chuyển sang giai đoạn hoại tử. Bác sĩ bảo, suýt nữa phải cắt bỏ bàn chân của tôi.
Sau đó, phóng sự ảnh “Ba chị em... lều chõng” đăng ở Báo Nông thôn Ngày nay và báo điện tử Dân Việt.
“Vạn sự tùy duyên”…
Sau khi phóng sự ảnh “Ba chị em… lều chõng” của tôi được đăng tải, ba chị em trong tác phẩm, gồm: Ngân Thị Đòa, Ngân Thị Khanh và Ngân Thị Huyện đã nhận được sự hỗ trợ vật chất từ các nhà hảo tâm, giúp ba chị em có điều kiện theo học.
Khoảng một năm sau đó, khi vết thương ở cổ chân của tôi ổn định, tôi lại tiếp tục những chuyến công tác vùng cao. Nhân có chuyến đi huyện Mường Lát, tôi đã quyết tâm trở lại Co Cài, để đến thăm gia đình ba chị em Ngân Thị Đòa.
Từ trung tâm huyện Mường Lát về Co Cài, nếu đi đường chính khoảng chừng gần 70 km. Vì vậy, tôi chọn lối đi về xã Mường Lý rồi vượt qua sông Mã cho gần. Hôm ấy, trời Mường Lát mưa như trút nước, nhưng vì đã hứa với gia đình cháu nên tôi vẫn quyết tâm đi.
Lúc bấy giờ, tuyến đường từ cầu Chiềng Nưa đi xã Mường Lý chưa được đổ nhựa như bây giờ, nên vô cùng vất vả khi đã gần tối, mà trời vẫn đổ mưa sầm sập. Một mình cố gắng lần theo đường mòn bên triền sông Mã về trụ sở xã Mường Lý, nhiều lần tôi suýt lao xuống vực.
Trời tối hẳn, tôi mới chạm chân đến trụ sở UBND xã Mường Lý. Lúc này, bố của cháu Đòa và một chú em họ đã đứng chờ tôi để dẫn đường về nhà. Gặp nhau, trong lòng tôi khấp khởi mừng thầm, vì nghĩ sẽ có người cầm lái cho mình khi trời tối. Oái oăm thay, khi nghe tôi đề nghị một người cầm lái giúp, thì anh chàng Ngân Văn Yệm (bố cháu Đòa) bảo rằng: “Em không biết đi xe máy bác ơi!”.
Không còn cách nào khác, tôi đành “đánh vật” cùng chiếc xe của mình theo sau xe hai anh em nhà Yệm. Mưa càng lúc càng to, nước từ trên rừng đổ xuống những con suối mỗi lúc một nhiều khiến tôi thấy lo lắng.
Từ trụ sở xã Mường Lý xuống đến bản Tài Chánh (Mường Lý) chỉ chừng dăm km, nhưng chúng tôi phải mất hơn một giờ đồng hồ mới tới nơi. Gửi xe ở một nhà dân, chúng tôi xuống đò để vượt sông Mã về khu Chiềng (thuộc bản Co Cài, Trung Lý) - nơi ở của gia đình Ngân Thị Đòa.
Trời tối đen như mực, nước sông Mã chảy xiết, chiếc đò độc mộc gắn máy Kohler chở 4 người mà chòng chành như quá tải. Tôi đã phải nín thở khi chiếc đò ra giữa dòng, người lái đò phải kéo hết ga. Tiếng máy nổ phành phạch vang lên giữa dòng sông trong đêm tối khiến tôi lạnh người.
Con đò chạm bờ, anh chàng lái đò bảo: “Nước to, chảy xiết quá mà chiều nay em quên không đổ dầu vào máy. May mà không chết máy ở giữa dòng, bác ạ!”. Lúc đó, thực sự tôi thấy mình toát mồ hôi. Khi về tới căn nhà của gia đình cháu Đòa, tôi nhìn đồng hồ, đã gần 21 giờ.
Bữa cơm được dọn ra, tôi thấy mẹ cháu Đòa – chị Ngân Thị Đừa đứng ở cửa sổ nhà sàn gọi í ới bằng tiếng Thái. Một lúc sau, thấy khoảng hơn chục người rục rịch bước lên cầu thang nhà sàn.
Tôi hỏi bố cháu Đòa. “Vì sao gọi nhiều người vậy?”. Bố Đòa bảo: “Phong tục ở đây là vậy bác ạ! Những người này là anh, em họ tộc cả. Hôm nay, lần đầu tiên bác lặn lội về thăm gia đình, vợ chồng em mời họ tộc đến với tư cách bác là bố đỡ đầu của cháu. Nếu không có bác, có lẽ mấy đứa con của em không thể theo cái chữ được nữa. Mong bác cứ coi chúng em như người thân, bác nhé!”.
Nghe những lời bộc bạch, chân chất từ đáy lòng của một người cha có 3 đứa con ăn học, mà phải dựng lều ở cạnh trường do gia cảnh quá khó khăn, tôi thực sự cảm động. Trong bữa cơm hôm ấy, tôi đã xin vợ chồng anh Yệm, chị Đừa cùng anh em họ tộc gia đình ấy được nhận cháu Ngân Thị Đòa làm con gái đỡ đầu…
Thấm thoát đã 10 năm trôi qua, giờ đây con gái đỡ đầu của tôi đang chuẩn bị bước vào năm thứ 3, Khoa Sư phạm Tiểu học, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Có thể, cha – con chúng tôi đến được với nhau, đó là điều “vạn sự tùy duyên” cũng nên.